Bác sĩ trả lời: Đã từng nôn ra máu, cấp cứu do uống rượu bia, nếu nhậu tiếp có nguy hiểm không?

* Dịp cuối năm, em thường xuyên phải nhậu vì tiệc tùng nhiều. Em không muốn nhậu lắm vì 3 năm trước em đã nôn ra máu do rượu bia và phải đi cấp cứu. Em đang lo là với những cuộc nhậu liên tiếp, kéo dài thời gian thì có nguy hiểm không thưa bác sĩ?

* Dịp cuối năm, em thường xuyên phải nhậu vì tiệc tùng nhiều. Em không muốn nhậu lắm vì 3 năm trước em đã nôn ra máu do rượu bia và phải đi cấp cứu. Em đang lo là với những cuộc nhậu liên tiếp, kéo dài thời gian thì có nguy hiểm không thưa bác sĩ?

(Anh Hoàng Anh, 35 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa)

Bác sĩ trả lời:

Chào anh!

Trên thực tế có nhiều người nhậu liên tiếp và kéo dài. Người ta vẫn nói vui là làm tăng 1 rồi làm tăng 2 lại tiếp tăng 3, 4, 5 gì đó. Theo các nghiên cứu, bia rượu nếu ta uống lượng ít 1-2 ly/ngày thì ít ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều và kéo dài thì ảnh hưởng rất nhiều. Có những nghiên cứu chỉ ra rươu bia là nguyên nhân và liên quan đến khoảng 200 bệnh lý và vấn đề sức khỏe.

Với cơ chế tự nhiên, khi cơ thể chúng ta nạp 1 chất độc hay có hại thì cơ thể sẽ cố gắng lọc và đào thải ra nhưng chỉ có thể trong các trường hợp với số lượng ít và chất cồn trong rượu bia được cơ thể hiểu là một chất có hại.

Với những cuộc nhậu liên tiếp kéo dài thì lượng rượu bia cụ thể là lượng cồn nạp vào cơ thể quá nhiều, cơ thể không tự đào thải được. Đầu tiên nó sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày gây viêm loét dạ dày nặng hơn là xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày… Kế đến là gây tổn thương tụy dẫn đến viêm tụy cấp, mà ở bệnh nhân viêm tụy cấp, lâu dài hơn là xơ gan do rượu và ảnh hưởng đến hệ tim mạch và thần kinh. Chúng ta chắc cũng thường nghe có nhiều trường hợp nhậu xỉn xong ngủ đến sáng “đi” luôn lúc nào không hay, đó là các trường hợp đột tử mà rượu bia cũng góp phần trong đó.

Xuất huyết tiêu hóa là một nguyên nhân rất thường gặp. Hầu như mỗi ngày Khoa Tiêu hóa chúng tôi đều tiếp nhận ít nhất một vài bệnh nhân nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa. Đây là bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng nếu không được xử trí cấp cứu kịp thời. Đặc biệt là những trường hợp người bệnh đã nôn ra máu và đi cầu ra máu đỏ thường mức độ xuất huyết là nặng hơn và cần phải được xử trí cấp cứu ngay lập tức.

BS CKII Dương Tấn Thọ,

Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202401/bac-si-tra-loi-da-tung-non-ra-mau-cap-cuu-do-uong-ruou-bia-neu-nhau-tiep-co-nguy-hiem-khong-53d0826/