Bác sĩ 'sửa' những trái tim lỗi nhịp bằng 'công cụ tự chế'
Vì lợi ích của người bệnh, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền cùng các đồng nghiệp không ngừng tìm tòi, đưa kỹ thuật mổ ít xâm lấn vào điều trị tim mạch thời gian qua.
Viết di chúc trước khi lên bàn mổ
Tháng 1/2024, trước khi lên bàn phẫu thuật, bà Nguyễn Thị Phương (57 tuổi, Hà Nội) viết di chúc để lại tài sản cho con cháu trong nhà vì sợ không tỉnh lại sau ca mổ. May mắn, cuộc phẫu thuật diễn ra tốt đẹp. Sau đó hơn một tuần, bà được ra viện kịp đón Tết bên người thân.
30 năm về trước, bà Phương phát hiện hẹp van tim, phải mổ để nong. Sau khi sử dụng thuốc, bệnh tim của bà ổn định. Thế nhưng, đến khoảng cuối năm 2023, bà thấy trong người mệt, đi khám bất ngờ phát hiện suy tim nặng, nhiều cục máu đông, phải mổ thay van tim gấp.
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, bà được chỉ định nhập viện, làm các xét nghiệm lâm sàng để chuẩn bị phẫu thuật. Vậy nhưng, việc phẫu thuật tim của bà gặp không ít khó khăn xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Ở lần hoãn thứ nhất do thể trạng của bà dễ bị viêm nhiễm, sốt, nếu mổ sẽ gặp rất nhiều rủi ro tính mạng. Lần thứ 2 ca phẫu thuật vẫn không thể diễn ra theo dự tính do trước đó một ngày, bà Phương tự ý sử dụng thuốc chống đông. Phải đến lần thứ 3, ca mổ mới được thực hiện và kết quả ngoài mong đợi.
Mùng 6 Tết Giáp Thìn, bà Phương được con trai chở đi du xuân. Nhìn thấy bà khỏe mạnh, mọi người đều rất bất ngờ, không ai nghĩ bà hồi phục nhanh vậy.
Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh nhân Phương nhập viện trong tình trạng hở van 2 lá nặng, suy tim, cần phẫu thuật gấp.
Sau hội chẩn, bác sĩ quyết định phẫu thuật tim ít xâm lấn cho người bệnh. “Trong mổ, chúng tôi phát hiện rất nhiều cục máu đông cũ và mới tại nhĩ trái. Van tim vôi hóa nhiều, hẹp và hở nặng. Trường hợp này rất dễ bị tai biến do cục máu đông có thể bung ra, theo dòng máu gây bít tắc các mạch não, mạch vành, mạch tạng, chi có thể gây nguy hiểm tính mạng”, PGS Hiền phân tích.
Các bác sĩ lấy hết các cục máu đông cũ và mới, bỏ van tim hỏng thay bằng van tim nhân tạo, sửa van 3 lá bị hở. Tất cả quá trình này được thực hiện dưới màn hình nội soi 3D.
Cứu sống hàng nghìn người bệnh tim
Bà Phương là một trong số hàng nghìn bệnh nhân được PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền cứu sống nhờ kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn. Ông cũng là bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam với 20 năm kinh nghiệm và tiên phong nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật khó này vào điều trị các bệnh nhân tim.
“Với phương pháp mổ tim ít xâm lấn, bác sĩ chỉ cần rạch đường ngắn 4-6 cm, mổ qua khe xương sườn, không đụng chạm đến xương ức, đường mổ nhỏ, vết mổ cũng nhanh liền, đặc biệt an toàn cho người bệnh và hạn chế được nhiều biến chứng”, PGS Hiền nói.
Còn với phương pháp mổ kinh điển, bác sĩ sẽ phải xẻ dọc xương ức với đường mổ khá lớn, đôi khi có thể để lại hậu quả như biến dạng lồng ngực, viêm xương ức dẫn đến tử vong.
Ông phân tích thêm, phương pháp mổ tim ít xâm lấn gần như khắc phục hầu hết những hạn chế của phương pháp mổ kinh điển. Kỹ thuật mổ ít xâm lấn được chia thành các cấp độ khác nhau, gồm không sử dụng nội soi, nội soi toàn bộ hoặc nội soi hỗ trợ. Phương pháp mổ ít xâm lấn là xu thế của thế giới, vừa điều trị được bệnh lại đảm bảo thẩm mỹ và hạn chế biến chứng.
Ưu điểm vượt trội của kỹ thuật này là tránh được tổn thương xương ức, đặc biệt với các bệnh nhân cao tuổi. Sau mổ bằng phương pháp ít xâm lấn, người bệnh hồi phục nhanh, tiết kiệm chi phí, sau một tuần có thể xuất viện, trong khi phương pháp mổ kinh điển cần đến 2-3 tuần.
Bằng kỹ thuật mổ ít xâm lấn, các bác sĩ tại Bệnh viện Tim Hà Nội có thể mổ thay van tim, 2 lá, sửa các van tim, van động mạch chủ, đốt rung nhĩ. Ngoài ra, các bệnh lý tim bẩm sinh cũng có thể mổ ít xâm lấn, không cần phải chẻ xương ức.
Theo kinh nghiệm của PGS Nguyễn Sinh Hiền, để ca mổ tim ít xâm lấn thành công, bác sĩ không được phép sai sót, phải tỉ mỉ, chỉ định y khoa chặt chẽ, chỉ một động tác thừa sẽ phải trả cái giá rất đắt, đó là tính mạng của người bệnh. Kỹ thuật này cũng đòi hỏi kỹ thuật viên phải giàu kinh nghiệm, trang thiết bị thực hiện cần được đầu tư kỹ lưỡng.
“Các kỹ thuật này của Việt Nam đạt trình độ ngang tầm thế giới. Chúng ta không thua kém bất kỳ nước nào trong lĩnh vực phẫu thuật tim ít xâm lấn”, PGS Hiền nhấn mạnh.
Tại các nước phát triển, số tiền phẫu thuật tim rất cao. Kỹ thuật đó phải cũng dùng những dụng cụ đặc biệt, được đầu tư bài bản. Ở Việt Nam, do kinh phí còn hạn chế, PGS Nguyễn Sinh Hiền cùng đồng nghiệp đã có những cải tiến, dùng các dụng cụ tự chế như dụng cụ tự chế bộc lộ nhĩ trái, kim tự chế truyền dung dịch liệt tim.
"Những dụng cụ này phù hợp với thể trạng người Việt Nam, song cũng đáp ứng đủ các tính năng sử dụng, đặc biệt không tốn kém như các thiết bị nhập ngoại", Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nói.
PGS Hiền so sánh phương pháp mổ kinh điển với mổ ít xâm lấn giống như đi xe máy với đi ôtô. Mới đầu, ai đi ôtô cũng thấy ngại, sợ sai làn, quá tốc độ nhưng khi đi được ôtô thì chỉ thích đi ôtô. “Mổ tim ít xâm lấn cũng thế lâu dần thấy "nghiện", bệnh nhân đỡ đau nhiều, sẹo mổ đẹp, nguy cơ biến chứng ít”, ông ví von.
Từ tính ưu việt của phương pháp mổ, những năm gần đây, Bệnh viện Tim Hà Nội thường xuyên tiếp nhiều đoàn nước ngoài sang giao lưu học hỏi.
Phương pháp mổ tim ít xâm lấn tại Bệnh viện Tim Hà Nội ra đời từ năm 2019. Đến nay, hàng nghìn bệnh nhân đã được mổ tim bằng phương pháp này, hầu như không có biến chứng. Hiện số ca mổ tim ít xâm lấn tại nơi này chiếm 30% tổng số ca mổ tim, dành cho mọi nhóm từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi.
Các bệnh lý tim mạch ở nước ta tăng trung bình khoảng 15% mỗi năm. Đây là bệnh lý gây tử vong nhiều nhất, cao hơn cả số người tử vong vì ung thư. Nhờ những kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn, nhiều hoàn cảnh đã được cứu sống, hoặc rút ngắn được thời gian cũng như chi phí nằm viện.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bac-si-sua-nhung-trai-tim-loi-nhip-bang-cong-cu-tu-che-ar886222.html