Ba trẻ trong gia đình ở Hà Nội cùng mắc cúm A, trong đó có 2 trẻ viêm phổi
Hệ thống Y tế Medlatec ghi nhận 3 trường hợp nhiễm cúm A là 3 chị em trong một gia đình ở Hà Nội với các triệu chứng: sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, ho khan nhiều, đau tức ngực trái, nhiều dịch mũi. Các triệu chứng xuất hiện đột ngột, diễn biến cấp tính tăng dần.
Ba trẻ trong một gia đình cùng mắc cúm A
Xét nghiệm test nhanh cúm cho kết quả dương tính với cúm A ở cả 3 trẻ. Trong đó, 2 bé gái có tình trạng nặng hơn, được chỉ định nhập viện do biến chứng viêm phổi, với các bilan viêm tăng cao, bao gồm bạch cầu (BC) tăng và CRP cao. Chụp CT phổi có hình ảnh tổn thương viêm phổi.
Riêng bé trai do triệu chứng nhẹ hơn, được kê đơn thuốc điều trị và theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hai bệnh nhi nhập viện được điều trị tích cực theo phác đồ, bao gồm kháng sinh, thuốc hạ sốt, chăm sóc hỗ trợ hô hấp và theo dõi sát tình trạng viêm phổi. Sau 7 ngày điều trị nội trú tình trạng sức khỏe của các bé đã ổn định. Hình ảnh chụp CT phổi sau điều trị không còn tổn thương, chức năng hô hấp cải thiện tốt, sức khỏe gần như hồi phục hoàn toàn.
Virus cúm có thể sống sót trên các bề mặt tiếp xúc đến 48 giờ
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc, chuyên khoa Nhi, Phòng khám đa khoa Medlatec số 2, cúm A là loại cúm mùa phổ biến nhất, chiếm tới 75% các trường hợp nhiễm cúm ở người. Các chủng virus cúm A thường gặp bao gồm: H1N1, H3N2, H5N1, H7N9, trong đó, H5N1 và H7N9 xuất hiện ở gia cầm nhưng có khả năng lây sang người, dẫn đến nguy cơ bùng phát thành đại dịch.
Virus cúm A có thể lây từ gia cầm mắc bệnh sang người khi có tiếp xúc gần, tuy nhiên, phổ biến hơn cả là lây lan từ người sang người qua đường hô hấp. Khi nói chuyện, hắt hơi hoặc ho, virus trong cơ thể sẽ phát tán ra ngoài theo tuyến nước bọt với phạm vi lên tới 2m. Người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần, hoặc trò chuyện trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.
Ngoài ra, virus cúm A còn tồn tại trên các bề mặt như tay nắm cửa, quần áo, điện thoại, bát đũa và các vật dụng hằng ngày. Thói quen dùng tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Virus cúm có thể sống sót trên các bề mặt này đến 48 giờ, tạo điều kiện cho sự lây lan trong cộng đồng.
Người mắc cúm A sẽ có một số biểu hiện đặc trưng như: sốt cao, sốt kéo dài, đau họng, viêm họng, ho nhiều và kéo dài, ớn lạnh, khó thở, mệt mỏi, chảy nước mắt khi ra ngoài sáng. Trẻ em nhiễm bệnh rất dễ gặp tình trạng nôn mửa, hoặc tiêu chảy.
Bác sĩ Ngọc cảnh báo, phần lớn bệnh nhân mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nguy cơ cao (trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh lý nền) có nguy cơ gặp phải các biến chứng như: viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu, phù não, tổn thương gan, thậm chí là sảy thai.
Nếu mẹ bầu nhiễm cúm ở 3 tháng đầu trong thai kỳ có thể gây ra những dị tật thai nhi như sứt môi, hay bệnh lý van tim. Một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể tiến triển nặng với các triệu chứng sốt cao, khó thở, suy đa tạng và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Một trong những điều quan trọng nhất khi đối phó với bệnh dịch do virus cúm là chẩn đoán nhanh chóng và kịp thời. Khi xuất hiện các triệu chứng cấp tính nghi ngờ nhiễm cúm, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định bệnh và can thiệp điều trị phù hợp. Đồng thời, cần theo dõi sát diễn biến lâm sàng nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm do cúm gây ra.
Năm điều nhất định phải nhớ để phòng ngừa bệnh cúm A
Theo Bộ Y tế, năm 2024 ghi nhận 289.876 ca cúm mùa, 8 ca tử vong. Số mắc giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), nhưng số ca tử vong tăng 5 trường hợp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nhiều quốc gia Bắc bán cầu đang gia tăng ca bệnh hô hấp cấp do cúm mùa, RSV, hMPV, mycoplasma pneumoniae vào cuối năm.
Hệ thống giám sát của Bộ Y tế ghi nhận cúm mùa bùng phát mạnh tại Nhật Bản. Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản cho biết, từ 2/9/2024-26/1/2025, nước này có khoảng 9,5 triệu ca cúm, riêng tuần cuối năm 2024 hơn 317.000 ca. Tokyo, Hokkaido, Osaka, Fukuoka bị ảnh hưởng nặng nhất. Chủ yếu do cúm A gây ra nhưng nguy cơ bùng phát cúm B vẫn tồn tại.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo, trẻ nhỏ, người có bệnh nền, cao tuổi, suy giảm miễn dịch cần đặc biệt cẩn trọng trước nguy cơ nhiễm cúm.
Để phòng bệnh hiệu quả, người dân nên tuân thủ 5 biện pháp quan trọng sau đây:
1. Tiêm phòng: Tiêm vaccine cúm hằng năm là cách hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân và gia đình. Vaccine giúp cơ thể xây dựng hệ miễn dịch chống lại các chủng virus cúm phổ biến trong năm đó.
2. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, hoặc dung dịch rửa tay có cồn. Tránh chạm vào mặt, đặc biệt là mắt, mũi và miệng.
3. Tránh tiếp xúc với người bệnh: Hạn chế tiếp xúc gần với người đang bị cúm. Nếu bạn bị cúm, hãy ở nhà để tránh lây lan sang người khác.
4. Vệ sinh môi trường sống: Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn làm việc, điện thoại. Virus cúm có thể sống trên các bề mặt này trong một thời gian dài, do đó việc vệ sinh kỹ càng là rất cần thiết.
5. Tăng cường sức đề kháng: Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và giảm stress để tăng cường hệ miễn dịch. Một cơ thể khỏe mạnh là cách tốt nhất để chống lại bệnh tật.