Bắc Bình: Khơi dậy sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới

Từ một vùng đất hội đủ 3 'K' là khó, khô, khổ của tỉnh Bình Thuận, trải qua những thăng trầm của sự phát triển, Bắc Bình nay đã vực dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, xây dựng quê hương từng bước đổi thay. Bên cạnh sự phát huy 3 trụ cột kinh tế của tỉnh về du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, bộ mặt nông thôn mới ở Bắc Bình đang ngày càng khởi sắc, một phần nhờ sự khơi dậy sức dân…

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Sự kiện xã Hồng Phong chính thức được UBND tỉnh trao bằng công nhận xã nông thôn mới (NTM) diễn ra vừa qua, được xem là minh chứng cho sự cố gắng của chính quyền và nhân dân địa phương trong suốt hơn 10 năm phấn đấu xây dựng. Từ một xã nằm ven biển của huyện Bắc Bình, xuất phát điểm các tiêu chí đạt thấp, nhất là các tiêu chí về đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, theo như lời ông Hà Trung Nghiêm – Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, kết quả ấy đã tạo được phong trào “toàn dân đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” được chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Qua đó thúc đẩy nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân, xây dựng NTM với diện mạo mới, sức sống mới.

Tuyến đường ở xã Hồng Phong (ảnh K.H)

Tuyến đường ở xã Hồng Phong (ảnh K.H)

Đến Bắc Bình, thật không khó để cảm nhận được sự khang trang, đổi mới ở 2 xã ven biển của huyện là Hòa Thắng, Hồng Phong, với những con đường láng nhựa sạch đẹp, những ngôi nhà cao lớn sừng sững mọc lên ngày càng nhiều, thể hiện được mức sống kinh tế của người dân địa phương đang không ngừng đi lên. Những kết quả ấy, có sự góp mặt thành công của phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn huyện những năm qua được quan tâm, đẩy mạnh. Trong đó, có đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng NTM, nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân… Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 chủ thể được công nhận, đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) gồm Bình An, Hải Ninh, Sông Bình và thị trấn Chợ Lầu. Ngoài ra có 3 sản phẩm được tỉnh xét duyệt năm 2022.

Một ngôi nhà khang trang ở xã nông thôn mới của Bắc Bình (ảnh N.Lân)

Một ngôi nhà khang trang ở xã nông thôn mới của Bắc Bình (ảnh N.Lân)

Ông Trần Anh Thịnh – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Bình cho biết, đến nay huyện có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó Hồng Phong là xã đầu tiên trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021- 2025. Số tiêu chí xã NTM lũy kế đạt đến nay là 257 tiêu chí (chủ yếu đạt chuẩn đến cuối năm 2022), bình quân đạt 16,06 tiêu chí/xã; số tiêu chí huyện NTM đạt 4 tiêu chí, gồm điện; y tế - văn hóa - giáo dục; kinh tế; hệ thống chính trị; an ninh trật tự, hành chính công. Huyện hiện có 36/67 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 53,73%. Ngoài ra, mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố, kiện toàn, với 9/18 trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ và 18/18 trạm y tế xã, thị trấn có hộ sinh.

Trạm Y tế xã Phan Sơn (ảnh N.Lân)

Trạm Y tế xã Phan Sơn (ảnh N.Lân)

Không ngừng phấn đấu

UBND huyện Bắc Bình xác định, xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, bước đầu đã huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng và nhân dân. Người dân dần thay đổi nhận thức, xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện chương trình, khắc phục rõ sự trông chờ vào Nhà nước. Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã nổi lên các mô hình tốt, hiệu quả, phong trào trong dân nhiều nơi phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi bộ mặt NTM ở huyện Bắc Bình ngày càng khang trang.

Trường Tiểu học Sông Bình (ảnh N.Lân)

Trường Tiểu học Sông Bình (ảnh N.Lân)

Tuy vậy, huyện Bắc Bình cũng nhận thấy, địa phương có xuất phát điểm còn nhiều mặt khó khăn, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập so với quy định tiêu chí xây dựng NTM của Chính phủ. Đó là việc kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, nước sạch, môi trường…Từ đó, đặt ra cho huyện phải nỗ lực huy động các nguồn lực để đầu tư đạt các tiêu chí. Đáng quan tâm khi các xã còn lại trên địa bàn huyện chưa đạt chuẩn NTM phần lớn là các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nên việc huy động nguồn lực thực hiện gặp nhiều hạn chế. Thu nhập của người dân tại các vùng này thấp so với mặt bằng chung của huyện. Trong khi, để phát triển kinh tế giúp nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một thách thức lớn đối với huyện…

Từ những thuận lợi, khó khăn, cùng sự quyết tâm, đồng lòng, khơi dậy sức dân tham gia xây dựng NTM, huyện Bắc Bình đang huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và khơi dậy sức dân tham gia xây dựng NTM, nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng NTM. Đặc biệt với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đối với các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa thôn, khu thể thao thôn, địa phương khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Cùng với đó triển khai thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân, nhất là chương trình hỗ trợ vốn phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng NTM nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân, tạo tiền đề, nguồn lực cho nhân dân tham gia xây dựng NTM. Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025…

Theo UBND huyện Bắc Bình, trong giai đoạn 2023 - 2024, huyện phấn đấu 2 xã đạt chuẩn NTM, gồm Bình Tân và Phan Điền. Năm 2025 phấn đấu đạt chuẩn NTM xã Sông Bình và trong giai đoạn 2023 – 2025 có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Hòa Thắng, Hồng Phong và 2 thôn kiểu mẫu thuộc 2 thôn của 2 xã này.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bac-binh-khoi-day-suc-dan-tham-gia-xay-dung-nong-thon-moi-112178.html