Bác sĩ hướng dẫn cách uống cà phê có lợi cho người bệnh đái tháo đường

Uống cà phê tốt hay không tốt cho người bệnh đái tháo đường còn phụ thuộc vào mỗi cá nhân vì tác động của caffeine lên lượng đường trong máu là khác nhau ở mỗi người. Vậy người bệnh đái tháo đường nên uống cà phê thế nào là an toàn và có lợi nhất?

1. Uống cà phê có thể giảm nguy cơ mắc đái tháo đường

Nội dung

1. Uống cà phê có thể giảm nguy cơ mắc đái tháo đường

2. Lợi ích và nguy cơ của cà phê đối với người bệnh đái tháo đường

3. Cách uống cà phê an toàn có lợi cho người bệnh đái tháo đường

Cà phê là một trong những thức uống phổ biến nhất trên thế giới được chứng minh có lợi cho sức khỏe. Một số nghiên cứu cho thấy, uống cà phê thường xuyên có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2.

Các hợp chất như polyphenol dồi dào trong cà phê có thể cải thiện độ nhạy insulin, điều này rất quan trọng đối với việc kiểm soát bệnh đái tháo đường.

Cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp giảm viêm, một yếu tố liên quan đến các vấn đề trao đổi chất bao gồm cả đái tháo đường type 2.

Nghiên cứu cũng cho thấy, uống cà phê đen mang lại lợi ích cho việc kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt ở phụ nữ.

Cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nutrients đã khám phá mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê và quá trình chuyển hóa glucose ở người lớn tại Hàn Quốc.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện, việc uống cà phê đen, đặc biệt ở phụ nữ, có liên quan đến việc kiểm soát glucose tốt hơn và giảm tình trạng kháng insulin, làm nổi bật vai trò tiềm năng của cà phê đối với quá trình trao đổi chất. Cà phê làm giảm các dấu hiệu chuyển hóa glucose bằng cách cải thiện độ nhạy insulin thay vì tăng cường chức năng tế bào beta.

2. Lợi ích và nguy cơ của cà phê đối với người bệnh đái tháo đường

ThS.BS. Nguyễn Thu Yên

ThS.BS. Nguyễn Thu Yên

Trước đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng, một số cơ chế khác nhau có liên quan đến tác dụng chống đái tháo đường của cà phê, trong đó có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa của caffeine và các hợp chất khác của cà phê làm giảm hấp thụ glucose và giảm giải phóng glucose từ gan.

Theo ThS.BS. Nguyễn Thu Yên, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng, BVĐK Đức Giang, chuyên gia Nội tiết - Đái tháo đường, đối với người bệnh đái tháo đường, cà phê có cả hai tác dụng tích cực và nguy cơ.

Về mặt tích cực:Uống cà phê đúng cách giúp giảm cân, giảm nguy cơ tim mạch, cải thiện tâm trạng và bảo vệ gan.

Giảm cân: Polyphenol và khoáng chất trong cà phê có thể cải thiện hiệu quả của insulin và quản lý glucose. Điều này thúc đẩy quá trình chuyển đổi glucose thành năng lượng ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 và giúp họ giảm cân.

Một cốc cà phê đen có khoảng 5 calo. Uống cà phê đen không gây tăng cân. Trong khi đó, một nghiên cứu cho thấy, một cốc cà phê (100mg caffeine) có thể làm tăng mức tiêu hao năng lượng lên 8% - 11%, vì vậy giúp giảm cân.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim: Những người bị đái tháo đường có nguy cơ mắc các rối loạn tim mạch cao hơn. Một số nghiên cứu cho thấy, uống 2 - 3 tách cà phê mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, cà phê còn có thêm lợi ích là giúp người bệnh đái tháo đường cải thiện tâm trạng và bảo vệ gan.

Về nguy cơ: Làm tăng lượng đường trong máu do làm giảm độ nhạy insulin do thêm đường, chất tạo ngọt, thêm sữa. Làm rối loạn cholesterol máu (một số nghiên cứu cho thấy cà phê espresso có thể làm tăng cholesterol máu).

Ngoài ra, các vấn đề về giấc ngủ và tác dụng phụ của caffeine đều có ảnh tiêu cực đến lượng đường trong máu.

Caffeine ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng insulin dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn hoặc thấp hơn ở một số người. Caffeine cũng có thể tạm thời làm giảm độ nhạy insulin, nghĩa là các tế bào không phản ứng tốt với insulin như trước.

Việc sử dụng nhiều caffeine dễ làm tăng các hormone căng thẳng như cortisol và adrenaline, làm tăng lượng đường trong máu.

Các tác dụng phụ tiêu cực do lạm dụng cà phê gây cảm giác bồn chồn, lo lắng, mất ngủ, tăng nhịp tim, đi tiểu nhiều... Đặc biệt, sử dụng caffeine có liên quan đến tăng huyết áp.

Ngoài ra, uống quá nhiều cà phê hoặc uống gần giờ đi ngủ gây khó ngủ và thiếu ngủ dẫn đến làm giảm độ nhạy insulin khiến việc kiểm soát đường huyết khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, ThS.BS. Nguyễn Thu Yên lưu ý, không phải tất cả mọi người đều dung nạp caffeine giống nhau. Đối với những người không tiêu thụ được caffeine, người có sức khỏe kém và những người bị tăng huyết áp... nên thận trọng khi tiêu thụ cà phê. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng caffeine nếu bị tăng huyết áp hoặc các vấn đề về tim.

Cà phê đen không đường là lựa chọn tốt nhất cho người bệnh đái tháo đường.

Cà phê đen không đường là lựa chọn tốt nhất cho người bệnh đái tháo đường.

3. Cách uống cà phê an toàn có lợi cho người bệnh đái tháo đường

Ưu tiên cà phê đen không đường

Đây là lựa chọn tốt nhất vì không chứa thêm đường, kem, sữa đặc hoặc các loại siro có thể làm tăng đột biến lượng đường trong máu. Cà phê đen giàu chất chống oxy hóa polyphenol giúp cải thiện độ nhạy insulin.

Nếu cà phê đen quá khó uống có thể thêm một chút đường (khoảng dưới 5 g đường mỗi lần). Hoặc có thể sử dụng đường ăn kiêng cho người bệnh đái tháo đường với lượng vừa phải. Nếu muốn thêm sữa nên chọn sữa không đường hoặc các loại sữa thực vật không đường với lượng nhỏ.

Kiểm soát lượng caffeine

Khi mới bắt đầu nên uống với lượng nhỏ cà phê để theo dõi phản ứng của cơ thể. Nên kiểm soát tổng lượng caffeine tiêu thụ trong ngày. Hầu hết các chuyên gia cho rằng dưới 200 mg caffeine (khoảng 1-2 tách cà phê đen) thường an toàn nhưng điều này có thể khác nhau tùy thuộc vào từng người.

Thời điểm uống cà phê

Uống sau bữa ăn: Uống cà phê sau bữa ăn có thể giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường và giảm nguy cơ tăng đột biến lượng đường trong máu ở một số người.

Tránh uống gần giờ đi ngủ: Caffeine dễ gây mất ngủ và thiếu ngủ có thể làm giảm độ nhạy insulin.

Theo dõi đường huyết thường xuyên

Người bệnh đái tháo đường nên theo dõi lượng đường trong máu sau khi uống cà phê ở các thời điểm khác nhau để xác định mức ảnh hưởng của cà phê và mức đường huyết của cơ thể.

Để an toàn nhất, ThS.BS. Nguyễn Thu Yên khuyên người bệnh đái tháo đường nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để có lời khuyên cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe tổng thể, loại thuốc đang dùng và cách cơ thể phản ứng với caffeine. Nên dừng uống cà phê nếu có các dấu hiệu như tim đập nhanh, tăng huyết áp, lo lắng, bồn chồn hoặc khó ngủ, mất ngủ…

Hùng Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bac-si-huong-dan-cach-uong-ca-phe-co-loi-cho-nguoi-benh-dai-thao-duong-169250522172103907.htm