Ba trụ cột giúp Bạc Liêu 'cất cánh'

Khép lại một năm bận rộn với rất nhiều kỳ vọng, có những vấn đề còn lỡ hẹn như chậm đưa dự án điện khí (PNG) vào vận hành làm chậm lại tiến độ tăng trưởng kinh tế… nhưng với việc lồng ghép xanh vào phát triển kinh tế địa phương, với ba trụ cột là năng lượng tái tạo - nuôi trồng, chế biến thủy sản - du lịch đã đưa tỉnh Bạc Liêu 'cất cánh'.

Dự án nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu. Ảnh Sơn Nam

Dự án nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu. Ảnh Sơn Nam

Chuyển hướng năng lượng xanh

Tỉnh Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km, bãi bồi ven biển rộng và tương đối bằng phẳng. Bạc Liêu cũng là tỉnh có nắng hầu như quanh năm, với số giờ nắng đạt khoảng 2.200 - 2.700 giờ/năm (giá trị bức xạ đạt trên 4,8 kWh/m2/ngày), điều kiện khí hậu tốt, địa hình bằng phẳng và rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần.

Bạc Liêu còn được biết đến là vùng duyên hải có gió mạnh và khá ổn định, bình quân tốc độ gió là 7m/s.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu là nhà máy điện gió ven biển đầu tiên tại Việt Nam, đặt tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Cánh đồng gió Bạc Liêu chính là cánh đồng gió đầu tiên và cũng là cánh đồng gió lớn nhất tại Việt Nam. Với những cánh đồng điện gió bạt ngàn, dự án điện mặt trời và điện mặt trời áp mái..., phát triển năng lượng xanh đang là ưu thế gần như “tuyệt đối” của Bạc Liêu, trong các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, việc triển khai các dự án điện gió hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến sinh kế, cuộc sống và đất đai của người dân. Tỉnh đã xác định tiến trình triển khai sẽ chọn những khâu khó, ở xa để xây dựng các trụ điện gió ngoài khơi, sau đó mới tiến vào đất liền. Với tiềm năng và lợi thế này, tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh khai thác tiềm năng lớn hướng mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng sạch, vừa giúp doanh nghiệp tăng cường cơ hội hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài.

Thời gian qua, Bạc Liêu đã triển khai 8 dự án điện gió, với công suất gần 500 MW, sử dụng nguồn lực tại chỗ, đóng điện đúng tiến độ, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ như: điện gió Bạc Liêu, Hòa Bình 1, Đông Hải 1, Đông Hải 2, LNG Bạc Liêu,… Cùng với hàng trăm hộ dân lắp đặt điện mặt trời áp mái nối lưới, với tổng công suất là 3.366,4 kWp, đến nay Bạc Liêu đóng góp sản lượng điện khoảng 1.182.331 kWh hòa vào lưới điện quốc gia.

Theo kế hoạch, dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu khởi công trong quý II/2022 và hoàn thành giai đoạn 1 (công suất 800 MW) trong năm 2024; giai đoạn 2 đạt đủ công suất 3.200 MW cuối 2027. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 93.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD). Đây là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ trước tới nay.

Dự án có tổng diện tích 252,81 ha và nhiên liệu sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng LNG nhập khẩu, công suất khoảng 3.200 MW (gồm 4 tổ máy, mỗi tổ có công suất khoảng 800 MW). Khi dự án này hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (giúp tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm) và góp phần quan trọng vào việc đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia.

Phát triển hài hòa ba trụ cột

Cánh đồng điện gió ở Bạc Liệu. Ảnh Sơn Nam

Cánh đồng điện gió ở Bạc Liệu. Ảnh Sơn Nam

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, tỉnh Bạc Liêu phát triển hài hòa giữa nghề làm muối, nuôi tôm và sản xuất điện sạch. Tỉnh đã quyết định lựa chọn áp dụng công nghệ vào nuôi tôm. Gần đây, Bạc Liêu còn tập trung khuyến khích người dân, doanh nghiệp khai thác mô hình làm du lịch gắn với nghề truyền thống rất hiệu quả.

Từ nuôi trồng nhỏ lẻ thủ công, các cơ sở nuôi tôm truyền thống định hướng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, sử dụng ít nước, ít ô nhiễm môi trường, từ đó các ngành nghề khác đồng thời cùng được hưởng lợi. Người dân sản xuất lúa, tôm không dùng kháng sinh còn doanh nghiệp đầu tư lớn, dành nhiều nguồn lực hơn để đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Cùng với năng lượng tái tạo, nuôi trồng và chế biến thủy sản theo hướng sản xuất xanh, ngành du lịch (xanh), du lịch nông thôn được xem là trụ cột thứ 3 trong chiến lược phát triển của Bạc Liêu.

Năm 2023 - 2024, địa phương này đã phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, các khu du lịch trọng điểm ven biển có quy mô ngang tầm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước…

Để thu hút ngày càng đông du khách, ngoài phát triển hạ tầng, tỉnh Bạc Liêu còn gắn kết phát triển du lịch với các hoạt động văn hóa, thể thao và các hội chợ thương mại, lễ hội dân gian… Như sự kiện Ngày hội Văn hóa - Du lịch; Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn với nhiều hoạt động diễn ra. Trong đó, có không gian trình diễn các làng nghề truyền thống, giao lưu trình diễn nghệ thuật truyền thống, trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu của Bạc Liêu; hội thi ẩm thực đặc sản nông nghiệp; hội thi tuyên truyền lưu động về du lịch nông thôn… được tổ chức thành công và đã thu hút lượng khách đến với Bạc Liêu tăng gấp 10 lần so với những ngày bình thường.

Khuyến khích đầu tư, phát triển du lịch nông thôn

Tỉnh Bạc Liêu có nhiều điểm đến nổi tiếng đã và đang thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước, như: khu sinh thái nông trại xanh, khu du lịch sinh thái Phương Nam, cánh đồng hoa Huỳnh, vườn dưa lưới Yến Nhi, khu sinh thái ven biển Nhà mát Bạc Liêu, nông trại tôm khỏe, khu sinh thái Hương Rừng…

Năm 2025, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục đưa nhóm phát triển du lịch nông thôn vào các nhóm trong chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, các công trình giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn và khách du lịch, nhất là cải tạo, nâng cấp cầu, đường vào các khu, điểm du lịch.

Một trong những công tác được Thành ủy, HĐND, UBND TP. Bạc Liêu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính là tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch ngày càng được tăng cường, các công trình giao thông từng bước hoàn thiện và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch, nhất là cải tạo, nâng cấp cầu, đường vào các khu, điểm du lịch. Trong 2 năm qua, thành phố đã đầu tư và đưa vào sử dụng 11 hạng mục công trình, dự án từ ngân sách tỉnh và thành phố, với tổng kinh phí gần 756,2 tỷ đồng.

Qua hơn 1 năm khuyến khích triển khai phát triển, loại hình du lịch nông thôn tại TP. Bạc Liêu (du lịch miệt vườn, trải nghiệm nuôi tôm, làm muối…) đang tiếp tục khẳng định bước đi đúng đắn trong quy hoạch và triển khai chính sách của lãnh đạo tỉnh. Bước đi này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm du lịch khu vực nông thôn thu hút du khách, nhiều hộ dân “đổi đời”

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ba-tru-cot-giup-bac-lieu-cat-canh-168847-168847.html