Bác kính yêu từ những điều giản dị nhất
Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ đã trở thành mạch nguồn cảm hứng, sáng tạo của biết bao nhiêu cây viết, bao tác phẩm với tất cả lòng biết ơn, trân quý, cảm phục. Trong đó, bên cạnh khối lượng đồ sộ các công trình, tác phẩm nghiên cứu, chính luận thì chính tác phẩm chạm đến những điều giản dị, gần gũi nhất về Bác đã để lại ấn tượng sâu sắc, lay động trái tim độc giả các thế hệ.
1.Tác phẩm “Búp sen xanh” (2023, Nxb Kim Đồng) của nhà văn Sơn Tùng in một dòng nhỏ: Tái bản lần thứ 32. Điều đó nói lên sức hấp dẫn của cuốn sách, thành công của người viết và quan trọng hơn hết, đó là tình cảm mà các thế hệ độc giả dành cho Bác Hồ, đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết trong lời tựa cuốn sách: “Hồ Chủ tịch sống mãi trong những tư tưởng và tình cảm lớn, trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Nhân dân Việt Nam ta, của mọi người chúng ta. Đồng thời, Hồ Chủ tịch cũng sống mãi trong những tác phẩm văn học và nghệ thuật có giá trị diễn tả một cuộc đời đã trở thành lịch sử, những trang sử đẹp nhất và vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam ta”.
Gần 400 trang sách, mỗi trang viết như đang tỏa ngát hương thơm về một cuộc đời thanh bạch, một nhân cách cao đẹp của bậc vĩ nhân, danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc. Và cũng trong làn hương thanh khiết, giản dị mà trân quý ấy, độc giả cảm nhận được tấm lòng, tình yêu, say mê, trân trọng vô bờ bến mà tác giả dành cho Bác. Trong lời bạt in cuối tập sách, GS Phan Ngọc đã rất sâu sắc, đồng cảm với nhà văn Sơn Tùng mà nhận định: “Sơn Tùng là người của một ham muốn duy nhất. Sống và làm việc theo gương những người cách mạng”.
Viết về một tầm vóc, một nhân cách lớn, nhà văn Sơn Tùng lại rất khiêm nhường, chọn một góc tiếp cận riêng. “Búp sen xanh” là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên viết một cách trọn vẹn, sâu sắc từ thuở ấu thơ cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước của Bác. Viết về Bác, nhà văn Sơn Tùng không nỗ lực xây dựng một “tượng đài”, ông viết về cuộc đời Bác từ những điều chân thực, gần gũi, giản dị nhất.
Bác Hồ sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng, trong gia đình nhà Nho nghèo, cuộc sống kham khổ nhưng chẳng lúc nào vơi ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên, trọng việc học hành đèn sách, sống nghĩa khí, có hoài bão, ước mơ. Ở đó, 20 năm với những đoạn đường đời: Thời thơ ấu, thời niên thiếu và tuổi 20 của Bác Hồ nếm trải đủ cả những thăng trầm và thăng hoa, niềm vui và nỗi buồn sâu thẳm. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung (Côn) cũng có lúc nghịch ngợm mà phải chịu sự rèn rũa nghiêm khắc của cha, cũng có lúc nép vào lòng mẹ, bà tìm hơi ấm, tìm sự vỗ về. Cuộc sống khó khăn, cậu sớm hiểu chuyện, chịu thương chịu khó nhưng cuộc đời thử thách cậu quá nhiều. Đứa trẻ nhỏ phải chứng kiến đám tang của mẹ, một mình xoay xở nuôi em trong căn nhà hoang vắng nơi thành nội. Nguyễn Sinh Cung cất tiếng ru em để nén chặt tiếng khóc trong lòng rồi lặng lẽ nhìn em đuối dần đi trong vòng tay mình. Mẹ và đứa em gái bé bỏng đã mãi mãi nằm lại bên bờ sông Hương. Nhưng vượt lên trên tất cả, Nguyễn Sinh Cung từng ngày lớn lên, qua “những cuộc bể dâu”, song hành với lịch sử, vận mệnh dân tộc, một tầm vóc - nhân cách lớn dần hình thành, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng lớn lao thúc giục bước chân đến bến Nhà Rồng - “Người đi tìm hình của nước”. Đọc “Búp sen xanh” để thấm thía hơn câu nói: “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời”.
Những trang viết cuối cùng của tác phẩm “Búp sen xanh” khiến người đọc không cầm được nước mắt, chạm đến những điều riêng tư nhất trong trái tim Người, mãi vang lên những cung trầm da diết. Dường như thiên mệnh đã định sẵn cho Bác số kiếp cô đơn. Mọi nhẽ trong cuộc đời, Bác hy sinh tất thảy cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lần nói chuyện với Út Huệ trước khi rời bến Nhà Rồng, bắt đầu hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, người thanh niên ôm ấp trong lòng bao hoài bão lớn lao đã bày tỏ nỗi lòng mình: “Ai mà chẳng muốn có một cuộc sống êm đềm bên cạnh những người thân yêu. Nhưng, tình cảnh nước mình, tôi không thể ngồi yên một chỗ, xây dựng cho riêng mình một tổ ấm được”. Ngày theo tàu rời bến, Người vẫn kiên định nói: “Nước mình, dân mình sẽ không cam chịu cảnh ngựa trâu này mãi được. Phải xóa bỏ kiếp nô lệ và nhất định đời thợ chúng ta sẽ đổi khác... Chúng ta tin ở tương lai, tin vào tiền đồ dân tộc”...
Tâm hồn lớn đã nghiêng mình tận tụy bên nhân cách lớn, lịch sử và văn học đã thăng hoa để chúng ta có được “Búp sen xanh” mãi ngát hương.
2.Những ngày nắng tháng 5 vàng như rót mật gợi nhắc kỷ niệm 133 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19-5-1890 - 19-5-2023). Không hòa mình vào dòng người lặng lẽ đứng xếp hàng dài chờ được vào Lăng viếng thăm Người; cũng chưa có dịp ghé thăm làng Sen (Nghệ An) quê Bác, tôi dành một khoảng lặng, lật dở từng trang của cuốn sách có tựa đề “Suốt đời học Bác” (Kiều Mai Sơn ghi chép, 2022, Nxb Kim Đồng). Tôi vẫn thường chọn cách như thế để được gần và hiểu Bác hơn. Học tập và làm theo lời Bác là hành trình dài, thường xuyên và liên tục. Vậy tại sao không bắt đầu từ những điều thiết thực nhất?
“Suốt đời học Bác” là cuốn sách nhỏ, dành cho lứa tuổi 12+, lần đầu tiên ra mắt độc giả dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác, tập hợp 16 câu chuyện gợi lại hồi ức, kỷ niệm mộc mạc, giản dị mà xúc động, quý giá về Bác qua lời kể của các nhân vật được nhà báo Kiều Mai Sơn ghi chép lại dưới những phát hiện, góc nhìn mới.
Đọc “Suốt đời học Bác” để thấu tỏ hơn về tấm lòng trọn vẹn dành cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Thiếu tướng Lê Quảng Ba, nguyên Tư lệnh Quân khu Việt Bắc từng kể lại câu chuyện về Bác trong những ngày đầu tiên Bác trở về Tổ quốc, hoạt động tại Chiến khu Việt Bắc (nhà văn Hà Minh Tuân ghi và được in trong tập hồi ký “Đầu nguồn” (Nxb Văn học, 1975): “Bác dừng lại cúi đọc những chữ khắc sâu trên đá. Rồi Người hướng tầm mắt nhìn vọng hồi lâu về dải đất Tổ quốc trùng điệp... Bác dừng lại một chút nữa bên một dãy ghế đá thiên nhiên có nhiều hình dạng. Người nhìn sâu vào khoảng đất trời Tổ quốc biết bao đẹp đẽ nhưng đang đầy đau thương... Đứng cạnh Bác trên cái mốc biên giới đã quen biết ấy, nghĩ tới quê hương thân thiết ruột rà, tôi cảm thấy mình vô cùng gần gũi Bác như đứa con yêu quý ở bên cha, như người chiến sĩ đứng sau lá cờ người tổng chỉ huy sẵn sàng nhận lấy nhiệm vụ khó khăn nhất” (Người bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Pác Bó).
Bất kể ai, từ những người thân cận hay chỉ có được niềm vinh dự gặp gỡ, nghe Bác trò chuyện trong thoáng chốc cũng cảm thấy ở Bác sự gần gũi, giản dị, thân tình mà uyên bác, cao đẹp đến vô cùng. Ở Bác luôn toát lên sức hấp dẫn, lôi cuốn diệu kỳ. Nếu không, vì sao những con người tài năng như GS Trần Hữu Tước – một trí thức Việt Nam trẻ tuổi được đào tạo bài bản về y khoa ở Pháp lại quyết tâm theo Bác về với quê hương xứ sở, về với biết bao khó khăn, thử thách của hai cuộc kháng chiến trường kỳ, bỏ lại đằng sau một tương lai vật chất và nghề nghiệp hứa hẹn trên đất Pháp (Từ sức hấp dẫn lôi cuốn diệu kỳ của Bác Hồ). Cả cuộc đời ông cống hiến cho Tổ quốc, Nhân dân nhưng trong tim mãi in hằn hình ảnh “người thầy lớn” của cuộc đời - đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó là biết bao thế hệ đã không một chút nuối tiếc hay ân hận khi được sẻ chia số phận mình với số phận của đất nước. Bởi lẽ, chúng ta có một tấm gương vĩ đại - đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từng lời nói, từng cử chỉ của Bác - dẫu rất giản dị, đời thường đều có khả năng truyền cảm hứng, răn dạy nhiều điều và khơi gợi lên trong lòng người sự tôn thờ, khâm phục, ngưỡng mộ. Trong những câu chuyện kể về Bác, có một điều dễ dàng nhận thấy, Bác rất thường quan tâm hỏi han, chân thành lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thuộc cấp, quốc dân đồng bào. Vậy nên, lời người lãnh tụ hỏi nhà trí thức, kỹ sư Phạm Quang Lễ (Người trí thức dấn thân), sau này ông được Bác đặt bí danh là Trần Đại Nghĩa, trước khi quyết định trở về phụng sự Tổ quốc mới chân thành hết mực như thế:
- Đời sống ở trong nước còn đang rất khó khăn, chú về nước có chịu nổi không?
- Ở trong nước không có kỹ sư, công nhân, về vũ khí, máy móc thiếu, liệu chú có làm việc được không?
Vị lãnh tụ sống tiết kiệm, luôn lo nghĩ cho chiến sĩ, đồng bào chẳng bao giờ phân biệt. Một chiếc áo mới cũng muốn san sẻ cho thuộc cấp (Chiếc áo Bác Hồ): “Bác không tặng cái áo này cho cô Chi đâu. Cô giữ lấy đến khi nào chú ấy ở ngoài Côn Đảo về thì để chú ấy mặc...”. Cảm động biết bao, đó là tấm lòng của người cha vô cùng tôn kính, vô cùng thân thương, luôn luôn lo lắng, chăm sóc hết mực cho con cái.
Ngày Bác về Sầm Sơn (Thanh Hóa), từ trước khi đi, Bác dặn thuộc cấp không được báo với Tỉnh ủy Thanh Hóa biết. Vì nếu biết Bác vào thăm, Tỉnh ủy sẽ làm cơm tiếp đón, như thế rất tốn tiền của đóng góp của Nhân dân. Về đến Sầm Sơn, Bác không nghỉ ở nhà khách cho đỡ tốn kém mà nghỉ lại trên đền Độc Cước. Và rồi, tự tay Bác cầm chổi quét một gian, trải chiếu mắc màn, mọi người nằm quây quần bên Bác. Bác đi vào thăm một xóm ngư dân rồi đi xuống bãi biển, thấy mấy cụ già đang xoải chân thang kéo rùng (kéo lưới) vất vả, Bác vào cùng, đứng trước một cụ già cũng xoải chân thang cật lực dang tay kéo sợi dây, Bác cùng kéo luôn. Lao động cật lực, cật sức, mồ hôi nhễ nhại, Bác bỏ mũ, cởi cả áo cộc, cả khăn bông quấn cổ lộ hết bộ râu, lúc ấy cũng chẳng ai để ý, không ai nhận ra người cùng kéo dò áng (kéo dây lưới vây) là Bác Hồ, có lẽ họ nghĩ đây là một ông cụ già tốt bụng cùng một số cán bộ về nghỉ mát. Để được nghe tiếng nói thật từ người dân, Bác luôn hòa mình cùng họ, trò chuyện, hỏi han. “Bác Hồ hòa mình với những người kéo lưới mà vẫn hiện lên tầm cao của lãnh tụ” (Bác Hồ với ngư dân Sầm Sơn).
Những câu chuyện kể giản dị, chân thực về Bác được tái hiện qua những trang sách là cơ hội để các thế hệ độc giả hiểu và học hỏi nhiều điều từ cách sống, cách nghĩ, cách làm của nhân cách, trí tuệ, tài năng lớn. Bởi vậy, thế hệ này qua thế hệ khác vẫn như thấy Bác trong mọi mặt đời sống, tinh thần, luôn hết mực gần gũi, thân thiết. Mỗi tác phẩm giúp ta càng thêm thấu tỏ, kính yêu, để biết học và làm theo Bác từ những điều giản dị nhất.