Bắc Giang bảo lưu, trao truyền, nuôi dưỡng di sản Then
Bắc Giang là vùng đất gắn với nhiều di sản. Đặc biệt năm 2019, tỉnh là một trong 11 địa phương sở hữu di sản Thực hành Then được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị Then của người Tày, Nùng đã được các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp và hoạt động thiết thực.
Nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nổi bật của người Tày, Nùng
Ở Bắc Giang, người Tày, Nùng là hai tộc người có dân số đông sau người Kinh. Họ cư trú rộng khắp trong toàn tỉnh nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện: Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. Một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng phổ biến nhất và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng nơi đây là Then.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, hiện trên địa bàn tỉnh, thực hành Then của người Tày, Nùng được phân chia thành Then trong nghi lễ (là loại Then cổ phục vụ việc hành nghề tín ngưỡng) và Then trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thường ngày gọi là Then văn nghệ (cải biên, sáng tác dựa trên âm hưởng Then cổ). Then không chỉ được sử dụng trong các nghi lễ của người Tày, Nùng mà còn được diễn xướng trong các buổi sinh hoạt văn nghệ, hội họp thường ngày, trong lao động, sản xuất, hát đối đáp giao duyên nam nữ...
Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Tích - người tâm huyết gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Then ở Bắc Giang cho biết, Then nghi lễ được thực hiện ở các dịp lễ cầu an, sinh nhật, giải hạn, nhà mới, gửi con, cúng tổ tiên, cắt tiền duyên... Then văn nghệ là những làn điệu ngắn có âm hưởng vui tươi, nội dung chủ yếu là ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi, ca ngợi công lao của Đảng, Bác Hồ, cầu mong cuộc sống bình an, mùa màng bội thu. Một trong những điểm đặc sắc của Then là ngôn ngữ ẩn chứa chiều sâu văn hóa. Do đó, Then đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Lan tỏa giá trị của Then trong cộng đồng
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Nguyễn Sĩ Cầm cho biết, sau khi di sản Then được UNESCO ghi danh, tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ để bảo tồn, phát huy giá trị di sản nhằm thực hiện cam kết của quốc gia với UNESCO. Đồng thời, triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, giai đoạn 2022 - 2027 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030”; trong đó, ưu tiên bảo tồn các di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh và đề ra nhiệm vụ cụ thể để bảo tồn và phát huy di sản thực hành Then theo từng giai đoạn. Năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang ban hành văn bản triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đến các phòng, đơn vị trực thuộc Sở và các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Lạng Giang, Yên Thế.
Từ năm 2019, hằng năm, Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Bắc Giang đều tổ chức các lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính. Đến nay đã có gần 200 lượt học viên theo học, có kết quả khả quan. Tại các huyện, ngành Văn hóa chú trọng công tác bồi dưỡng Then cho thế hệ trẻ. Hằng năm, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang đều tổ chức các lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính cho các câu lạc bộ trên địa bàn huyện. Hoạt động này còn được một số trường đưa vào giảng dạy trong các tiết học và hoạt động của đơn vị. Điển hình như: Huyện Sơn Động tổ chức giảng dạy chính khóa tại giờ học âm nhạc cho các học sinh khối trung học cơ sở thuộc các xã vùng Đông Bắc của huyện (nơi có nhiều đồng bào dân tộc Tày sinh sống). Huyện Lục Ngạn đưa hát Then, đàn Tính vào truyền dạy tại một số trường trung học cơ sở vào các giờ hoạt động ngoại khóa, giáo dục địa phương thu hút nhiều học sinh tham gia.Bắc Giang khuyến khích các địa phương có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống, thành lập các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính. Một số địa phương dành kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, trang phục, nhạc cụ... đảm bảo điều kiện duy trì các hoạt động của câu lạc bộ. Số lượng câu lạc bộ hát Then, đàn Tính ở các địa phương được thành lập ngày càng tăng. Đến nay, tỉnh có 20 câu lạc bộ. Nhiều cá nhân, câu lạc bộ đã giành giải cao khi tham gia hội thi, hội diễn văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Sơn Động và Yên Thế, vài năm gần đây, Then văn nghệ được đưa vào phục vụ du lịch mang lại nhiều kết quả thiết thực.Tỉnh tạo điều kiện để di sản Then được bảo lưu, trao truyền, nuôi dưỡng và phát triển thông qua các sự kiện văn hóa, du lịch, ngày hội văn hóa, thể thao, các kỳ liên hoan... phục vụ nhu cầu giao lưu giải trí của nhân dân cũng như các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự kiện tổ chức Liên hoan hát Then đàn tính lần thứ I của tỉnh Bắc Giang vào tháng 11/2023 gồm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú và đặc sắc.Đặc biệt, năm 2023, Bắc Giang đã ban hành quy định về chính sách hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Theo đó, từ năm 2024, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú tỉnh Bắc Giang được hỗ trợ hằng tháng và hưởng chế độ hỗ trợ chi phí mai táng khi chết. Đến nay, tỉnh có 43 nghệ nhân được phong tặng, trong đó có 2 nghệ nhân thực hành Then được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú được thụ hưởng chính sách trên.Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then của người Tày, Nùng, thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề án, dự án, Chương trình hành động về bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể Thực hành then; phối hợp với ngành Giáo dục đưa chương trình dạy hát Then vào giảng dạy trong trường học, đặc biệt là các vùng có đông đồng bào Tày, Nùng cư trú. Các địa phương xây dựng, duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ thực hành Then trên địa bàn; tăng cường công tác xã hội hóa trong cộng đồng, hỗ trợ cùng với nguồn kinh phí Nhà nước bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động trình diễn di sản Then tại cơ sở. Các địa phương thường xuyên tổ chức liên hoan hát Then, đàn Tính cấp tỉnh, huyện, xã để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng có dịp để giao lưu, học hỏi.Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang định hướng đưa di sản Then trở thành một sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Then trong cộng đồng.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/bac-giang-bao-luu-trao-truyen-nuoi-duong-di-san-then-223933.htm