Bắc Giang: Điều chỉnh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhiều cụm công nghiệp
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành các quyết định điều chỉnh tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn.
Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN được UBND tỉnh đồng ý điều chỉnh tiến độ gồm: CCN Thanh Sơn (Sơn Động); CCN Phượng Sơn (Lục Ngạn); CCN Phương Sơn - Đại Lâm (huyện Lục Nam và Lạng Giang); CCN Đại Lâm (khu phía Nam), CCN Đại Lâm 2 (cùng huyện Lạng Giang); CCN Đồng Đình (Tân Yên). Chủ đầu tư các CCN này đều là các doanh nghiệp.
Hiện Sở Công Thương đang thẩm định hồ sơ đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và bổ sung ngành nghề CCN Dĩnh Trì, CCN Tân Mỹ (TP Bắc Giang), CCN Mỹ An (Lục Ngạn).
Được biết, các CCN nêu trên đều chậm tiến độ thực hiện từ 1-9 năm, gây lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai, chậm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp và KT-XH địa phương.
Theo Sở Công Thương, ngoài CCN Đồng Đình, CCN Dĩnh Trì, CCN Tân Mỹ chậm tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, các CCN mới thành lập năm 2022 (Thanh Sơn, Phượng Sơn, Phương Sơn - Đại Lâm...) cơ bản đều chậm tiến độ thực hiện do vướng mắc quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung cấp xã và đấu nối giao thông, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và các thủ tục pháp lý khác. Khu phía Nam CCN Đại Lâm vướng mắc do chưa thực hiện xong thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Ngoài ra, chủ đầu tư một số CCN như: CCN Tân Mỹ, CCN Tiên Hưng (Lục Nam), CCN Trung Sơn - Ninh Sơn (thị xã Việt Yên), CCN Phượng Sơn, CCN Mỹ An (Lục Ngạn) chưa tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện dự án.
Toàn tỉnh hiện có 55 CCN, trong đó có 14 CCN do UBND các huyện làm chủ đầu tư, 41 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở: Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông - Vận tải và UBND các huyện, thị xã, TP căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình hỗ trợ các chủ đầu tư trong giải phóng mặt bằng, chỉnh lý hồ sơ đất đai, thực hiện thủ tục đấu nối giao thông theo quy định… Qua đó, bảo đảm thời gian xin giãn tiến độ thực hiện trong năm 2026 theo các quyết định đã ban hành.