Bà Yellen chỉ trích cách Trung Quốc đối xử với các công ty Mỹ
Bà Yellen bày tỏ sự lo ngại về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Trung Quốc trong bài phát biểu công khai đầu tiên của mình tại Bắc Kinh.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 6/7 đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến công du 4 ngày nhằm mục đích giảm bớt những căng thẳng đang gia tăng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt là về thương mại và ngành công nghiệp công nghệ cao.
Thế nhưng, ngay trong ngày 7/7, bà Yellen đã chỉ trích cách đối xử của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty có quan hệ nước ngoài, cũng như quyết định áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số khoáng sản quan trọng đối với việc sản xuất chip mới được công bố gần đây.
Tuyên bố mạnh mẽ của bà Yellen được đưa ra trong buổi gặp mặt với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại một sự kiện do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc tổ chức.
“Trong các cuộc họp với các đối tác của mình, tôi đang truyền đạt những lo ngại mà tôi đã nghe được từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, bao gồm việc Trung Quốc sử dụng các công cụ phi thị trường như mở rộng trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp trong nước, cũng như các rào cản tiếp cận thị trường đối với các công ty nước ngoài”, bà Yellen phát biểu.
“Tôi đặc biệt lo lắng trước các hành động trừng phạt đã được thực hiện đối với các công ty Mỹ trong những tháng gần đây”, bà nói thêm.
Những bình luận của bà Yellen nhấn mạnh những thách thức mà 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đối mặt khi họ tìm cách vượt qua những khác biệt sâu sắc.
Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố các biện pháp nhằm củng cố năng lực công nghệ của Mỹ và hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ tiên tiến, bao gồm việc kiểm soát xuất khẩu sâu rộng có hiệu lực vào tháng 10/2022 và hạn chế khả năng các doanh nghiệp Mỹ bán một số chất bán dẫn điện toán tiên tiến hoặc thiết bị sản xuất có liên quan cho Trung Quốc.
Mỹ cũng đang xem xét đưa ra các giới hạn mới liên quan đến chip tiên tiến và đầu tư vào quốc gia châu Á, đồng thời hạn chế quyền truy cập của các công ty Trung Quốc vào các dịch vụ điện toán đám mây của mình.
Những biện pháp bổ sung này được cho là nhằm khắc phục lỗ hổng trong các hạn chế trước đó đối với quyền truy cập của Trung Quốc vào các chip tiên tiến được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo.
Đối mặt với những động thái này, Trung Quốc đã bắt đầu đáp trả. Hồi tháng 5, Bắc Kinh cho biết, nhà sản xuất chip Micron của Mỹ không vượt qua được đánh giá bảo mật, và cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng mua sản phẩm của công ty này.
Hôm 3/7, Bộ Thương mại Trung Quốc tiếp tục đưa ra đòn trả đũa thứ hai với lệnh cấm xuất khẩu gali và germani, 2 kim loại cần thiết cho việc sản xuất chip tiên tiến, bắt đầu có hiệu lực từ 1/8. Bộ này cho biết, các quy tắc mới của họ không nhắm mục tiêu vào một quốc gia cụ thể.
Phát biểu tại Bắc Kinh, bà Yellen cho biết, bà “lo ngại” trước quyết định ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc.
“Chúng tôi vẫn đang đánh giá tác động của những hành động này, nhưng chúng nhắc nhở chúng tôi về tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng và linh hoạt”, bà Yellen nói. Theo bà Yellen, Mỹ có thể sẽ đưa ra các biện pháp phản hồi bổ sung để đảm bảo rằng các doanh nghiệp và người lao động Mỹ được đối xử công bằng.
“Tôi sẽ luôn bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp và cố gắng đảm bảo một sân chơi bình đẳng. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đồng minh để đối phó với các hoạt động kinh tế không công bằng của Trung Quốc”, bà Yellen cam kết với các doanh nghiệp.
Nguyễn Tuyết (Theo New York Times, CNBC)