Bắc Kạn xóa gần 2.000 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các cấp bám sát chủ trương, chỉ đạo từ Trung ương và cấp tỉnh, kịp thời báo cáo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện, thống nhất mức hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh Cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: ST

Toàn cảnh Cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: ST

Theo số liệu mới nhất tại Cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh có 3.723 hộ được hỗ trợ làm nhà từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, từ nguồn xã hội hóa và từ Quỹ “Vì người nghèo”, đến nay, đã hoàn thành 1.818 nhà.

Các hộ được giúp đỡ có nhà ở ổn định, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Nhà ở được xây dựng đều đảm bảo về diện tích và chất lượng, phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương; có nhiều ngôi nhà có chất lượng tốt, khang trang.

Quá trình triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thời gian qua gặp một số khó khăn như việc huy động nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế, tiến độ xây dựng nhà ở chậm.

Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, vận động ở một số nơi còn hạn chế; một số hộ trong diện được hỗ trợ khó khăn về kinh tế, không có kinh phí đối ứng bổ sung vào quá trình làm nhà nên ảnh hưởng đến tiến độ; biến động của thị trường, giá cả vật liệu tăng cao; nhiều hộ cách xa trung tâm, địa hình đi lại phức tạp nên việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn; các nguồn vốn hỗ trợ có mức hỗ trợ khác nhau nên hộ dân so sánh, lựa chọn và chờ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; phong tục tập quán người đồng bào dân tộc về xem tuổi làm nhà nên không đăng ký nhu cầu hỗ trợ hoặc xem ngày khởi công làm nhà nên không thể hoàn thành đồng bộ số nhà đã được phê duyệt trong một khoảng thời gian nhất định theo kế hoạch; vướng mắc trong thủ tục đất đai, bố trí mặt bằng khi thực hiện xây dựng nhà ở…

Giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh Bắc Kạn có 3.723 hộ được hỗ trợ làm nhà từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: ST

Giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh Bắc Kạn có 3.723 hộ được hỗ trợ làm nhà từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: ST

Với tinh thần quyết tâm “bàn làm, không bàn lùi”, Ban Chỉ đạo đã đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như: Làm rõ bức tranh toàn cảnh hiện trạng, nhu cầu hỗ trợ về nhà ở của người dân; thống nhất mức hỗ trợ làm nhà mới, sửa nhà; việc rà soát, thống kê các hộ để hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng đối tượng; tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đất đai, bố trí mặt bằng thực hiện xây nhà ở; thống kê phân loại nhu cầu nhà ở từ cơ sở; có kế hoạch thực hiện cụ thể về tiến độ, lộ trình, cách làm, thời gian hoàn thành; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân…

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh - Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh - đã yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất nhận thức chung Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với người dân; chỉ "bàn làm, không bàn lùi"; quá trình thực hiện phải chặt chẽ; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đất đai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, yêu cầu Ban chỉ đạo các cấp thống kê phân loại ngay từng hộ, nhu cầu từng đối tượng đảm bảo công khai, minh bạch; nắm chắc hoàn cảnh từng hộ gia đình, từng đối tượng về tâm lý, phong tục tập quán; xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện cho từng đợt, từng xã, từng hộ, có thời gian cụ thể, có sự phân công nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị.

Huy động cả hệ thống thôn, bản, xã vào cuộc, nhất là trong rà soát, bình xét hộ nhận hỗ trợ về nhà. Trong quá trình thực hiện, bám sát đúng chủ trương, chỉ đạo từ Trung ương và cấp tỉnh, kịp thời báo cáo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện, thống nhất mức hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà./.

THANH TRANG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/bac-kan-xoa-gan-2-000-nha-tam-nha-dot-nat-cho-ho-ngheo-ho-can-ngheo-36793.html