Chuyên gia: 'Chủng cúm mùa hiện nay không có gì đặc biệt, nhưng cũng cần có biện pháp phòng bệnh'

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chủng cúm lưu hành hiện nay là cúm mùa, không phải chủng đặc biệt nhưng cũng cần có biện pháp phòng bệnh.

Hiện nay, tại nhiều quốc gia đang có dịch cúm mùa, trong đó nhiều bệnh nhân mắc cúm mùa. Tại Nhật Bản, theo số liệu công bố đã có 9,5 triệu người mắc cúm A, có những bệnh nhân trở nặng thậm chí tử vong.

Tại Việt Nam, số người mắc cúm cũng tăng, trong đó có những bệnh nhân phải chạy phổi nhân tạo. Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thông tin, đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm. Một trong số đó đang phải đặt ECMO. Những bệnh nhân nặng là những người mắc bệnh nền hoặc có tiền sử hút thuốc lá.

 Bệnh nhân mắc cúm A đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (ảnh nguồn Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương).

Bệnh nhân mắc cúm A đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (ảnh nguồn Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương).

Việc bệnh cúm gia tăng, có người trở nặng và tử vong khiến nhiều người lo lắng. Trước thực tế trên, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

Theo ông Trần Đắc Phu, cúm mùa hiện nay là chủng cúm lưu hành hàng năm, không có gì quá bất thường. Vừa qua do thời tiết lạnh nên nhiều người bị mắc. Những người bệnh nền, nhóm nguy cơ có thể nhập viện và tử vong.

“Đây không phải là điều gì đặc biệt. Việc một số trường hợp phải cấp cứu, chạy phổi nhân tạo là do biến chứng nặng. Bị cúm sẽ có người bị nặng do vấn đề bệnh nền, sức khỏe yếu, suy giảm miễn dịch. Có người bình thường khi bị cúm cũng có thể chuyển biến nặng. Điều này có tỷ lệ nhất định chứ không phải tất cả. Hiện nay, cúm mùa lưu hành không phải là chủng đặc biệt” – ông Trần Đắc Phu phân tích.

Trước lo ngại về dịch bệnh, nhiều người đã tìm đến phương pháp tiêm vắc xin để phòng bệnh. Theo ông Trần Đắc Phu, tiêm vắc xin là một biện pháp, cần tiêm để phòng bệnh. Nhưng tiêm vắc xin cúm thì phải tiêm hằng năm.

Bởi vì, chủng cúm thay đổi nên phải tiêm hằng năm. “Tiêm vắc xin cúm không phải tiêm một lần được mãi mãi. Những người khỏe mạnh ai cũng cần phải tiêm, càng người có nguy cơ càng phải tiêm” – ông Trần Đắc Phu thông tin.

Trước lo ngại, người dân đi tiêm đổ xô khiến giá vắc xin tăng, ông Trần Đắc Phu cho rằng, tiêm cúm phải tiêm trước mùa dịch. Không phải cứ dịch đi tiêm. Bởi vì, sau khi tiêm nửa tháng đến 1 tháng mới có miễn dịch, chứ không phải tiêm có miễn dịch ngay.

“Tôi nghĩ vắc xin cúm sẽ không tăng giá. Bởi vắc xin cúm không quá khan hiếm” – ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Qua trao đổi với chuyên gia, có thể thấy, cúm mùa là dịch bệnh xảy ra hàng năm. Có năm dịch có thể tăng vì nhiều lý do trong đó có yếu tố thời tiết. Tuy nhiên, đây không phải là chủng cúm mới nên không quá phải quan ngại. Vắc xin là biện pháp phòng bệnh, đặc biệt đối với những người mắc bệnh nên, suy giảm miễn dịch, người già…

Theo thống kê của Bộ Y tế trong năm 2024 ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong; số mắc giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), số tử vong tăng 5 trường hợp. Chuyên gia khuyến cáo, những người có bệnh nền, cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm.

Trong năm 2024, ghi nhận 4 trường hợp tử vong do cúm A(H1N1) tại Bình Định, đây là các trường hợp có bệnh nền mãn tính nặng, không ghi nhận biến thể của virus. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao: Thanh Hóa (46.600 trường hợp), Thái Bình (26.345), Nghệ An (17.949), Hà Tĩnh (14.073), Sơn La (10.162).

Theo Cục Y tế dự phòng, diễn biến thời tiết đặc trưng mùa Đông Xuân, khí hậu gió mùa, hanh khô, nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Các bệnh truyền nhiễm phổ biến khác trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, một số bệnh có vắc xin dự phòng có thể ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do virus, các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa lễ hội xuân và các bệnh truyền nhiễm phổ biến như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh dại, cúm gia cầm…;

Tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới và chủ động triển khai hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh tại cửa khẩu, trong cộng đồng, tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.

Trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, hệ thống giám sát dựa vào sự kiện tại Việt Nam ghi nhận các thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản, theo đó dữ liệu công bố (ngày 31/1/2025) của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ ngày 2/9/2024 - ngày 26/1/2025 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa; trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 (từ 23 - 29/12/2024) đã ghi nhận hơn 317.000 trường hợp.

Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka là các khu vực có đông dân cư và có nhiều điểm du lịch, tập trung đông người là các địa bàn bị ảnh hưởng nhất của đợt bùng phát dịch cúm mùa hiện tại. Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay, chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.

Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời và cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện tại với thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan; đồng thời cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-gia-chung-cum-mua-hien-nay-khong-co-gi-dac-biet-nhung-cung-can-co-bien-phap-phong-benh-post333401.html