Bắc Ninh huy động tổng lực khắc phục hậu quả sau bão

Bắc Ninh đã huy động tổng lực các tổ chức chính trị, xã hội, tham gia khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Trước tình hình thiệt hại nặng về tài sản, hoa màu, một số công trình dân sinh và đặc biệt là các công trình thủy lợi, đê điều, trong sáng nay, vào lúc 9h30 ngày 9/9/2024, ông Lê Xuân Lợi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - sẽ đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả tại một số trường học và công trình nông nghiệp.

Nhiều công trình, tài sản bị hư hại

Theo báo cáo nhanh của Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT &TKCN) tỉnh Bắc Ninh tính đến tối qua ( 18h ngày 8/9/2024), bão số 3 đã làm 7 người bị thương, làm sập 16 công trình nhà cửa, công trình kiên cố; 3329 nhà cấp 4, công trình phụ của nhân dân bị tốc mái; 80 công trình trường học, chợ dân sinh bị hư hỏng, tốc mái.

Lực lượng công an tham gia thu dọn cây xanh gãy đổ tại các tuyến đường giao thông. Ảnh: Thu Thủy

Lực lượng công an tham gia thu dọn cây xanh gãy đổ tại các tuyến đường giao thông. Ảnh: Thu Thủy

Bão số 3 cũng làm 9.601 ha lúa bị đổ, úng ngập; 2.293 ha cây ăn quả, cây rau màu, hoa, cây cảnh bị thiệt hại; tổng số nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp bị tốc mái, hư hỏng; tổng số 31.860 cây xanh (cây bóng mát) bị đổ, gãy; 129 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng.

Cùng với đó, hạ tầng công trình thủy lợi cũng bị hư hỏng nặng tại các vị trí: Trên bờ hữu Ngũ Huyện Khê tại vị trí K21+280, K21+400, K21+580, K21+700, K21+750, K22+030, K22+570, K22+820, K23+070, K23+920, K24+130 bị sụt lún, nứt gãy mặt đê thuộc địa bàn xã Phú Lâm, huyện Tiên Du. Hiện sự cố đang được UBND huyện Tiên Du theo dõi diễn biến và lên phương án xử lý khắc phục sự cố tạm thời.

Trên bờ tả Ngũ Huyện Khê tại vị trí K22+180, K22+310, K23+450 thuộc địa bàn xã Long Châu, huyện Yên Phong bị lún, sụt và sạt trượt mái đê phía sông với chiều dài 25 m và đang có dấu hiệu phát triển thêm. Ngay sau khi phát hiện sự cố Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Yên Phong, Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Bắc Đuống trực tiếp kiểm tra và lên phương án xử lý tạm thời bằng giải pháp đắp bao tải đất chống sạt trượt, cắm biển cảnh báo, canh gác không cho người dân đi lại tại khu vực xảy ra sự cố và sự cố sạt trượt mái đê bờ tả phía đồng sông Ngũ Huyện Khê ; trên tuyến kênh dẫn Long Tửu tại bờ hữu tương ứng K3+600 xảy ra sự cố sụt lún, sạt trượt mái với chiều dài khoảng 30,5 m. Hiện, sự cố đang được tiếp tục theo dõi và đề xuất phương án xử lý sau khi bão.

Cùng với đó, hạ tầng công trình điện cũng bị hư hỏng nặng gồm: 07 đường dây 110kV bị sự cố không vận hành được; trạm biến áp 110kV: 01 trạm bị mất điện tại Khu công nghiệp Quế Võ 2; 127/280 đường dây trung áp bị sự cố, trong đó có 23/130 đường dây cấp cho khu công nghiệp, 104/150 đường dây cấp cho dân sinh; 353 cột điện bị đổ; 02 trạm biến áp bị cháy, hư hỏng. Hiện nay, nhiều khu vực trong tỉnh đang mất điện từ 16h30 ngày 07/9 đến nay chưa có điện trở lại.

Điện lực Lương Tài (PC Bắc Ninh) từ đêm 7/9 đến sáng 9/8 vẫn đang huy động tổng lực để khắc phục sự cố lưới điện. Ảnh: PC Bắc Ninh cung cấp

Điện lực Lương Tài (PC Bắc Ninh) từ đêm 7/9 đến sáng 9/8 vẫn đang huy động tổng lực để khắc phục sự cố lưới điện. Ảnh: PC Bắc Ninh cung cấp

Ngoài ra, còn 174 biển quảng cáo, cổng chào, cột camera bị đổ, hư hỏng, cháy 01 nhà do chập điện,17 ô tô bị hư hỏng do cây đổ, 212 người tại huyện Thuận Thành và Gia Bình đã được sơ tán khỏi vùng nguy hiểm.

Ông Đàm Phương Bắc - Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh - cho biết: Hiện, toàn tỉnh đã huy động 151/487 máy bơm đang hoạt động bơm tiêu và tiêu nước đệm theo quy trình (không tính trạm bơm cục bộ). UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã ban hành các Công điện chỉ đạo điều hành ứng phó với thiên tai.

"Đồng thời, UBND tỉnh đã thành lập 06 Đoàn kiểm tra công tác triển khai ứng phó với bão số 3. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh đang chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tập khắc khắc phục sự cố về lưới điện, viễn thông, hệ thống công trình thủy lợi để đảm bảo cho các trạm bơm hoạt động bơm tiêu nước đệm, đảm bảo thông tin liên lạc và phục vụ sản xuất, dân sinh" - ông Bắc cho hay.

Trước đó, tất cả vật tư, trang thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ được PC Bắc Ninh thực hiện nghiêm túc. Ảnh: PC Bắc Ninh

Trước đó, tất cả vật tư, trang thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ được PC Bắc Ninh thực hiện nghiêm túc. Ảnh: PC Bắc Ninh

Chỉ đạo xử lý triệt để sự cố tại khu vực tuyến bờ tả, hữu sông Ngũ Huyện Khê thuộc địa bàn xã Phú Lâm, huyện Tiên Du và xã Long Châu, huyện Yên Phong đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi.

Tập trung cao cho công tác thu dọn cây cối, hoa màu bị thiệt hại, hỗ trợ nhân dân khôi phục hệ thống nhà màng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đối với diện tích lúa bị thiệt hại, có biện pháp giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa bão gây ra để chỉ đạo hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ công an tham gia khắc phục hậu quả do bão

Nhằm hỗ trợ, đảm bảo cho người dân được an toàn, không thiệt hại về người và tài sản, Công an tỉnh Bắc Ninh huy động gần 2.000 cán bộ, chiến sỹ (CBCS) bám sát địa bàn cơ sở, tổ chức rà soát các địa điểm, khu vực có nguy cơ mất an toàn, kịp thời cảnh báo, hỗ trợ người dân và phương tiện. Đồng thời, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, giúp đỡ người dân trong bão lũ.

Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã thành lập 4 tổ công tác do các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh làm trưởng đoàn trực tiếp xuống địa bàn trọng điểm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão số 3; chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và lực lượng tham gia đảm bảo ANTT, TTATGT, phòng chống bão số 3.

Với phương châm đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, đảm bảo ANTT, giao thông thông suốt, ngoài các lực lượng tại cơ sở, Công an Bắc Ninh đã tổ chức 9 tổ công tác gồm các lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CSGT, Cảnh sát Cơ động và Công an các đơn vị, địa phương, xuyên đêm, dầm mình dưới mưa bão, khắc phục hậu quả của bão. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, mặc dù gió giật mạnh, mưa xối xả, CBCS luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hết mình, vượt qua mọi khó khăn, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân tại các địa phương.

Công an tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 9 tổ công tác để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong bão số 3. Ảnh: Thu Thủy

Công an tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 9 tổ công tác để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong bão số 3. Ảnh: Thu Thủy

Để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3, Tỉnh đoàn Bắc Ninh đã huy động lực lượng thanh niên tình nguyện, đoàn viên thanh niên tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh gấp rút cùng các lực lượng, người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường; cưa, vận chuyển cây đổ khai thông các tuyến đường, phố và khuôn viên tại các trường học trên địa bàn.

Phó Bí thư phụ trách Tỉnh Đoàn Trần Văn Đăng cho biết: Để chủ động trong công tác phòng, chống bão YAGI, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo các huyện, thị, Thành Đoàn thành lập 126 Tổ phản ứng nhanh của Đoàn Thanh niên do các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Đoàn cơ sở làm tổ trưởng và huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tại địa phương ra quân hỗ trợ lực lượng chức năng, người dân khắc phục hậu quả sau bão; sẵn sàng, linh hoạt trước mọi tình huống xảy ra. Liên tục cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo về bão số 3, tuyên truyền, cảnh báo trên website, fanpage, zalo do Đoàn, Hội quản lý.

Trước đó, vào ngày 7/9, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cũng đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3 tại thành phố Bắc Ninh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số khu vực dân cư sinh sống có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do bão số 3. Đồng thời, ông Vương Quốc Tuấn cũng đã đi kiểm tra công tác xử lý, tiêu thoát nước tại Hồ điều hòa Văn Miếu.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bac-ninh-huy-dong-tong-luc-khac-phuc-hau-qua-sau-bao-344394.html