Bắc Giang: Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND các cấp
Ngày 7.9, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành chủ trì hội nghị.Dư hội nghị có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghiêm Xuân Hưởng
Phương pháp, cách thức giám sát có nhiều đổi mới
Báo cáo kết quả tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghiêm Xuân Hưởng trình bày nhấn mạnh: Qua 7 năm thực hiện Luật, cơ quan dân cử các cấp tỉnh Bắc Giang đã có nhiều đổi mới về phương pháp, cách thức tiến hành giám sát; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát ngày càng được nâng.
Qua hoạt động giám sát đã xem xét, đánh giá những mặt tích cực, kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc trong thực thi các cơ chế chính sách pháp luật, những yếu kém trong quản lý điều hành; phân tích nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót. Từ đó, kiến nghị với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.
Bên cạnh chủ thể giám sát thì các đơn vị chịu sự giám sát cũng đã nghiêm túc thực hiện các nội dung theo yêu cầu của chủ thể giám sát, kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác giám sát, chấp hành nghiêm túc và có các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại mà các kết luận giám sát đã chỉ ra...
Tại các kỳ họp, HĐND các cấp đã thực hiện xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp bảo đảm quy định. Thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh thể hiện rõ chính kiến, vai trò phản biện đối với các báo cáo trình tại kỳ họp. Không khí thảo luận tại các kỳ họp HĐND sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp và giám sát chuyên đề được quan tâm thực hiện hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, HĐND các cấp đã có 6.631 câu hỏi chất vấn đối với UBND các cấp và các ngành chức năng có liên quan; thực hiện 599 cuộc giám sát chuyên đề...
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND các cấp đã lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức danh do HĐND bầu theo đúng quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 26.11.2014 của Quốc hội “Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn”.
Thường trực HĐND các cấp thực hiện 517 phiên giải trình, chất vấn (cấp tỉnh 15 phiên; cấp huyện 63 phiên: cấp xã 436 phiên) và tổ chức 675 cuộc giám sát chuyên đề (16 cuộc do Thường trực HĐND tỉnh đã triển khai; 184 cuộc do Thường trực HĐND cấp huyện triển khai; 1.475 cuộc do Thường trực HĐND cấp xã triển khai).
Tạo sức mạnh đồng bộ trong hệ thống cơ quan dân cử
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thảo luận tại hội nghị các đại biểu thẳng thắn đánh giá: Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ra đời với nhiều nội dung mới chưa có tiền lệ nên trong quá trình triển khai ban đầu không tránh khỏi lúng túng. Nhiều nội dung theo quy định chưa được thực hiện, chưa đảm bảo toàn diện trong thực hiện hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các đại biểu HĐND.
Hoạt động giám sát của HĐND chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc kiến nghị, yêu cầu các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý khi phát hiện có hành vi vi phạm mà chưa có quy định cụ thể chế tài xử lý đối với các đối tượng chịu sự giám sát không chấp hành nghiêm yêu cầu của đoàn giám sát, dẫn đến việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát còn có những hạn chế, khó khăn...
Từ các vướng mắc, bất cập trong triển khai Luật, các đại biểu kiến nghị cần quy định rõ trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động giữa các cơ quan dân cử (Quốc hội và HĐND các cấp) thành hệ thống các cơ quan quyền lực trong hệ thống chính trị. Các cơ quan dân cử trong cả nước nên trở thành hệ thống trên, dưới sẽ tạo được sức mạnh đồng bộ của các cơ quan quyền lực từ Quốc hội đến HĐND các địa phương...
Về hoạt động giám sát của HĐND, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND tại điểm đ, khoản 1, Điều 5 đối với “Thủ trưởng các cơ quan Thuế, Bảo hiểm xã hội, Thi hành án dân sự cùng cấp” bảo đảm giám sát toàn diện đối với hoạt động cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn. Về thành phần tham gia đoàn giám sát chuyên đề, có thể mời người có am hiểu sâu (chuyên gia ) tham gia đoàn giám sát, không nhất thiết là đại biểu HĐND.
Bên cạnh đó, để bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát, cần có quy định cụ thể các chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện chậm, muộn các kiến nghị giám sát.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm có văn bản hướng dẫn HĐND các tỉnh, thành phố thống nhất việc thực hiện chế độ, định mức bảo đảm hoạt động của HĐND các cấp (trong đó có các định mức chi đảm bảo hoạt động giám sát của HĐND) làm cơ sở pháp lý cho HĐND các tỉnh, thành phố thực hiện...
Quan tâm hơn nữa đến chất lượng chương trình giám sát
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh: Luật được ban hành đã giúp cho việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, bảo đảm sự thống nhất, khoa học trong xác định đối tượng, phạm vi, thẩm quyền, trình tự giám sát của từng chủ thể giám sát; bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát...
Đặc biệt, so với trước đây, Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu quả hoạt động giám sát. Cụ thể là "giám sát của Quốc hội, HĐND là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước". Quy định này nhằm làm rõ tính chất giám sát của HĐND; làm rõ mối liên hệ giữa hoạt động giám sát HĐND, Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND trong việc bảo đảm hiệu quả của hoạt động giám sát.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn hoạt động giám sát của HĐND các cấp theo quy định, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương thành đề nghị: HĐND các cấp bám sát chủ trương, định hướng lãnh đạo của cấp ủy, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HÐND nói chung, hoạt động giám sát nói riêng.
Trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động, đặc biệt là lựa chọn nội dung để xây dựng và ban hành nghị quyết về Chương trình giám sát hằng năm cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng việc tổ chức các kỳ họp, ngoài kỳ họp thường lệ tăng cường kỳ họp chuyên đề để giải quyêt kịp thời những công việc phát sinh, yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát. Thực hiện tốt phương châm: Giám sát thường xuyên phải toàn diện, giám sát chuyên đề phải có trọng tâm, trọng điểm. Đổi mới công tác TXCT; tăng cường TXCT theo chuyên đề để lắng nghe, thu thập và tiếp thu được nhiều ý kiến từ chính các cử tri là những người chịu sự tác động trực tiếp hoặc thụ hưởng từ các chính sách đặc thù mà nghị quyết của HÐND sẽ ban hành, đảm bảo các Nghị quyết ban hành thực sự đi vào cuộc sống.
Bên cạnh chú trọng thực hiện tốt hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri để đảm bảo các kiến nghị của cử tri được giải quyết một cách căn bản, thấu đáo đồng thời nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao.
Nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HÐND theo hướng: hoạt động của các Ban phải thực sự chuyên nghiệp, là cánh tay đắc lực của HÐND, Thường trực HÐND trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phân công. Báo cáo thẩm tra của các Ban phải khẳng định được sự cần thiết, căn cứ pháp lý, thẩm quyền của HÐND; phải là nguồn cung cấp thông tin cho đại biểu trong quá trình thảo luận, quyết nghị đảm bảo tính khả thi, tính thực tiễn của Nghị quyết được ban hành. Quan tâm đúng mức công tác cán bộ, chất lượng đại biểu HĐND; bộ máy tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND các cấp...
Đối với đối với các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành đề nghị, UBND các cấp, các sở, phòng, ngành chuyên môn của UBND, các đơn vị có liên quan đến hoạt động giám sát thực hiện nghiêm, chấp hành đầy đủ các nội dung liên quan đến trách nhiệm và quyền của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát bảo đảm hoạt động giám sát của HÐND theo quy định.
Tăng cường công tác phối hơp chặt chẽ với HÐND, Thường trực, các Ban HĐND trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để hoạt động giám sát của HÐND thực sự là công cụ giúp cho việc thực thi đúng, đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật...