Bắc Giang: Nhiều cách làm sáng tạo trong vận động tham gia BHXH tự nguyện
Nhằm đẩy mạnh vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn góp phần tăng tỷ lệ người dân được hưởng BHXH, bảo đảm an sinh xã hội, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt.
Từ các điểm sáng cơ sở
Căn cứ vào dân số và số người trong độ tuổi lao động, trong hai tháng cao điểm (tháng 4 và tháng 5), xã Việt Ngọc (Tân Yên) được Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (gọi chung là ban chỉ đạo) huyện giao phát triển thêm 34 người tham gia BHXH tự nguyện. Xác định đây là nhiệm vụ chính, xã kiện toàn ban chỉ đạo, giao chỉ tiêu đến từng thành viên, trưởng các ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ các thôn và gắn việc hoàn thành với bình xét, đánh giá cuối năm. Ngay trong ngày đầu tháng 4, ban chỉ đạo xã phối hợp với BHXH huyện tổ chức ra quân tuyên truyền, vận động đến từng thôn, hộ gia đình.
Đến giữa tháng 5, xã đã hoàn thành 100% chỉ tiêu của đợt cao điểm. Quyết tâm vượt chỉ tiêu, ngày 23/5, ban chỉ đạo xã tiếp tục phối hợp với BHXH huyện ra quân đợt 2, vận động thêm 7 trường hợp, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trong hai tháng cao điểm lên 41 người, đạt 109% kế hoạch giao và hoàn thành gần 60% kế hoạch năm. Chị Nguyễn Thị Hường (sinh năm 1976), thôn Cầu Trại, xã Việt Ngọc cho biết: “Những ngày cuối tháng 5, được cán bộ BHXH huyện trực tiếp tuyên truyền, tôi tham gia với mức đóng hơn 3,1 triệu đồng/năm, tương đương mức đóng của người lao động có thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng. 12 năm nữa tôi 60 tuổi, đủ điều kiện đóng một lần cho đủ 15 năm tham gia để hưởng lương hưu”.
Theo kế hoạch, trong 2 tháng cao điểm trên, toàn tỉnh Bắc Giang phấn đấu phát triển thêm 5,8 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Đây được coi là “cú hích” để hoàn thành chỉ tiêu cả năm. Vì vậy, nhiều xã, phường, thị trấn tập trung cao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ghi nhận tại xã Trù Hựu (Lục Ngạn), sau khi được giao chỉ tiêu, Đảng ủy xã yêu cầu 100% chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề về tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
UBND xã tổ chức hội nghị đối thoại với người dân về chính sách BHXH tự nguyện, kịp thời phân tích, giải thích thắc mắc của người dân. Nhờ đó, kết thúc cao điểm, toàn xã có thêm 80 người tham gia, hoàn thành chỉ tiêu cả năm. Tương tự, hết đợt cao điểm, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) phát triển thêm 116 người, vượt 65 người so với chỉ tiêu đợt cao điểm và 20 người so với chỉ tiêu cả năm. Ông Văn Trung Kiên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thường Thắng cho biết: “Những tháng cuối năm, chúng tôi tập trung chỉ đạo tổ chức đại hội các chi bộ, khối lượng công việc nhiều nên dốc sức thực hiện vào đợt cao điểm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Kết quả đợt cao điểm là tiền đề để chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, phát triển thêm đối tượng tham gia trong thời gian tới”.
Hỗ trợ để “kích cầu”
Tính riêng trong đợt cao điểm vừa qua, toàn tỉnh Bắc Giang đã phát triển thêm 6.437 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 110,98% kế hoạch giao; qua đó nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện lên gần 53,6 nghìn người, đạt 85,9% mục tiêu cả năm. Theo BHXH tỉnh, để có được kết quả này, ban chỉ đạo các cấp đã bám sát chỉ tiêu, kế hoạch giao, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, vận động người dân; một số địa phương có chính sách để “kích cầu” tham gia BHXH tự nguyện.
Điển hình, các huyện: Sơn Động, Lạng Giang hỗ trợ 10% mức đóng, tương ứng 33 nghìn đồng/người/tháng cho người tham gia BHXH tự nguyện lần đầu. Ngoài hỗ trợ 10% cho người tham gia lần đầu, thị xã Việt Yên còn hỗ trợ 5%, tương ứng 16,5 nghìn đồng/người/tháng cho những cá nhân tiếp tục tham gia. Tại huyện Hiệp Hòa, cùng với giao tăng chỉ tiêu so với BHXH tỉnh yêu cầu, Ban Thường vụ Huyện ủy có công văn yêu cầu các ngành, đoàn thể huyện vào cuộc, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị; gắn trách nhiệm người đứng đầu các xã, thị trấn trong tổ chức triển khai và lấy kết quả thực hiện làm tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực song qua đánh giá, số người đến hạn đóng nhưng chưa đóng còn lớn (khoảng 3 nghìn người), tỷ lệ rút BHXH một lần ở mức cao. Đặc biệt, trong đợt cao điểm vẫn còn một số huyện không hoàn thành chỉ tiêu giao gồm: Yên Thế (đạt 35,7% kế hoạch), Sơn Động (70,78%), Lục Nam (85,59%) và Yên Dũng (95,54%). Nguyên nhân một phần do người lao động lo ngại thời gian đóng BHXH kéo dài, sau khi đóng đủ năm còn phải chờ đến đủ tuổi để được nhận lương hưu; nhiều người không có công việc ổn định nên việc duy trì đóng còn khó khăn.
Để tiếp tục phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, ngay sau khi kết thúc cao điểm, BHXH tỉnh đề nghị BHXH các huyện, thị xã chủ động tham mưu ban chỉ đạo địa phương tổng kết, khen thưởng, biểu dương kịp thời các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt, phê bình những nơi chưa quyết liệt. Với trách nhiệm của mình, BHXH tỉnh thường xuyên rà soát, nắm chắc số người tham gia, phân tích số liệu của từng nhóm đối tượng. Qua đó, xác định được đối tượng tiềm năng cần tuyên truyền vận động nhằm duy trì, phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc BHXH tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực ban chỉ đạo tỉnh Bắc Giang cho biết: “Cùng với hoàn thiện báo cáo kết quả đợt cao điểm để tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo trong thời gian tới, BHXH tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thị xã tiếp tục khai thác, phát triển người tham gia mới. Để người dân có điều kiện tham gia, cùng với thực hiện tốt chiến dịch truyền thông, các địa phương cần tính toán, bố trí kinh phí hỗ trợ, giúp người thu nhập thấp có điểm tựa an sinh khi về già”.