Bắc Giang: Đổi mới đào tạo, nâng chất lượng nguồn nhân lực
Nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp là mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã nỗ lực đổi mới chương trình đào tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Linh hoạt thay đổi phương thức đào tạo
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định, nâng cao chất lượng dạy nghề là 1 trong 6 định hướng phát triển của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 20-KH/TU ngày 9/6/2021 về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới (gọi tắt là Kế hoạch 20).
Trong đó, xác định mục tiêu: Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn. Đến nay, việc triển khai Kế hoạch 20 đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần cụ thể hóa Luật GDNN vào cuộc sống và tạo nguồn lao động chất lượng hơn.
Hiện toàn tỉnh có 35 cơ sở GDNN. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, các cơ sở GDNN tuyển sinh và tổ chức đào tạo cho hơn 72,7 nghìn người, đạt 84,4% kế hoạch giai đoạn 2021-2023; kết quả đào tạo hằng năm luôn vượt chỉ tiêu được giao. Số lao động tìm được việc làm sau đào tạo nghề đạt 90% với sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng, hơn 80% với học sinh tốt nghiệp trung cấp, sơ cấp, đào tạo thường xuyên.
Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, các cơ sở GDNN tuyển sinh và tổ chức đào tạo cho hơn 72,7 nghìn người, đạt 84,4% kế hoạch giai đoạn 2021-2023; kết quả đào tạo hằng năm luôn vượt chỉ tiêu được giao. Số lao động tìm được việc làm sau đào tạo nghề đạt 90% với sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng, hơn 80% với học sinh tốt nghiệp trung cấp, sơ cấp, đào tạo thường xuyên.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 70% năm 2020 lên 74% năm 2022. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ của tỉnh cao hơn mặt bằng chung cả nước. Kết quả này góp phần cung ứng nguồn nhân lực kỹ thuật theo nhu cầu của doanh nghiệp (DN), chuyển đổi cơ cấu lao động.
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, các trường nghề đã chủ động liên kết với DN đổi mới phương thức đào tạo. Đơn cử như Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang ngoài tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp nghề, từ năm 2001, Trường là đơn vị đầu tiên trong tỉnh mở thêm hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT dạy văn hóa kết hợp đào tạo nghề.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Đào tạo THPT và định hướng nghề nghiệp của Trường cho biết: “Mỗi năm Trường tuyển sinh, đào tạo tại chỗ cho hơn 1,5 nghìn học sinh. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình trung cấp nghề và tốt nghiệp THPT đạt 99%”. Sau tốt nghiệp, các em có thể đi làm ngay hoặc tiếp tục học liên thông trình độ cao đẳng, đại học để nâng cao tay nghề.
Huy động nguồn lực từ các mô hình liên kết đào tạo
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, công tác GDNN vẫn còn khó khăn. Hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, thường xuyên theo địa chỉ cho lao động trước khi gia nhập thị trường ở một số địa phương còn hạn chế; quy mô đào tạo của các cơ sở dạy nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng còn thấp. Cùng đó, năng lực đào tạo với một số ngành, nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành tại các cơ sở thiếu đồng bộ, công nghệ lạc hậu. Vì vậy, việc thúc đẩy xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho GDNN, quan tâm đào tạo nghề trọng điểm đáp ứng thị trường lao động là những giải pháp quan trọng.
Ngay từ khi thành lập, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo phù hợp với năng lực hiện có và sát nhu cầu thị trường lao động. Vì vậy, nhà trường lựa chọn đào tạo 14 nghề trọng điểm cấp quốc gia và khu vực, từng bước đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong thời kỳ hội nhập.
Từ năm học 2019-2020, ngoài 5 khoa chuyên môn duy trì từ những năm trước, Trường mở thêm ngành đào tạo mới là: Nghề tổng hợp; máy lạnh và điều hòa không khí. Đây đều là những ngành nghề trọng điểm được các DN có nhu cầu tuyển dụng lớn. Để huy động các nguồn lực cho dạy nghề, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, từ năm 2019, Trường ký thỏa thuận hợp tác đào tạo - cung ứng nhân lực với nhiều DN trên địa bàn tỉnh (chủ yếu thuộc lĩnh vực may mặc, điện tử, điện lạnh).
Anh Trịnh Quy Long (SN 1997), tốt nghiệp Khoa Công nghệ ô tô năm 2020 nói: “Sau thời gian vừa học vừa làm theo mô hình liên kết với DN của nhà trường, tôi đã có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng nghề. Hiện tôi đã có việc làm ổn định tại Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam (KCN Vân Trung) với mức thu nhập khá”.
Nhằm đa dạng hóa hình thức liên kết đào tạo với DN, hiện nhà trường đang xây dựng chương trình đào tạo thí điểm theo hình thức 1+1+1 (1 năm học ở trường, 1 năm học tại trung tâm đào tạo của DN và 1 năm trải nghiệm công việc thực tế) với Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goerteck Vina (Bắc Ninh). Giải pháp này giúp nhà trường tiết kiệm chi phí đầu tư, đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của DN.
Kế hoạch 20 đặt ra đến hết năm 2025 nhiều chỉ tiêu quan trọng như: Tuyển sinh, đào tạo nghề cho 61,3 nghìn người (cao đẳng 2,5 nghìn người; trung cấp 6,7 nghìn người; còn lại là sơ cấp và đào tạo thường xuyên); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; tỷ lệ qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35%. Theo lãnh đạo Sở LĐTBXH, để hoàn thành mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền các cấp vào cuộc tích cực hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển GDNN ở địa phương, nhất là xác định nguồn lao động và phân luồng học sinh ngay từ bậc THCS.
Các cơ sở đào tạo tập trung đổi mới chương trình giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp với công nghệ, kỹ thuật của DN. Sở LĐTBXH tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, tham mưu với UBND tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo phù hợp với năng lực của từng đơn vị; tăng cường kết nối với DN nhằm trao đổi thông tin, hợp tác đào tạo và tuyển dụng.
Bài, ảnh: Tường Vi - Hải Vân