Bắc Kạn thiệt hại nặng nề vì dịch tả lợn châu Phi

Từ một vài xã xuất hiện dịch, đến nay, Bắc Kạn đã trở thành địa phương chịu thiệt hại nặng nhất bởi dịch tả lợn châu Phi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bắc Kạn khẩn trương triển khai các giải pháp kiểm soát dịch.

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra tình hình dịch bệnh tại huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Ảnh: THU TRANG

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra tình hình dịch bệnh tại huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Ảnh: THU TRANG

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trầm trọng và đang diễn biến phức tạp ở hơn 90% địa phương cấp xã của tất cả 8/8 địa bàn huyện của tỉnh Bắc Kạn.

Diễn biến nhanh của dịch bệnh đã buộc Bắc Kạn phải tiêu hủy gần 10.000 con lợn, chiếm hơn 40% số lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh này gây ra của cả nước.

Tổng trọng lượng lợn chết, tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi của tỉnh Bắc Kạn hiện đã hơn 370 tấn, trị giá khoảng 20 tỷ đồng, nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh kiệt quệ.

Mặc dù Bắc Kạn đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, dập dịch nhưng hiệu quả không cao, dịch vẫn lây lan nhanh.

Theo đánh giá của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) sau khi kiểm tra tại Bắc Kạn thì, địa phương chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định.

Tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người mua lợn và phương tiện vận chuyển lợn làm dịch bệnh lây lan diện rộng. Công tác quản lý giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng dịch chưa thực hiện theo quy định.

Hầu hết người chăn nuôi chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học.

Mặc dù đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi và các địa phương chung quanh, cũng như một số hộ chăn nuôi của tỉnh Bắc Kạn đã sử dụng, cho kết quả rất tốt, bảo vệ được đàn lợn, nhưng hơn 99% các đàn lợn thịt ở Bắc Kạn không được tiêm phòng vaccine này.

Công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh chưa kịp thời. Hệ thống thú y từ cấp tỉnh đến cấp xã đều rất thiếu, yếu, chưa tham mưu kịp thời, có hiệu quả các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, phòng, chống dịch bệnh.

Chính quyền tỉnh chưa thực sự quan tâm, chưa huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh Bắc Kạn công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định; yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan không kịp thời tham mưu, chỉ đạo, triển khai chống dịch theo quy định.

Tập trung nguồn lực của địa phương xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do bệnh; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, buôn bán, vận chuyển lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Thực hiện nghiêm việc giết mổ, kiểm dịch vận chuyển lợn trong vùng dịch theo đúng quy định.

Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và chung quanh. Yêu cầu và có biện pháp bảo đảm chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh.

Bố trí kinh phí để tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh theo hướng dẫn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Bắc Kạn khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bac-kan-thiet-hai-nang-ne-vi-dich-ta-lon-chau-phi-post815779.html