Bác sĩ Nguyễn Ngọc Điệp và 'Bài hát của những thằng điên'
Viết về câu chuyện của cuộc đời mình, tác phẩm 'Bài hát của những thằng điên' (NXB Công an Nhân dân ấn hành trong quý 3/2019) của BS Chuyên khoa I - Khoa Sức khỏe tâm thần (Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng) vừa ra mắt độc giả là một câu chuyện xúc động, hấp dẫn, thú vị không chỉ dành cho giới y bác sĩ, hay cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tâm thần, mà còn dành cho tất cả những ai muốn hiểu sâu về thế giới con người đầy bí ẩn và nghiệt ngã của số phận.
Thường thì những câu chuyện cuộc đời được ghi lại, kể lại khi chủ thể đã bước vào giai đoạn tuổi xế chiều qua những hồi ức, kỷ niệm, nhật ký... như là món quà tặng văn học để lại cho đời. Nhưng với cuốn truyện “Bài hát của những thằng điên” là “câu chuyện đời tôi” của một tác giả không trẻ cũng không già, BS Điệp sinh năm 1978, trải lòng mình trong đau đớn, hồn nhiên, chân thật và dũng cảm tự giải phẫu mình qua nhân vật chính tên là Nguyễn. Anh vừa là bác sĩ vừa là bệnh nhân tâm thần và con đường vượt lên số phận trở thành bác sĩ chuyên khoa tâm thần thật kỳ diệu như phép mầu chữa lành những nỗi đau, tổn thương, như được giải phóng khỏi ngục tù của thế giới điên loạn. Câu chuyện đưa đến cho người đọc cái nhìn về cuộc sống thực tế của người điên, đời thường của bác sĩ tâm thần đối mặt với tiền bạc, với bệnh nhân, những mối tình rời rạc, vụn vỡ, sâu đậm hay tẻ nhạt, thoáng qua. Câu chuyện là một thiên phóng sự đời thường sinh động, lôi cuốn và khiến bạn đọc phải rơi lệ bởi nghệ thuật lột tả tâm lý nhân vật tài tình dưới ngòi bút của một bác sĩ chuyên khoa tâm thần qua câu chữ ngắn gọn, dễ hiểu.
Có thể tóm lược cốt truyện qua từng trích đoạn như thế này: Nhân vật Nguyễn “Tốt nghiệp Đại học Y khoa đã 2 năm nay. Bây giờ hắn 26 tuổi. Bây giờ hắn là một bác sĩ. Bây giờ, hắn cũng đang là một bệnh nhân!... Bố đưa hắn vào làm thủ tục nhập viện rồi vội vã đi luôn về Hà Nội. Chỉ còn mẹ hắn ở lại nuôi hắn thôi. Hắn ở Khoa A5. BS điều trị cho hắn là Thạc sĩ Trần Trung Hà...” (trích Ký ức ảo giác).
Đó cũng là chuyện đời thật của BS Điệp khi anh tốt nghiệp bác sĩ ra trường bị cú sốc tâm lý quá nặng khiến anh tự tử, may được mẹ phát hiện kịp thời và gia đình đưa anh đi chữa bệnh từ Lâm Hà lên tỉnh và ra Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Hà Tây, qua 2 năm uống thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Đây là hình ảnh của anh qua nhân vật: “Những lúc rảnh rỗi, Nguyễn thường mon men đến phòng làm việc của các bác sĩ, nói chuyện với Thạc sĩ Hà và mọi người... Một hôm, khi hắn tò mò ngồi xem trộm bệnh án tâm thần của hắn để trên bàn, hắn thấy tên hắn và một cái chẩn đoán ghi rõ ràng và ngắn gọn một chữ: F20. Đọc xong hắn buồn lắm. Bác sĩ Hà đã ghi và ký tên ở dưới. Đó là ký hiệu quốc tế cho một mã bệnh tật dành cho một người bị tâm thần phân liệt, bị điên! Hắn bị điên. Bị điên thật rồi... Thế là hết! Chả còn gì để mà hy vọng...” (trích Nước mắt đêm 30).
Và tác giả cũng là nhân vật Nguyễn đã hòa nhập trong thế giới người điên: “Cùng phòng bệnh với hắn có 3 thằng điên nữa, thêm hắn là thành 4 thằng điên... Bốn thằng điên lại hát. Chúng hát với tất cả trái tim, với tất cả tình cảm dù đa số chúng chưa từng trải qua tình cảm đó, chưa từng biết cảm giác đó như thế nào. Thế mà chúng nó vẫn hát. Bài hát của những thằng điên. Đam mê, nhớ nhung, dại khờ, lỗi lầm, hẹn hò, rung động đầu đời và cả mơ ước... Bài hát là những cảm xúc, những trải nghiệm về tình yêu đôi lứa dường như chưa từng trải qua. Không là tương lai. Cũng chẳng là hiện tại. Vậy thì đó là về quá khứ. Nhưng quá khứ đó làm gì có cơ chứ! Quá khứ không có thật bao giờ. Một quá khứ mộng mị, điên loạn và đầy ảo giác”... (trích Ký ức ảo giác).
Nhưng trớ trêu thay, nhân vật Nguyễn cũng như BS Điệp ngoài đời thật không mắc bệnh tâm thần phân liệt nhưng vẫn hàng ngày cho uống thuốc điều trị bệnh điên và “chính những thứ thuốc an thần này đã làm cho hắn và bạn bè hắn cứng đơ cả người, chân tay run rẩy, mắt ngước lên trời, đi lại như một con rô bốt”. Điều kỳ diệu xảy ra khi nhân vật cũng là tác giả gặp được một bác sĩ điều trị giỏi chẩn đoán và điều trị đúng bệnh do thường xuyên gần gũi tiếp xúc với bệnh nhân. “Thạc sĩ Trần Trung Hà nghiêng đầu nhìn Nguyễn và thỏa mãn hít một hơi thuốc dài. Anh bắt đầu thấy thú vị khi mỗi lần nói chuyện với Nguyễn. Nhưng trên tất cả, là anh thấy rất vui vì Nguyễn phục hồi khá nhanh và đáp ứng tốt với thuốc men điều trị. Lúc đầu, anh đã có lúc thầm thương cho Nguyễn khi chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Một bác sĩ mới ra trường bị bệnh tâm thần phân liệt. Đó chẳng khác nào một bản án tử hình, một sự bất công, một trò đùa trớ trêu và ác nghiệt của số phận dành cho cậu ấy. Nhưng có lẽ và chắc chắn là không phải như vậy. Cuộc sống sinh viên y khoa học hành, trực gác vất vả, xa gia đình, ăn uống khổ sở, áp lực thi cử, các mối quan hệ, sự va chạm và mặc cảm, lòng tự ái và cả khát vọng, hoài bão quá lớn... đã khiến Nguyễn bị rối loạn lo âu - trầm cảm thôi” (trích Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô).
Và bệnh nhân - nhân vật Nguyễn, cũng là tác giả BS Điệp được chữa lành khỏi chứng rối loạn lo âu, trầm cảm được xuất viện trở về với đời thường. “Nguyễn đã vượt qua được bài trắc nghiệm của số phận với số điểm vừa đủ đậu. Thế là đủ. Trong cuộc đời đi học ai cũng thích điểm 10. Nhưng trong cuộc sống con người, giữa ranh giới bình thường và không bình thường, giữa sự sống và cái chết... chỉ cần điểm 5 để được bình thường, để tồn tại và khác biệt, đã khiến ta rơi nước mắt vì sung sướng và hạnh phúc biết bao nhiêu” (trích Nước mắt không có giá trị bằng tiền).
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ - BS NGUYỄN NGỌC ĐIỆP
- Năm 2003 tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa - Trường ĐH Y Tây Nguyên.
- Năm 2014 tốt nghiệp Bác sĩ Chuyên khoa I tâm thần - Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh.
- Từ 2006 đến nay làm việc tại Khoa Tâm thần - Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng.
- Tham gia các đề tài nghiên cứu: Khảo sát các rối loạn tâm thần trên bệnh nhân tự sát được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng năm 2009 - 2010 và Khảo sát tình hình mắc bệnh trầm cảm và các yếu tố nguy cơ ở học sinh trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Lạt năm 2012.
Chỉ có 145 trang sách, theo chuỗi 15 tiêu đề nhỏ, câu chuyện liền mạch và được chọn lựa kỹ lưỡng về nội dung, điểm chi tiết nhấn nhá gây ấn tượng cho người đọc với lối viết ngắn gọn, súc tích, hiểu biết sâu về lĩnh vực chuyên môn, nhân vật Nguyễn từ một bác sĩ là bệnh nhân tâm thần, rồi trở thành bác sĩ chuyên khoa và các mối quan hệ công việc, yêu đương, tình cảm dành cho người mẹ cứ tự nhiên tuôn trào. Tác giả - BS Điệp cho biết: “Toàn bộ câu chuyện là cuộc đời tôi đã trải qua, thời gian câu chuyện xảy ra là thời gian thật, diễn tiến câu chuyện phát triển lên từ chỗ bác sĩ ra trường làm bệnh nhân tâm thần đến chi tiết bệnh nhân khỏi bệnh đi làm việc và học lên chuyên khoa cấp I về tâm thần, rồi quay lại chữa bệnh cho bệnh nhân, đưa mẹ đi khám bệnh phát hiện đã ung thư di căn... đều là sự thật của đời tôi. Các địa điểm, địa danh trong câu chuyện đều chính xác như trong thực tế; các nhân vật tôi đã đưa vào trong câu chuyện đều có thật và được đổi tên khác, chỉ riêng nhân vật thạc sĩ điều trị Trần Trung Hà là tôi giữ nguyên tên thật như ngoài đời”.
Xuyên suốt câu chuyện là hình ảnh người mẹ tuyệt vời, người mẹ trong câu chuyện cũng là hình mẫu thật của mẹ BS Điệp, bà đã đồng hành cùng con để chữa bệnh tâm thần và kết thúc câu chuyện là người con - tác giả câu chuyện, đang học bác sĩ chuyên khoa I tâm thần đưa mẹ đi khám bệnh tầm soát ung thư ở Bệnh viện Chợ Rẫy. “Ngày xưa khi anh mới ra trường và bị bệnh, mẹ anh đã không bỏ rơi anh khi rất nhiều người trong gia đình đã chán nản buông tay. Bà đã âm thầm khóc, chăm sóc, nuôi anh gần 2 năm trời ở Thường Tín và bỏ ngoài tai, bất chấp tất cả lời gièm pha, khuyên nhủ “hay là thôi cho nó về nhà, ở nhà, không làm bác sĩ nữa, làm được cái gì thì làm” của mọi người. Mẹ anh đã vì anh mà sống. Giờ là lúc anh báo đáp. Vì mẹ, anh sẵn sàng làm tất cả”. Nhưng đã muộn, khi nhân vật Nguyễn và cũng chính BS Điệp xem hình ảnh nội soi đại trực tràng của mẹ: “Mắt anh hoa lên khi nhìn thấy hình ảnh một khối u tròn như quả bóng bàn, xù xì, bờ nham nhở và không có cuống bám chặt vào lòng ruột già... Bài hát của những thằng điên lại vang lên hối thúc. Hình ảnh những thằng điên ở cùng phòng, cùng Khoa A5 ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Thường Tín, Hà Tây năm xưa sống dậy” (trích Chết theo chương trình).
Trải qua 2 năm điều trị ở bệnh viện tâm thần và 7 năm để viết nên câu chuyện “Bài hát của những thằng điên”, BS Điệp đã dũng cảm đối mặt với số phận nghiệt ngã của mình, mạnh mẽ bước tới, dám sống qua những ngày đau thương, trân quý những yêu thương chân thành, nhìn ra sai lầm và hướng thiện. Một cuộc đời - một câu chuyện nhân văn, phân tích nội tâm nhân vật ở trạng thái điên loạn chỉ có thể là người trong cuộc, có chuyên môn và tâm hồn đẹp mới diễn tả hay và sâu sắc như thế. Với BS Nguyễn Ngọc Điệp, tác phẩm và cuộc đời anh chỉ là một khoảng cách mỏng manh qua lớp vỏ ngôn ngữ mà thôi.