Ba xu hướng phản ánh chiến tranh của các cây bút đương thời
Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, không phải tất cả nhà văn Việt Nam viết về chiến tranh sau chiến tranh đều có chung một hướng viết mới.

GS.TS Đinh Xuân Dũng.
Dưới đây là phần lược trích từ bài tham luận của GS.TS Đinh Xuân Dũng tại hội thảo khoa học "50 năm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025); thành tựu, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển" do Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Quân đội nhân nhân tổ chức.
Không phải tất cả nhà văn Việt Nam viết về chiến tranh sau chiến tranh đều có chung một hướng viết mới. Thực tiễn 50 năm qua cho chúng ta nhận biết, cho đến nay vẫn đang tồn tại đồng thời ba xu hướng xen kẽ và tác động lẫn nhau, đôi khi không “đồng điệu", không “chịu" nhau về việc phản ánh chiến tranh sau chiến tranh.
Các tác phẩm "đúng mà không mới"
Một số tác giả, nhất là một số nhà văn đã quen và nhiều năm viết về chiến tranh ngay trong chiến tranh, vẫn giữ lại “tạng” của mình, ít có đổi mới, thường chỉ có khả năng kể lại, miêu tả lại các diễn biến của các sự kiện, biến cố, quá trình chiến tranh, ca ngợi thật lòng nhưng ít có phát hiện mới về con người trong chiến đấu.
Thời gian qua, một số hồi ký, tự truyện, hồi ức thể hiện theo hướng đó. Dung lượng hiện thực có thể được mở rộng, nhưng chất lượng của sự khám phá không cao, vì thế, dù cần mẫn, dày công nhưng hiệu quả nghệ thuật trong đời sống xã hội đương đại ít nhiều mờ nhạt.
Rất tiếc rằng, có cả những tiểu thuyết dài, tự truyện, hồi ký công phu nhưng rơi vào sự lãng quên hay đọc chủ yếu chỉ để biết thêm một số sự kiện, biến cố chiến tranh. Một số tác phẩm chưa vượt qua được tư duy truyền thống khi viết về chiến tranh, đúng mà không mới, kể tả mà ít khám phá.
Nhiều cây bút đào sâu vào hiện thực đa chiều phức tạp
Khuynh hướng chính của sự phát triển trong 50 năm qua, mặc dù trải qua không ít khó khăn, nhiều nhà văn trong số những người nhiều năm viết về chiến tranh trong chiến tranh, đã bứt lên, đổi mới mình, đáp ứng nhu cầu mới đương đại và đặc biệt các nhà văn hình thành vào cuối thời kỳ chống Mỹ, đã cho ra đời những tác phẩm thực sự đổi mới và minh chứng cho một quy luật không thể né tránh của mảng văn học về chiến tranh viết sau chiến tranh.
Đó là sự đào sâu mới, là năng lực phân tích, bình giá và mổ xẻ hiện thực đa chiều phức tạp, đan xen nhau của chiến tranh là sự phân tích (tất nhiên bằng tư duy sáng tạo nghệ thuật), mối quan hệ cực kỳ phức tạp giữa số phận từng con người với biến cố chiến tranh, đó là năng lực khám phá và đặt ra những vấn đề nóng bỏng nhất trong chiến tranh và sau chiến tranh do tác động dai dẳng của chiến tranh trong đời sống của từng cá nhân và của toàn xã hội.
Không chỉ các nhà văn đã sáng tạo trong chiến tranh hay trực tiếp là người "trong cuộc chiến tranh, mà một số cây bút tìm hiểu gián tiếp chiến tranh cũng nỗ lực viết theo xu hướng này.
Trong phạm vi tham luận, tôi xin nêu một vài tác phẩm tiêu biểu mà bản thân đọc trong 5, 6 năm qua, không có ý định sắp xếp hay chọn lọc, như Nhật ký đời lính, Chuyện lính Tây Nam, Chuyện năm 1968, Sống và kể lại, Chúng tôi thời hậu chiến, Gió bụi đầy trời, Đi qua cuộc chiến, Suối cọp, Nỗi đau sau chiến tranh, Thượng Đức, Người đàn bà đi qua chiến tranh, Bất chợt mai vàng, Lặng yên sau cơn mưa, Khắc tinh với thần chết, Gãy cánh điệp viên...
Nếu nhìn xu hướng này như một nhu cầu xã hội - thẩm mỹ khách quan, một quy luật nội tại của bản thân sự sáng tạo, thì nó sẽ phát triển và là nguồn mạch chủ yếu tạo ra những tác phẩm có giá trị lớn về các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta những năm qua. Và như vậy, đề tài này sẽ không bị đứt gãy vì các thế hệ nhà văn kế tiếp sẽ nhìn lại cuộc chiến tranh từ góc nhìn đương đại của mình để thấu hiểu và “đồng hóa" hiện thực chiến tranh trong quá khứ, phục vụ cho nhu cầu mới, bảo vệ và xây đất nước trước một thực tiễn mới trong thời đại họ sống.
Mấy năm gần đây đã xuất hiện những cây bút trẻ như vậy. Chiến tranh trong quá khứ, dù nó đã lùi xa, dù hiện tại và tương lai có thể đã và đang nhiều biến động phức tạp mới, vẫn không thể bị lãng quên, vẫn là một đề tài lớn và hấp dẫn, bởi vì xét cho cùng, mục tiêu sáng tạo không phải kể tả lại mà để chiêm ngưỡng, ngắm nhìn, mà tìm ra những vấn đề sâu xa, căn cốt, bài học lịch sử của đời sống con người trong một quan hệ phức tạp nhất, không bình thường, của bản thân đời sống đó - quan hệ biến cố chiến tranh và số phận con người, số phận dân tộc.
Cái nhìn phiến diện về chiến tranh
Xu hướng thứ ba, do chịu sự tác động phức tạp của điều kiện chính trị - xã hội, tư tưởng của giai đoạn lịch sử đầy biến động 50 năm qua, do chưa có được sự thấu hiểu đầy đủ tính đặc thù của cuộc chiến tranh ở nước ta và ít nhiều do bản lĩnh sáng tạo, đã ra đời một vài tác phẩm viết về chiến tranh theo khuynh hướng nhìn méo mó hiện thực, chỉ tập trung đi tìm những cái mất mát, đau thương, bi thảm, éo le, ác độc, lố bịch... xảy ra trong chiến tranh, từ đó coi là toàn bộ hiện thực chiến tranh.
Một vài cây bút phê bình, ảnh hưởng luận điểm được "nhập khẩu" vào nước ta, đã vội gọi cuộc chiến đấu đầy hy sinh và vĩ đại của dân tộc là "chiến tranh ủy nhiệm”, là “nội chiến". Song, những cách nghĩ sai lệch đó không có vị trí đủ tác động tiêu cực đến đời sống văn học.