Bác sĩ Nguyễn Duy Phương: Người thắp lửa hạnh phúc cho những mái ấm từng lặng lẽ đau thương

Giữa những cuộc chia ly thầm lặng của các gia đình hiếm muộn, có một người âm thầm gìn giữ hạnh phúc bằng tất cả tri thức và tình thương. Người ấy không chỉ 'chữa bệnh', mà còn chữa lành bằng sự kiên nhẫn, lòng nhân ái và một trái tim không bao giờ bỏ cuộc. Đó là Ths. Bác sĩ Nguyễn Duy Phương – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF (Bệnh viện Đa khoa Hà Nội).

Giữa những cuộc chia ly thầm lặng của các gia đình hiếm muộn, có một người âm thầm gìn giữ hạnh phúc bằng tất cả tri thức và tình thương. Người ấy không chỉ “chữa bệnh”, mà còn chữa lành bằng sự kiên nhẫn, lòng nhân ái và một trái tim không bao giờ bỏ cuộc. Đó là Ths. Bác sĩ Nguyễn Duy Phương – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF (Bệnh viện Đa khoa Hà Nội).

Trên hành trình đi tìm tiếng con của các gia đình hiếm muộn, có những người đã kiệt sức sau hàng chục năm ròng rã chạy chữa. Có người đã hai bàn tay trắng, người khác thì… hai người rẽ hai ngả. Nhưng rồi, giữa ngã rẽ tuyệt vọng ấy, họ gặp một người bác sĩ không chỉ điều trị bằng chuyên môn, mà còn lặng thầm chữa lành bằng trái tim.

Suốt 13 năm gắn bó với ngành hỗ trợ sinh sản, bác sĩ Nguyễn Duy Phương cho biết, anh đã lắng nghe vô số lời tâm sự đứt gãy từ các cặp đôi không thể có con. Nỗi đau trong thế giới của họ không chỉ đến từ thuốc tiêm, phác đồ điều trị, mà còn là nước mắt âm thầm, những lần rạn vỡ không thể hàn gắn vì khát vọng làm cha mẹ mãi xa tầm với.

Trong số đó, có không ít cặp vợ chồng đã ký đơn ly hôn, chỉ chờ một lần ra tòa thì “đường ai nấy đi”. Nhưng rồi, trong lần cuối cùng thử tìm đến IVF Hà Nội, họ gặp bác sĩ Phương.

“Tôi vẫn nhớ như in, có một cặp vợ chồng 10 năm không có con, sống ly thân, chuẩn bị ra tòa. Khi đến gặp tôi, họ nói: ‘Bác sĩ giúp vợ chồng em thêm một lần cuối, nếu lần này không thành công… thì thôi chúng em ly hôn, coi như hết duyên’. Tôi gật đầu, rồi dốc hết sức.

Kỳ diệu thay, người vợ có thai sau lần chuyển phôi ấy. Hôm đến báo tin, họ ôm nhau khóc ngay ngoài hành lang. Một năm sau, họ bế con quay lại, cười rạng rỡ như chưa từng có những ngày đổ vỡ,” bác sĩ Phương xúc động kể lại.

Theo vị bác sĩ, chỉ những ai từng đi qua hành trình vô sinh mới hiểu, đó không chỉ là bệnh lý mà là cuộc chiến trường kỳ với nỗi cô đơn, sự dằn vặt, và cả những lời gièm pha vô hình đè nặng lên vai. Đây cũng chính là lý do khiến tỷ lệ ly hôn trong các gia đình hiếm muộn cao hơn gấp nhiều lần so với bình thường. Bởi nỗi đau không có con, khi kéo dài năm này qua năm khác, sẽ dần bào mòn yêu thương, nhẫn nhịn, cả hy vọng.

Vậy nên, khi một người bác sĩ có thể giúp họ đón con yêu, nghĩa là người bác sĩ ấy đã cứu cả một cuộc hôn nhân.

“Có người gửi tôi tấm ảnh cưới mới sau 12 năm chung sống như vợ chồng hờ. Họ bảo: ‘Bác sĩ ơi, nhờ bác mà giờ em mới có hạnh phúc đúng nghĩa’. Những lúc như vậy, tôi lặng người,” bác sĩ Phương kể.

Vị bác sĩ cho biết, những câu chuyện như vậy không hiếm tại IVF Hà Nội. Có người sinh con ở tuổi 44, có người làm IVF 5-6 lần trong suốt cả thập kỷ, nhưng vẫn kiên trì đến phút cuối cùng với niềm tin được chào đón con yêu.

“Một đứa trẻ ra đời có thể không thay đổi cả thế giới. Nhưng với một gia đình hiếm muộn, đó là tất cả,” bác sĩ Phương nói trong xúc động.

Theo chia sẻ của bác sĩ Phương, tại Trung tâm IVF Hà Nội, anh và các đồng nghiệp tiếp nhận hàng trăm ca điều trị mỗi năm, từ khắp các tỉnh thành tìm về. Có người là cán bộ công chức, nhưng cũng không ít là lao động phổ thông, chạy xe ôm, làm ruộng… Nhưng điều khiến anh day dứt nhất lại không phải những ca khó, mà là… những ca “thiếu tiền”.

“50-60% bệnh nhân đến IVF Hà Nội là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thậm chí có người không đủ tiền ăn trưa, những người nhìn thấy chiếc thang máy còn không biết bấm như thế nào,… nhưng họ vẫn kiên trì bên bỉ vì khát khao làm cha mẹ quá lớn,” bác sĩ Phương chia sẻ.

Thấu hiểu nỗi đau vô hình của các cặp vợ chồng hiếm muộn, bác sĩ Phương cùng đội ngũ y bác sĩ tại trung tâm luôn nỗ lực tối đa để tối giản chi phí, tạo điều kiện thanh toán linh hoạt, hỗ trợ một phần, thậm chí miễn phí 100% chi phí điều trị cho những hoàn cảnh đặc biệt.

Nhờ đó, nhiều cặp vợ chồng từng tưởng như “vô vọng” đã đón con yêu sau bao năm chờ đợi như một “phép màu” có thật giữa đời thường.

“Có người đạp xe từ quê lên, dắt theo vợ bụng to, đến xin siêu âm. Có người vay từng đồng, gom góp suốt mấy năm để được thử IVF một lần. Nhìn họ, tôi không nỡ từ chối. Chúng tôi cố gắng hỗ trợ tối đa, giảm chi phí, thanh toán linh hoạt. Có những ca gần như không còn cơ hội, nhưng bằng sự đồng lòng và niềm tin, đứa bé vẫn chào đời như một phép màu giữa đời thực,” Giám đốc IVF Hà Nội xúc động chia sẻ.

Bác sĩ Phương vẫn nhớ như in hình ảnh một người đàn ông gầy gò, đôi mắt thâm quầng vì thức trắng, lặng lẽ chạy xe suốt đêm từ miền Trung ra Hà Nội chỉ để kịp nghe tiếng tim con đập qua máy siêu âm. Giây phút ấy, anh không nói gì, chỉ lặng người ngồi bên cạnh giường khám rồi bất chợt bật khóc như một đứa trẻ. Những giọt nước mắt của người cha ấy khiến cả ê-kíp lặng đi.

“Và rồi, khi đứa trẻ chào đời, họ quay lại cảm ơn tôi nhưng thực ra, chính họ mới là những người dũng cảm nhất vì đã nỗ lực, không bỏ cuộc cho hành trình đầy gian khó”, vị bác sĩ nhớ lại.

Trong những ngày đất nước hân hoan mừng lễ 30/4 và 1/5, khi người người nghỉ ngơi, dành thời gian đi du lịch, quây quần cùng gia đình thì ở IVF Hà Nội, ánh đèn phòng khám vẫn sáng. Đội ngũ y bác sĩ vẫn túc trực, lặng thầm cống hiến để giúp những giấc mơ làm cha mẹ được "đâm chồi, nảy lộc".

“Hành trình tìm con không có ngày nghỉ, và IVF Hà Nội cũng vậy - chúng tôi vẫn ở đây, sẵn sàng lắng nghe, chăm sóc và sẻ chia mọi cảm xúc cùng các gia đình.

Chúng tôi tin rằng, mỗi tiếng khóc chào đời, mỗi gia đình được tròn đầy hạnh phúc… cũng chính là một cách để viết tiếp hành trình dựng xây quê hương trong thời bình”, bác sĩ Phương nhấn mạnh.

Thúy Ngà - Lệ Giang

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/bac-si-nguyen-duy-phuong-nguoi-thap-lua-hanh-phuc-cho-nhung-mai-am-tung-lang-le-dau-thuong-d10625.html