'Bắc môn tỏa thược' - tuyên ngôn ngoại giao của triều Đinh nước Đại Cồ Việt
Đinh Bộ Lĩnh (924-979) dấy lên từ Hoa Lư (Ninh Bình). Tương truyền, ông là con trai của Đinh Công Trứ, bộ tướng của Dương Đình Nghệ. Đinh Bộ Lĩnh từ Hoa Lư ra Kỳ Bố Hải Khẩu (nay là phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Ông được tướng quân Trần Lãm thu nhận làm con nuôi.
Trần Lãm vốn là tướng chỉ huy thủy quân của Ngô Quyền (…). Ông đã góp công lớn trong trận thủy chiến đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Năm 939, Ngô Quyền xưng Vương, đóng đô ở Cổ Loa, kinh đô cũ của Thục Phán An Dương Vương, Đông Anh, Hà Nội ngày nay.
Triều Ngô tan rã, đất nước rơi vào vòng xoáy nội chiến. Thiên hạ hình thành 12 thế lực quân sự cát cứ, tranh hùng tranh bá. Trần Lãm là một sứ quân hùng mạnh nhất trong các sứ quân.
Đinh Bộ Lĩnh được Trần Lãm giao cho binh quyền. Từ đây, Đinh Bộ Lĩnh tiến lên lần lượt đánh bại các sứ quân khác, thống nhất thiên hạ. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà nước quân chủ chuyên chế đầu tiên ở nước ta, cho nên sử sách thường gọi là ĐINH TIÊN HOÀNG ĐẾ. Ông đặt tên nước (quốc hiệu) là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư….
Tuy nhiên, về mặt ngoại giao, Triều Đinh vẫn phải chịu thân phận là nước chư hầu của nhà Tống. Ngược lại, nhà Tống chỉ coi nước Đại Cồ Việt là quận huyện của họ mà thôi.
Ở triều vua Đinh, Hoa Lư là kinh đô. Xét về mọi mặt, Hoa Lư có thế mạnh về phòng giữ, bởi hình thế núi non hiểm trở, sông ngòi chằng chịt. Nhưng Hoa Lư không thể là đất đế đô lâu dài cho Đại Cồ Việt, cho sự sinh tồn bền vững con cháu mai sau.
Thời vua Đinh, nước Đại Cồ Việt đã từng tiến hành một số cuộc bang giao với nhà Tống.
- Năm 970, Đinh Tiên Hoàng sai sứ sang giao hảo với nhà Tống. Cuộc ngoại giao đầu tiên này do Đinh Liễn dẫn đầu.
- Năm 972, Đinh Tiên Hoàng sai con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn đi sứ lần thứ 2
- Năm 973, Đinh Liễn từ nhà Tống trở về. Kết quả là, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn sai sứ sang Đại Cồ Việt phong Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận Vương, Đinh Liễn làm Kiểm hiệu Thái sư Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ An Nam Đô Hộ.
- Năm 975, Đinh Tiên Hoàng sai Trịnh Tú đi sứ nhà Tống lần thứ 3, đem vàng lụa, sừng tê giác, ngà voi sang cống.
Mùa thu năm 975, Tống Thái Tổ sai quan Hồng Lô Tự Khanh Cao Bảo Tự dẫn đầu sứ đoàn cùng Vương Ngạn Phù đem chế sách sang Đại Cồ Việt lần thứ 2, gia phong cho Nam Việt Vương Đinh Liễn làm Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ty, Kiểm hiệu Thái sư, Giao Chỉ Quận Vương.
- Đầu năm 976, Đinh Tiên Hoàng sai em Trần Lãm là Trần Nguyên Thái đi sứ sang nhà Tống lần thứ 4, đáp lễ nhà Tống. Tháng 10/976, Tống Thái Tổ qua đời. Tống Thái Tông lên ngôi kế vị.
- Năm 977, Đinh Tiên Hoàng sai sứ sang nhà Tống lần thứ 5, chúc mừng Tống Thái Tông lên ngôi Hoàng đế nhà Tống.
NGÔ CHÂN LƯU
(Khuông Việt Thiền sư-933-1011)
Quê Thiền sư Ngô Chân Lưu ở hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc. Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh cho rằng Thường Lạc là huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Hồi nhỏ, Ngô Chân Lưu theo học chữ Nho, sau đó, ngài đi tu, thuộc dòng Thiền Quan Bích, thế hệ thứ 4.
Quan Bích là một dòng Thiền ở nước ta, do Thiền Sư Vô Ngôn Thông (?-826) người Bách Việt (nay thuộc Trung Quốc) sang nước ta lập ra. Ngô Chân Lưu là học trò của Thiền Sư Văn Phong ở chùa Khai Quốc. Thời Cao Biền làm Đô Hộ Sứ Giao Châu, chùa Khai Quốc còn tọa lạc ở ngoài bờ sông Hồng ngày nay. Do lũ lụt, chùa bị ngập úng, sạt lở hư hại nhiều, sau đó, người ta chuyển chùa vào trong đê, nằm bên trong hồ Tây ở vị trí hiện nay. Chùa Khai Quốc được đổi tên thành chùa Trấn Quốc.
Ngô Chân Lưu nổi tiếng tinh thông Thiền học, được vua Đinh Tiên Hoàng rất nể trọng. Vua ban hiệu là Khuông Việt Đại Sư (tức vị sư lớn khuông phò nước Việt) và chức Tăng Thống, xem ông như một vị Quốc Sư. Khuông Việt Đại Sư được tham gia bàn bạc các công việc thuộc quốc gia đại sự.
Năm 986, Khuông Việt cùng nhà sư Pháp Thuận được vua Đinh Tiên Hoàng giao nhiệm vụ tiếp sứ giả nhà Tống. Công việc hoàn thành tốt đẹp. Khi tiễn sứ giả về nước, nhân cao hứng, ông làm bài thơ theo điệu từ VƯƠNG LANG QUY.
TỐNG BẮC SỨ QUY HƯƠNG
(VƯƠNG LANG QUY)
Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,
Dao vọng thần tiên phục đế hương.
Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lang.
Cửu thiên quy lộ trường.
Tình thảm thiết,
Đối ly trường.
Phan luyến sứ tình lang,
Nguyện tương thâm ý vị biên cương,
Phân minh tấu ngã hoàng.
Dịch nghĩa:
TIỄN SỨ BẮC HỒI HƯƠNG
(Điệu từ: Vương Lang Quy)
Hây hây làn gió trong ánh sáng tốt lành, giương cánh buồm gấm,
Xa trông vị thần tiên trở lại chốn đế hương.
Non nước muôn trùng, (các ngài) vượt làn bể xanh,
Đường về phương Bắc vời xa thăm thẳm.
Tình thảm thiết,
(Chúng ta hãy cùng nhau) nâng chén rượu ly biệt!
Vin xe sứ giả lòng quyến luyến,
Xin (các ngài) đem cái ý sâu xa vì cõi biên cương này,
Tâu thật minh bạch với Hoàng Đế chúng ta!
Ngoài những câu ca từ mang sắc thái ngoại giao khách sáo như thông lệ, vẫn thấy ánh lên tình cảm chân thành của những người bạn hiểu nhau, thương nhau vì đường xa núi non biển cả nhiều trở ngại.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, chủ đề cốt lõi nhất vẫn là ở chỗ tác giả không quên nhắc nhở, dặn dò các vị sứ thần nước Tống, rất khiêm nhường, rằng nước tôi hiện vẫn đang là quận Giao Chỉ nhỏ yếu xa xôi, thuộc quyền cai trị của nước Tống hùng cường. Xin các ngài hãy tâu rõ với Hoàng đế “của chúng ta” hoàn cảnh thực tế của chúng tôi, về lòng trung thành tuyệt đối của chúng tôi với thượng quốc. Và rằng, xin vua Tống cứ yên tâm, không phải lo nghĩ gì về vùng đất biên viễn phương Nam này nữa!
Ngoại giao khôn khéo, “nội cương ngoại nhu” kiểu “cây tre” truyền thống của người Việt như vậy, vốn đã có từ rất xưa rồi. Ít nhất, thì nó đã được Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) sử dụng từ khi Triệu Vũ Đế làm chủ nước Nam Việt của chúng ta!
Vậy, bốn chữ BẮC MÔN TỎA THƯỢC (Khóa chặt cửa Bắc) trên cổng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng có ý nghĩa gì? Thực ra, đây có thể xem là câu nói mang nội hàm ngôn ngữ rất sâu sắc. Nó như một tuyên ngôn về ngoại giao với người phương Bắc hay chăng? Có lẽ không hẳn là như vậy! Nó là tư tưởng chiến lược về ngoại giao cho chính mình hay chăng?