Bác sĩ hào hứng hiến tạng cho người không quen biết

MỸ - Bác sĩ Broeker hiến thận và một phần lá gan của mình cho các bệnh nhân đang cần ghép tạng.

Là một bác sĩ gia đình, Tiến sĩ Mike Broeker đã chứng kiến nhiều bệnh nhân của mình vật lộn với bệnh suy thận. Bởi vậy, trong lòng ông luôn ấp ủ mong muốn được giúp đỡ người bệnh nhiều hơn nữa. "Một trong những bệnh nhân của tôi cần người hiến tạng còn sống cách đây vài năm. Lúc ấy, tôi nghĩ, một ngày nào đó, mình có thể làm được", Tiến sĩ Broeker nhớ lại.

Ngày định mệnh đã sớm xảy ra khi bác sĩ Broeker hiến tặng 1 quả thận của mình cho bệnh nhân không quen biết.

Nhưng vị bác sĩ người Mỹ chưa dừng sự đóng góp của mình ở đây. Ông nghĩ tới chuyện trở thành người hiến gan khi còn sống sau khi xem phóng sự trên kênh FOX 9 về người hiến tạng tên là Ted Garding.

Vào tháng 8 vừa qua, Tiến sĩ Broeker thực hiện hiến một phần gan của mình cho bệnh nhân đang có nhu cầu.

Năm 2023, các bệnh viện ở Mỹ thực hiện 10.000 ca ghép gan. Ảnh minh họa: Mayo Clinic News Network

Năm 2023, các bệnh viện ở Mỹ thực hiện 10.000 ca ghép gan. Ảnh minh họa: Mayo Clinic News Network

Gan được coi là cơ quan duy nhất của con người có khả năng tái tạo sau khi bị cắt một phần. Bác sĩ Timucin Taner, chuyên gia phẫu thuật ghép gan tại Mayo Clinic, cho biết. "Chúng tôi có thể chia đôi gan của người hiến tạng, đưa một nửa vào cơ thể người nhận. Nửa gan đó ở người nhận bắt đầu phát triển ngay lập tức và trở thành một lá gan hoàn chỉnh trong vòng 3-4 tuần".

Tương tự như vậy, phần gan còn lại của người hiến tặng cũng tái tạo trong cùng khoảng thời gian. Tuy nhiên, người hiến không nên hoạt động quá sức trong 1 tháng đầu tiên sau mổ. Sau 3 tháng, họ có thể làm việc nặng hoặc chơi các môn thể thao yêu thích.

Tiến sĩ Taner cho biết ghép gan sống được tiên phong ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Y học phương Tây chậm hơn nhiều trong việc chấp nhận hiến tặng gan sống nhưng ngày càng có nhiều cơ sở y tế thực hiện các chương trình ghép gan.

Năm 2023 là năm có số trường hợp ghép gan kỷ lục ở Mỹ. Các bệnh viện đã thực hiện khoảng 10.000 ca phẫu thuật nhưng chỉ có 600 ca từ người hiến tạng còn sống (chiếm khoảng 6%). Tại Mayo Clinic, tỷ lệ người hiến tặng gan còn sống chiếm khoảng 10% trong số 140-150 ca ghép gan mỗi năm.

Sau ca phẫu thuật trên, người nhận và người hiến tặng gan đã hồi phục hoàn toàn. Tiến sĩ Broeker, người yêu thích các giải marathon, thậm chí đã quay lại chạy bộ. "Tôi sẽ hiến tạng tiếp nếu có thể", Tiến sĩ Broeker cho biết.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bac-si-hao-hung-hien-tang-cho-nguoi-khong-quen-biet-2336319.html