Bắc Hà mùa mận chín

Đây là lần đầu tiên tôi đến 'cao nguyên trắng' miền biên viễn, nổi tiếng với loại mận Tam Hoa đúng mùa mận chín nên có nhiều háo hức.

Các cô gái người dân tộc Mông ở Bắc Hà thu hái mận Tam Hoa.

Các cô gái người dân tộc Mông ở Bắc Hà thu hái mận Tam Hoa.

Tới Phố Lu, xe tách khỏi đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai để theo Ql 4E và rẽ vào đường tỉnh 153 lên Bắc Hà. Chặng đường chừng 50 cây số này tuy dốc lên lượn quanh sườn núi nhưng mặt đường tốt nên tôi "vững tâm” ngồi ngắm phong cảnh núi rừng qua ô cửa xe. Trời vừa nắng lên, rừng xanh màu lá và nền trời xanh cao. Vẻ đẹp của núi rừng khiến tôi dường như không rời mắt mê mải nhìn theo đám mây trắng trôi bồng bềnh, có lúc đám mây trắng lại dùng dằng giăng ngang đỉnh núi.

Nhớ tối qua, ông bạn mới quen tên Sơn, một người đàn ông ngoài sáu mươi, dáng người nhỏ thó nhưng nói chuyện vui vẻ, thoạt nhìn cứ ngỡ là người Mông bởi chiếc áo vải chàm, nút cài, nhưng hóa ra lại là người gốc Kiến Thụy, Hải Phòng.

Ông Sơn cho hay: “Cha mẹ tôi lên đây khai hoang từ năm 1962. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên “chất” vùng cao ngấm vào người từ thuở lọt lòng bác ạ. Trước khi nghỉ hưu tôi làm cán bộ nông nghiệp huyện”.

Tôi hỏi vui: Thế ông học được gì nơi đây? Ông Sơn đã “mượn” chén rượu ngô nhắm với thắng cố mà “say sưa” cho biết: “Học nhiều lắm nhưng thấm nhất là học cách trồng mận tam hoa và nấu thắng cố”.

Gặp đúng người rồi, tôi ngỏ ý muốn hỏi về mận tam hoa. Ông Sơn hồ hởi: “Bác tới chợ phiên Bắc Hà đi. Đây là một trong những chợ phiên có quy mô lớn và nổi tiếng bậc nhất Lào Cai đấy. Chợ không chỉ là nơi để người dân có thể đến và trao đổi mua bán các loại mặt hàng nông sản, thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, mà còn để giao lưu văn hóa. Thế mới gọi là chợ văn hóa Bắc Hà chứ. Ai đã một lần đến Bắc Hà mà không ghé thăm chợ phiên Bắc Hà thì quả là một thiếu sót rất lớn.

Lời “rủ rê” của ông Sơn quả là hấp dẫn lại cộng với sự háo hức muốn xem và mua mận tam hoa Bắc Hà khiến tôi không cưỡng được. Nhớ ông Sơn đã bảo: “Người vùng cao không nói là đi chợ mà bảo là chơi chợ. Đi xuống chợ mua bán chỉ là cái cớ thôi. Chơi chợ mới là điều chính bác ạ”.

Chợ văn hóa Bắc Hà ở ngay trung tâm thị trấn Bắc Hà (nay là xã Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) nên rất dễ tìm. Bước chân vào chợ Bắc Hà đúng là như lạc vào “rừng hoa” vậy. Trước mắt tôi là cả một khung cảnh rực rỡ đầy màu sắc. Bà con các dân tộc ở Bắc Hà đã rủ nhau xuống chợ từ rất sớm.

Chợ phiên họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần và được chia ra nhiều khu vực như: Khu bán đồ thổ cẩm, khu bán rau củ quả, khu bán cây thuốc, khu bán đồ ăn, khu bán hoa cây cảnh, có cả khu chuyên bán dụng cụ lao động như cuốc xẻng... Nhưng nhiều nhất vẫn là đồ nông sản của người dân địa phương. Đặc biệt, nhiều đặc sản địa phương mà chỉ ở chợ phiên vùng Tây Bắc mới có, vậy nên có những thứ muốn tìm mua thì phải đến chợ Bắc Hà mới mua được.

Thấy tôi ngơ ngác nhìn ngó, một chị bán hàng chừng tuổi tứ tuần, váy hoa mầu đỏ, đã hỏi: Bác tìm mua gì? Thái độ cởi mở của chị đủ cho tôi ấm lòng và vội “giãi bày” với chị: Tôi muốn đến khu bán mận. Mận tam hoa Bắc Hà ấy. Chị bán hàng cười chỉ tay vào trong chợ.

Lại như lạc vào “mê trận” vậy. Đúng như ông Sơn đã nói tối qua: “Báo cáo với bác Bắc Hà là thủ phủ mận Tam Hoa của tỉnh Lào Cai và của cả vùng Tây Bắc. Hiện Bắc Hà có hơn 500ha, trong đó có khoảng 350ha đang cho thu hoạch ổn định, với sản lượng hơn 3.000 tấn quả mỗi năm.

Mận Tam Hoa được bà con bày bán tại chợ Bắc Hà.

Mận Tam Hoa được bà con bày bán tại chợ Bắc Hà.

Theo lời ông Sơn, mận tam hoa được trồng nhiều. Nhưng nhiều nhất là ở các xã cũ như: Tà Chải, Bản Phố, Thải Giàng Phố, Na Hối.

Huyện Bắc Hà (cũ) nằm ở độ cao khoảng 1.000 đến 1.500m so với mực nước biển, nơi đây có khí hậu ôn hòa. Với nhiệt độ trung bình năm là 25°C. Thêm nữa, địa hình Bắc Hà nhiều núi đá vôi, độ dốc trung bình từ 24 đến 28°C. Độ ẩm không khí trung bình 75%. Các xã trồng mận tam hoa ngon là các xã ở vùng trung.

Ông Sơn cho biết, vào tháng 6 và tháng 7 thì mận Tam Hoa chín rộ. Nếu các bác có thời gian thì tới Festival Bắc Hà. Với chủ đề “Lễ hội cao nguyên trắng”, trọng tâm là “Giải đua ngựa thồ truyền thống”. Festival cũng là dịp góp phần tiêu thụ mận tam hoa. Tôi hơi tiếc vì thời gian lưu lại Bắc Hà eo hẹp nên không thể tham gia.

Vào khu vực bán mận Tam Hoa. Những chiếc sọt tre đựng đầy mận xếp thành dãy dài, toàn là những quả mận chín mới nhìn đã muốn ăn ngay. Tôi vừa chọn mận vừa tranh thủ ngắm cô bán mận. Quả thật nhìn những cô, những chị, những bà ngồi bán mận mà cứ ngỡ là họ đang “trình diễn thời trang” vậy. Những bộ váy Mông chất liệu thổ cẩm được chính tay các em các chị thêu thùa nhìn ngỡ “vườn hoa” khoe sắc.

Tôi hỏi đùa cô bán mận: Tôi mua mận và muốn mua váy Mông về làm quà cho vợ, chị có bán không? Cô bán hàng che miệng cười: “Em chỉ bán mận thôi. Bác muốn mua váy thì qua khu bán váy ấy. Ôi nhiều váy đẹp lắm. Chiếc này em mặc cũ rồi không bán được đâu”.

Tôi cầm quả mận lên ngắm nghía, quả mận tam hoa có hình như quả chuông, vỏ màu xanh bóng, khi chín quả có màu đỏ gọi là đỏ mận, với lớp cùi khá dày. Tôi nhẹ nhàng cắn một miếng. Mận vừa ngon ngọt lại vừa giòn, mọng nước nữa. Cô bán mận lại che miệng cười, nụ cười làm tôi ngượng nhưng mà thấy vui vui.

Chợ Bắc Hà hay đúng như chỗ tôi đang ngồi là chợ bán mận Bắc Hà nhộn nhịp mua mua bán bán. Cô bán mận bảo: "Hay bác theo em vào vườn mận để tha hồ chọn". Nghe cô nói thế trong tôi lại thầm tiếc vì ít thời gian nên chưa tới được những vườn mận của bà con. Nếu mà vào tận vườn mận e rằng tôi muốn ở lại đây như ông Sơn mất.

Ngoài những du khách như chúng tôi tìm mua mận về làm quà ra còn thấy nhiều người mua số lượng lớn. Họ là những người thu gom mận đem về xuôi bán. Được biết, những người thu gom này mua mận tại vườn là chính, mua tại chợ là do nhu cầu cao nên họ gom thêm.

Nhớ ông Sơn đã nói: “Nếu như mua nhiều thì các bác có thể đem về nhà nấu trà mận để trong tủ lạnh uống dần. Trưa hè oi bức được cốc nước trà mận Bắc Hà thì tuyệt vời. Trà mận Bắc Hà có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Uống vào cải thiện thị lực, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch...”

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bac-ha-mua-man-chin-10309688.html