Bắc Giang: Hướng dẫn thực hiện quy định mới về sản xuất vải thiều xuất khẩu
Ngày 7/2, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai một số quy định mới về sản xuất vải thiều xuất khẩu năm 2025.
Tham dự có lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác sản xuất vải thiều các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên và thị xã Chũ; đại diện tổ hợp tác, hợp tác xã cùng một số doanh nghiệp đóng gói, xuất khẩu vải thiều.
Năm nay, toàn tỉnh có 29,7 nghìn ha vải thiều (tương đương năm 2024); sản lượng ước 165 nghìn tấn. Trong đó, diện tích vải chính vụ 21,7 nghìn ha, chiếm 73%, số còn lại là vải sớm. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 16 nghìn ha, GlobalGAP 173 ha; ngoài ra năm nay, huyện Lục Ngạn đang xây dựng mô hình sản xuất vải hữu cơ quy mô 10 ha.
Hiện diện tích vải sớm đang giai đoạn phát triển mầm hoa; vải thiều chính vụ đang phân hóa, phát triển mầm hoa. Dự báo của cơ quan chuyên môn, thời tiết năm nay thuận lợi cho quá trình phân hóa mầm hoa, ra hoa và đậu quả trên cây vải. Do vậy năng suất vải thiều năm 2025 dự báo sẽ tăng cao so với năm trước.
Để quả vải bảo đảm điều kiện xuất khẩu, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT để cập nhật các tiêu chuẩn, điều kiện mới về xuất khẩu vải thiều sang các thị trường có giá trị thương mại cao như: Nhật Bản, EU, UAE, Canada, Singapore. Cùng đó, thường xuyên hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật phục hồi cây sau thu hoạch; chăm sóc vải giai đoạn phân hóa mầm hoa. Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang quản lý, chỉ đạo sản xuất đối với 238 mã số vùng trồng, diện tích 17,4 nghìn ha, xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản… Đơn vị tổ chức rà soát các vùng trồng mới để chỉ đạo sản xuất và cấp bổ sung mã số vùng trồng, mở rộng vùng vải xuất khẩu. Kết quả, đến nay đã mở rộng được 3 mã số vùng trồng mới với diện tích 30 ha tại xã Phúc Hòa (Tân Yên) để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Thông tin về một số quy định mới đối với vải thiều xuất khẩu năm nay, đại diện lãnh đạo Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, phần lớn sản lượng vải thiều của tỉnh sản xuất phục vụ xuất khẩu. Khi xuất khẩu vải thiều tươi sang các nước thành viên WTO cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về kiểm dịch thực vật. Một số thị trường còn đặt ra yêu cầu riêng như vải phải được thu mua tại các vùng trồng đã được quốc gia nhập khẩu chấp thuận; bảo đảm truy xuất nguồn gốc có thông tin mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đặc biệt là đáp ứng điều kiện về mức hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép.
Để chuẩn bị tốt cho mùa vải năm nay, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các đơn vị, địa phương trọng điểm sản xuất vải thiều của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Chi cục để tham mưu kế hoạch sản xuất vải gắn với mục tiêu xuất khẩu. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người trồng áp dụng khoa học kỹ thuật mới, tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện đặt ra của từng thị trường xuất khẩu. Cùng đó quan tâm rà soát để mở rộng diện tích trồng vải sớm, vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Chi cục sẽ tiếp tục ra soát, tham mưu với cơ quan có thẩm quyền cấp bổ sung mã số vùng trồng xuất khẩu hoặc thu hồi mã số nếu vùng sản xuất không bảm đảm điều kiện.