Bắc Bình đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Toàn huyện Bắc Bình có 18 xã, thị trấn và có 18 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 17 dân tộc thiểu số sống tập trung tại 4 xã miền núi, 5 xã đồng bằng và 4 thôn xen ghép.
Trong những năm qua, UBND huyện Bắc Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng huyện phối hợp với chính quyền địa phương tập trung đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống các dân tộc, nhằm góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, thi đua lao động sản xuất và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tình hình sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng ổn định, nông dân biết vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thâm canh tăng vụ, sử dụng các loại giống lúa mới, bắp lai cho năng suất, chất lượng cao. Tổng diện tích sản xuất cây lương thực khoảng 13.737 ha, với tổng sản lượng lương thực trên 43.046 tấn, trong đó cây lúa 6.724 ha, bắp lai 233 ha. Các xã đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng diện tích các loại cây lúa, bắp, mì, mè và đầu tư chăn nuôi bò, dê, cừu. Các đơn vị chủ rừng đã giao khoán bảo vệ 27.003 ha rừng cho 679 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với bình quân 39,7 ha rừng/hộ, nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập gia đình. Trường học ở các xã được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tổng số học sinh dân tộc thiểu số ra lớp năm học 2022 – 2023 là 11.446 học sinh, gồm: Mẫu giáo 2.337 học sinh, tiểu học 5.082 học sinh, trung học cơ sở 3.114 học sinh và phổ thông trung học 911 học sinh. Mạng lưới y tế cơ sở tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố về bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất trang thiết bị; 100% xã có trạm y tế, 5/9 trạm y tế xã có bác sĩ và 9/9 xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 62,46% (36.240 thẻ bảo hiểm y tế). Đồng thời, các xã đã đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch số 226, bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm, thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp. Vào các ngày lễ hội chính quyền địa phương đã tổ chức hội thi văn nghệ, thể thao, nhằm phát huy truyền thống văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng huyện đã hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Thực hiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần phát huy hiệu quả công tác giảm nghèo tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 783 hộ/3.182 khẩu, chiếm tỷ lệ 6,8% và hộ cận nghèo là 949 hộ/3.982 khẩu, chiếm tỷ lệ 8,24%. Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 230.067 triệu đồng/1.927 hộ, tạo điều kiện cho các hộ dân tộc đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống gia đình. UBND huyện đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho 32 người và tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh miền Trung cho 14 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh đã thực hiện đầu tư ứng trước cho 145 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất 307,9 ha bắp lai, lúa nước, với tổng số tiền khoảng 3,11 tỷ đồng.