Bắc Giang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên đầu tư nâng cấp ga Kép
Ngày 12/1, tại Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) làm việc về Quy hoạch phát triển đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Trên cơ sở Quyết định số 1769/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/10/2021, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã phối hợp làm việc với các địa phương có tuyến đường sắt đi qua.
Theo đó, xác định đường sắt là chuyên ngành đặc thù có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu ở địa phương có tuyến đường sắt đi qua đã báo cáo tình hình thực trạng, kế hoạch triển khai dự án theo quy hoạch chung và đều cho rằng các tuyến đường sắt sẽ là động lực mới để phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - Lê Ô Pích cho rằng, hạ tầng giao thông được tỉnh ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó ngành đường sắt đóng vai trò rất quan trọng, tuy nhiên các tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Bắc Giang kém hiệu quả, hạ tầng kỹ thuật cũ...
Do đó, trong thời gian tới Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên đầu tư nâng cấp ga Kép vì đã nằm trong quy hoạch, lại có diện tích rộng phù hợp và gắn liền với quy hoạch phát triển đường sắt.
Ông Lê Ô Pích cũng cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo rà soát, tổng hợp toàn bộ tuyến đường sắt qua tỉnh để điều chỉnh bổ sung quy hoạch phù hợp với địa phương. Bên cạnh đó giao các địa phương thắt chặt quản lý các đường ngang đảm bảo an toàn hành lang đường sắt.
Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Dương Hồng Anh tại buổi làm việc đã ghi nhận kết quả tích cực mà tỉnh Bắc Giang đạt được trong bảo vệ an toàn giao thông và hành lang an toàn đường sắt.
Phó Cục trưởng đề nghị chính quyền địa phương phối hợp với ngành giao thông vận tải quy hoạch cảng cạn, trung tâm logistics, nhà ga... gắn với phát triển ngành giao thông vận tải nói chung và đường sắt nói riêng.
Đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km. Cơ bản duy trì các tuyến đường sắt hiện có; từng bước đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách địa phương.
Với các tuyến đường sắt mới: hoàn thành các tuyến đường sắt trên các hành lang trọng yếu như: các đoạn còn lại của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Gia, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh - Lộc Ninh, Tp. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Hà Nội – Đồng Đăng.
Kết nối quốc tế: mạng đường sắt Việt Nam kết nối xuyên Á, kết nối Á - Âu thông qua đường sắt Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị và Lào Cai; kết nối với đường sắt ASEAN qua Lào (tại Mụ Gia, Lao Bảo), qua Campuchia (tại Lộc Ninh).
Thực trạng đường sắt quốc gia hiện có 7 tuyến chính/3.143 km (2.703 km đường chính tuyến), 277 ga; kết nối 4/6 vùng, 34 tỉnh/thành phố. 2 hành lang chủ đạo: Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; kết nối: 2 cảng biển (Cái Lân, Hải Phòng), 2 cảng thủy (Việt Trì, Ninh Bình), 1 cảng cạn (Lào Cai); kết nối quốc tế với Trung Quốc tại Đồng Đăng và Lào Cai.
Có 3 tuyến đường sắt quốc gia đi qua địa phận tỉnh Bắc Giang với tổng chiều dài khoảng 95 km: tuyến Hà Nội - Đồng Đăng (khổ 1.000 mm và 1.435 mm); tuyến Kép – Hạ Long - Cái Lân (khổ 1.435 mm); tuyến Kép - Lưu Xá (khổ 1.435mm) (không khai thác). Hiện có 9 ga đường sắt: Sen Hồ, Bắc Giang, Phố Tráng, Kép, Bảo Sơn, Lan Mẫu, Cẩm Lý, Bố Hạ, Mỏ Trạng.
Trong giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu quỹ đất dành cho đường sắt là 16.377 ha, nhu cầu vốn khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Giai đoạn này sẽ quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362 km; trong đó, ưu tiên dự án quan trọng quốc gia như: tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ Hà Nội đến Tp. Hồ Chí Minh (ưu tiên triển khai đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - Tp. Hồ Chí Minh); cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; triển khai các tuyến, đoạn tuyến đường sắt mới tăng cường kết nối (ưu tiên xây dựng các tuyến kết nối cảng biển khu vực Hải Phòng, Cái Mép - Thị Vải, đường sắt đầu mối Hà Nội)./.