Bác sĩ Yersin trong trái tim người dân xứ sở Trầm Hương
Trong trái tim những người dân Khánh Hòa, bác sĩ Yersin không chỉ là người giàu lòng nhân hậu, bác ái mà còn là nhà bác học vĩ đại của nhân loại.
Bác sĩ yên nghỉ trên quê hương thứ hai
Bác sĩ Yersin (sinh năm 1863, tại bang Vaud, Thụy Sỹ), ông vừa là bác sĩ vừa là nhà khoa học nghiên cứu về vi khuẩn học, thiên văn học, nông học... Với khát vọng cháy bỏng là nghiên cứu ra các loại thuốc có thể khống chế nhiều loại dịch hạch, năm 1885, bác sĩ Yersin đến Pháp học ngành y, sau đó thì nhập quốc tịch Pháp.
Vào năm 1891, bác sĩ Yersin lại đến Khánh Hòa và chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Từ Khánh Hòa, bác sĩ Yersin còn rong ruổi đến các vùng đất khác để thám hiểm, nghiên cứu. Năm 1893, bác sĩ Yersin khám phá ra cao nguyên Lâm Viên và đề nghị thành lập TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Từ hành trình nghiên cứu của mình, ông đã di thực, trồng thử nghiệm thành công cây canh ki na (dùng lấy tinh chất để chữa bệnh sốt rét ở Việt Nam).
Bác sĩ Yersin cũng là người sáng lập ra Viện Pasteur Hà Nội; Viện Pasteur Đà Lạt; Viện Pasteur Nha Trang; Hiệu trưởng Trường Y khoa Đông Dương (nay là Đại học Y Hà Nội); Viện trưởng danh dự Viện Pasteur Paris…
Bác sĩ Yersin cũng là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn dịch hạch, đồng thời nghiên cứu, điều chế thành công vaccine phòng chống dịch bệnh.
Đi nhiều nơi nghiên cứu nhưng bác sĩ Yersin đã gắn bó với Khánh Hòa lâu nhất, cho đến ngày 01/3/1943, ông mất tại Khánh Hòa và theo di nguyện của ông, mộ phần của ông được đặt tại Suối Dầu (Cam Lâm, Khánh Hòa).
Năm 2013, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng bác sĩ Yersin là công dân danh dự Việt Nam.
Dẫu bác sĩ Yersin đã đi về cõi vĩnh hằng 80 năm nhưng nhiều người dân xứ Trầm Hương vẫn dành cho ông tình cảm đặc biệt, luôn truyền kể những câu chuyện cảm động về ông.
Ông Nguyễn Duy Hậu (70 tuổi ở xóm Cồn, Nha Trang) bộc bạch, nghe thế hệ cha ông kể lại, khi bác sĩ Yersin đặt chân đến xóm Cồn thì nơi đây hoang sơ, chỉ có những dân chài quanh năm cực nhọc mưu sinh bằng nghề chài lưới. Không nề hà, phân biệt, bác sĩ Yersin liền làm quen và bầu bạn với những ngư dân nghèo. Hàng ngày, tại xóm Cồn ông nghiên vừa cứu y khoa vừa hướng dẫn người dân phòng các loại dịch bệnh, cách sống khoa học để có được sức khỏe tốt. Ai cần thuốc, cần khám bệnh ông đều tận tình đến giúp mà không ngần ngại bất cứ điều gì.
Ông bác sĩ người Tây đáng kính
Những ngày tháng ở Khánh Hòa, để phục vụ cho công tác nghiên cứu ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch, bác sĩ Yersin mua một khu đất rộng ở Suối Dầu để chăn nuôi ngựa. Không chỉ dừng lại ở Suối Dầu, bác sĩ Yersin còn tìm ra Hòn Bà (Cam Lâm) ở độ cao 1.500m và trồng cây canh ki na tại đây, phục vụ cho việc sản xuất, điều chế ra thuốc chống sốt rét…
Từ các thành tựu đồ sộ và những tình cảm sâu đậm của bác sĩ Yersin dành cho người dân Khánh Hòa, vùng đất này ngày càng hình thành nên nên nhiều cơ quan, công viên... mang tên ông. Điển hình như: Công viên bác sĩ Yersin (gần xóm Cồn, nơi ông sinh sống những ngày đầu đến Khánh Hòa); Trường THCS Yersin; Bệnh viện Đa khoa Yersin (chuẩn bị đi vào hoạt động); Trường Trung cấp Y Dược Yersin…
Nhiều bệnh viện ở Khánh Hòa cũng chọn nơi trang trọng nhất đặt tượng bác sĩ Yersin để tưởng nhớ về ông - người cả đời cống hiến cho nền khoa học và y học của nhân loại.
Với nhiều bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên y khoa ở xứ Trầm Hương, họ còn xem việc đến viếng mộ ông hàng năm là việc làm không thể thiếu. Nhiều năm hoạt động trong ngành y ở Khánh Hòa, bác sĩ Lê Minh Tâm chia sẻ: "15 năm nay, năm nào chúng tôi cũng tranh thủ đến viếng mộ bác sĩ Yersin và ra công viên mang tên ông hoặc đến xóm Cồn nghe các bậc cao niên truyền kể lại những câu chuyện về ông. Câu chuyện nào về bác sĩ Yersin cũng đầy ấn tượng và như lời nhắc nhở với những người làm ngành y hãy luôn tận tụy nghiên cứu và thương yêu người bệnh...".