Bác sĩ cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu chủ quan với bệnh cúm mùa
PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết hiện nay cúm mùa không còn theo mùa nữa mà bệnh nhân cúm nhập viện quanh năm, thay vì mùa đông - xuân hay thời tiết lạnh mới xuất hiện. Có thể là do môi trường thay đổi hoặc do virus cúm đã thích ứng. Các chuyên gia dịch tế thông tin, bệnh cúm rất nguy hiểm, nhất là với những người có bệnh nền, người cao tuổi, trẻ nhỏ.
Mắc cúm không đơn giản như nhiều người tưởng đây chỉ là “bệnh cảm cúm qua loa”. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm có 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc cúm, 3-5 triệu ca cúm nặng và 300.000-500.000 ca tử vong.
“Cúm mùa rất nguy hiểm với người cao tuổi và người có bệnh nền. Tuy nhiên, cúm mùa có thể phòng tránh được bằng vắc xin. Theo Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ, tiêm vắc xin phòng cúm còn giúp giảm đáng kể các biến chứng nặng do cúm gây ra, giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong ở người cao tuổi và những bệnh nhân có bệnh mạn tính. Để bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân, nhất là những người lớn tuổi và có bệnh nền”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.
Bác sĩ Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Cúm có khả năng tăng gấp 8 lần nguy cơ viêm phổi ở trẻ nhỏ dưới 14 tuổi, dẫn đến hàng loạt biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng trẻ như viêm cơ tim, viêm não cấp,… Cúm ở người cao tuổi có thể gây suy giảm chức năng, ảnh hưởng gián tiếp đến hệ thống đa cơ quan làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 8 lần, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim gấp 10 lần sau nhiễm cúm. Các đối tượng nguy cơ cao cần đặc biệt cẩn thận với bệnh cúm mùa”.
TS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, thời điểm mùa đông xuân với độ ẩm, nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Khi trẻ mắc cúm, hệ thống miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng khác.
Biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là sốt cao, có thể sốt cao liên tục 39-40 độ C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm long đường hô hấp trên như: chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng, đặc biệt khi khám thấy họng viêm đỏ rất rõ, một số trẻ có viêm phế quản.
Theo bác sĩ Hải, thông thường trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị. Chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà (chỉ dùng thuốc paracetamol). Nếu dùng các loại thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế. Gia đình cần chăm sóc tốt, vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác.
Khi trẻ nằm viện thì nên hạn chế các tiếp xúc không cần thiết như quá nhiều người thăm nom, mang mầm bệnh khác đến cho trẻ và mang virus cúm ra cộng đồng.
Cúm mùa có xu hướng xảy ra nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi và người cao tuổi trên 65. Ước tính tỷ lệ tấn công của bệnh cúm là 5 – 10% ở người lớn.
Thông thường, nếu được điều trị đúng cách, người mắc cúm A phải mất hơn 1 tuần để phục hồi sức khỏe. Ngược lại, nếu tự ý mua thuốc điều trị hay điều trị không đúng cách, bệnh có thể kéo dài lâu hơn và dẫn đến nhiều biến chứng trầm trọng.
Tùy vào thể trạng của từng cá nhân mà thời gian hồi phục có thể sớm hơn hoặc trễ hơn, nhưng nếu người bệnh luôn cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi, các triệu chứng còn xuất hiện sau 2 tuần, cần đến bệnh viện thăm khám ngay. Vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ có các bệnh lý tiềm ẩn khác, hoặc bệnh cúm A đang gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Những đối tượng dễ mắc cúm mùa
Những người có chỉ số BMI từ 40 trở lên có nguy cơ mắc bệnh cúm cao hơn so với người có cân nặng bình thường. Các chuyên gia cho biết, tình trạng thừa cân, béo phì làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, tạo ra trạng thái viêm mạn tính, khiến thông khí khó khăn. Các chất béo dư thừa có thể ảnh hưởng chức năng chống viêm của cơ thể.
Người có hệ miễn dịch suy yếu như đang điều trị ung thư, dùng thuốc chống thải ghép, sử dụng steroid trong thời gian dài, người vừa cấy ghép nội tạng, người bệnh HIV… có nguy cơ mắc cúm cao và nặng hơn những người khỏe mạnh khác.
Người có bệnh lý nền mạn tính khi mắc cúm có thể làm tăng khả năng làm trầm trọng hơn các bệnh lý nền sẵn có. Ví dụ, cúm có thể châm ngòi cho các cơn, đợt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở người đã có tiền sử xơ vữa động mạch trước đó.
Ở người bệnh hen suyễn, cúm là nguyên nhân khởi phát các đợt cấp khiến cơn hen tiến triển nặng hơn. Ở người bệnh tiểu đường, cúm có thể can thiệp vào việc kiểm soát lượng đường trong máu, tăng 3 lần nguy cơ tử vong bởi các biến chứng cúm và tăng 6 lần nguy cơ nhập viện. Theo đó, thời gian hồi phục và khỏi bệnh khi mắc cúm A ở nhóm người có các bệnh lý nền mạn tính của kéo dài hơn so với những người khỏe mạnh.
Phụ nữ mang thai khi mắc cúm có nguy cơ tiến triển nặng, không chỉ đe dọa sức khỏe mẹ mà còn cả thai nhi chưa chào đời. Cụ thể, nếu nhiễm cúm trước 12 tuần, bệnh có thể tác động đến phôi thai. Vì đây là giai đoạn phôi thai phân chia tế bào để hình thành tim, não. Sau 16 tuần, cúm có thể gây dị tật thai nhi như hở hàm ếch, tim bẩm sinh và một số khiếm khuyết khác.
Gây biến chứng nặng, có thể dẫn tới tử vong
Bác sĩ Hải cho biết, bệnh cúm gây viêm đường hô hấp, hay gặp nhất là ở trẻ em có sức đề kháng kém. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục, nhưng đối với trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây bắt đầu xuất hiện những ca biến chứng viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, bụng buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột. Phần lớn trẻ mắc bệnh dưới 3 tuổi, đủ tuổi tiêm vắc xin ngừa cúm nhưng hầu hết số trẻ này chưa được gia đình cho đi tiêm. Một số trẻ có biến chứng viêm não sau khi nhiễm cúm khoảng từ ngày thứ 3 đến thứ 10. Những trẻ này thường nhập viện trong tình trạng sốt, viêm đường hô hấp, ho, khò khè, lơ mơ, co giật, xét nghiệm cúm dương tính.
Bác sĩ Hải cho hay, nhiều gia đình tìm mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm cho con. Tuy nhiên, đây không phải là thuốc bắt buộc dùng điều trị cúm mà chỉ làm giảm sự nhân lên của virus nên sau khi đủ liệu trình vẫn có thể còn virus trong đường hô hấp. Vì vậy, thuốc Tamiflu chỉ dùng cho ca đặc biệt nặng và dùng tại bệnh viện.