Giao nhiệm vụ, thẩm quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục là cần thiết
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, dự thảo Luật Nhà giáo quy định giao thẩm quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục được đánh giá là cần thiết, vừa đảm bảo tính sát thực của việc tuyển dụng, vừa nâng cao trách nhiệm và tạo điều kiện để ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển nhà giáo, đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng.
Sáng 7/2, trong khuôn khổ phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Nhà giáo.
Dự thảo Luật Nhà giáo trước đó đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024).
Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Nhà giáo với 131 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiệm vụ được phân công, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Đến nay, về cơ bản các cơ quan đã thống nhất ý kiến về nội dung của dự thảo Luật và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.
![Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo tại phiên họp (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_197_51421888/4f0d1b8222cccb9292dd.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo tại phiên họp (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8. Việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã thể hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, chỉ quy định những nội dung chung, mang tính nguyên tắc, những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; nội dung hướng dẫn chi tiết được cụ thể hóa trong các dự thảo nghị định, thông tư gửi kèm trong hồ sơ dự án Luật Nhà giáo.
Theo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành Giáo dục là cần thiết, vừa đảm bảo tính sát thực của việc tuyển dụng, vừa nâng cao trách nhiệm và tạo điều kiện để ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển nhà giáo, đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng, đối với cơ sở giáo dục công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đối với cơ sở giáo dục công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng nhà giáo hoặc phân cấp cho cơ quan quản lý giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng. Cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục thực hiện hoặc chủ trì tham mưu việc phân cấp tuyển dụng; cơ sở giáo dục ngoài công lập tự chủ thực hiện tuyển dụng theo quy chế tổ chức hoạt động của mình.
“Việc chỉnh lý như trên khẳng định được vai trò, trách nhiệm chủ trì tham mưu của cơ quan quản lý giáo dục; bảo đảm đồng bộ với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Viên chức và Bộ luật Lao động”, ông Nguyễn Đắc Vinh thông tin.
Về chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với giáo viên mầm non, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, việc cho phép giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm so với độ tuổi quy định của pháp luật là chính sách được xây dựng dựa trên đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của đối tượng này và phù hợp với đặc thù người học là trẻ mầm non.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý và bổ sung quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 năm và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.
Đối với chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc quy định đối tượng nhà giáo có trình độ, học hàm, học vị cao, nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù có thể được kéo dài thời gian làm việc và nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là cần thiết và hợp lý nhằm tận dụng, khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao; khắc phục tình trạng thiếu hụt nhà giáo trình độ cao ở một số ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù mà xu hướng phát triển đất nước đang cần.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ điều kiện thực hiện chính sách này khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe và tự nguyện kéo dài thời gian làm việc; đồng thời bổ sung tiêu chí “đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở giáo dục”. Trong thời gian được kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để tháo gỡ hạn chế, bất cập trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, rà soát sửa đổi quy định của các luật liên quan tại điều khoản chuyển tiếp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, theo đó, nhà giáo được hưởng chính sách thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở hoặc được bảo đảm chỗ ở tập thể khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, bổ sung quy định trường hợp không bố trí được chỗ ở tập thể hoặc nhà ở công vụ thì nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo mức hỗ trợ thuê nhà ở công vụ; bỏ tiêu chí “đủ các điều kiện thiết yếu” trong quy định về nhà ở tập thể của giáo viên.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến góp ý vào các nội dung báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Các ý kiến cơ bản đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, công phu của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra; đồng thời bày tỏ thống nhất đối với báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các ý kiến góp ý, thảo luận liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, đạo đức nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; điều động, thuyên chuyển nhà giáo… Có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện các nghị định, thông tư, làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, thông qua Luật Nhà giáo.
![Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại phiên họp (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_197_51421888/f6c39f4ca6024f5c1613.jpg)
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại phiên họp (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các cơ quan của Quốc hội đã hết sức trách nhiệm, ủng hộ và hỗ trợ trong quá trình tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tiếp thu nghiêm túc để chỉnh sửa, hoàn thiện trong phạm vi có thể các ý kiến góp của của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 42.
Giải trình một số vấn đề cụ thể các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu về nghĩa vụ nhà giáo, phân cấp tuyển dụng nhà giáo, nghĩa vụ nhà giáo, quy định những điều nhà giáo không được làm…, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời chia sẻ, dự thảo Luật Nhà giáo là luật mới, lực lượng nhà giáo đông, nhiều vấn đề khó chi tiết hết trong các quy định của Luật, do đó dự thảo Luật hướng tới đáp ứng được những vấn đề lớn, yêu cầu lớn.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhận định: Các ý kiến phát biểu đánh giá cao sự chủ động, tích cực chủ trì phối hợp của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Bộ GDĐT, cùng các cơ quan có liên quan trong việc tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 để chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng và đầy đủ theo quy định.
Các ý kiến cũng cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo Luật đã được các cơ quan báo cáo, kiến nghị, tiếp thu, chỉnh lý; cơ bản những nội dung lớn đã được thống nhất.
![Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_197_51421888/896df0e2c9ac20f279bd.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp
Trong kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đồng thời trao đổi và nêu quan điểm với các nội dung được tập trung thảo luận trong phiên họp, liên quan đến quản lý nhà nước đối với nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; quyền và nghĩa vụ nhà giáo; chính sách đãi ngộ nhà giáo; chính sách nghỉ hưu đối với nhà giáo; lương nhà giáo; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; quy định về đào tạo nguồn giáo viên, giảng viên…
Nhấn mạnh Luật Nhà giáo được đội ngũ nhà giáo và dư luận cả nước quan tâm, các ý kiến trong Thường vụ đều mong đây là một luật mẫu mực, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần sự phối hợp giữa 2 cơ quan trong việc tiếp thu tối đa các ý kiến có thể vào dự thảo Luật. Tinh thần báo cáo giải trình, tiếp thu ngắn gọn, thuyết phục, với mong muốn Luật Nhà giáo được biểu quyết với tỷ lệ đồng thuận cao nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật gửi Chính phủ có ý kiến chính thức về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý; tiếp cận với các luật đang sửa đổi, trong đó có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà giáo và các luật có liên quan; hoàn thiện dự thảo luật và các văn bản chi tiết để bảo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.