Bắc Từ Liêm di dời các hộ dân có nguy cơ ngập về nơi an toàn

Sáng 10/9, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên đã đi kiểm tra thực tế các phường trước tình hình nước sông Pheo lên cao nguy cơ ngập nước nhà dân, đồng thời chỉ đạo di dời các hộ dân về nơi an toàn.

Theo đó, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm đã kiểm tra 4 phường ven đê chịu ảnh hưởng bởi nước sông Hồng lên cao: Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Đông Ngạc. Ngoài ra, đoàn cũng đã đi kiểm tra các phường: Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Tây Tựu, Đức Thắng, Phú Diễn, Phúc Diễn, Minh Khai.

Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên đã chỉ đạo phường Đức Thắng khẩn trương di dời người dân ra khỏi nơi có nguy cơ ngập đến nơi an toàn.

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên chỉ đạo phường Đức Thắng khẩn trương di dời người dân ra khỏi nơi có nguy cơ ngập đến nơi an toàn.

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên chỉ đạo phường Đức Thắng khẩn trương di dời người dân ra khỏi nơi có nguy cơ ngập đến nơi an toàn.

Liên quan đến vấn đề này, Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo các trường chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, đồ dùng, nước uống và thực phẩm thiết yếu cũng như bố trí nhà thể chất, phòng họp và các phòng chức năng để đón các hộ dân vào tránh trú tại trường học (nếu được chỉ đạo) khi các địa phương tiến hành di dời dân đảm bảo an toàn. Học sinh vẫn học bình thường.

Cùng với đó, Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm đang huy động 100% công nhân đi rà soát kiểm tra các điểm xung yếu nguy cơ ngập nước và phối hợp tách nguồn điện khi cần thiết.

Theo báo cáo của quận Bắc Từ Liêm về công tác ứng phó với tình hình mưa bão, lũ lớn trên các tuyến sông trên địa bàn, hiện nay mực nước sông Hồng (sông Thao) tại Lào Cai, Yên Bái đang vượt trên báo động 3.

 Công nhân Điện lực Bắc Từ Liêm rà soát kiểm tra các điểm xung yếu nguy cơ ngập nước và phối hợp tách nguồn điện khi cần thiết.

Công nhân Điện lực Bắc Từ Liêm rà soát kiểm tra các điểm xung yếu nguy cơ ngập nước và phối hợp tách nguồn điện khi cần thiết.

Sông Hồng chảy qua địa bàn 4 phường: Thượng Cát, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc. Sông Nhuệ chảy qua địa bàn các phường: Cổ Nhuế 2, Đức Thắng, Cổ Nhuế 1, Phú Diễn, Phúc Diễn, Thụy Phương. Sông Pheo chảy qua địa bàn các phường: Tây Tựu, Thượng Cát, Minh Khai, Phú Diễn, Cổ Nhuế 2.

Mực nước sông Hồng lúc 6 giờ ngày 10/9/2024 tại cống Liên Mạc là 9,58m (báo động 1 là 9,5 m; báo động 2 là 10,5m; báo động 3 là 11,5m); xấp xỉ mức báo động 1. Mực nước sông Nhuệ lúc 6 giờ ngày 10/9/2024 tại cống Liên Mạc là 6 m (đo tại trạm cống Liên Mạc).

Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận Bắc Từ Liêm yêu cầu UBND các phường chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các phường thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn; tuyên truyền đến người dân ở tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập.

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên kiểm tra tại phường Cổ Nhuế 2.

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên kiểm tra tại phường Cổ Nhuế 2.

Mặt khác, các phường bố trí cán bộ trực ban 24/24h, chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán.

Bên cạnh đó, các phường cần chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.

Ngoài ra, các phường rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông...; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.

Thời gian tới, quận tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết, mực nước trên các sông: sông Hồng, sông Nhuệ để có phương án xử lý.

Nước ngập nhà dân tại phường Đức Thắng

Nước ngập nhà dân tại phường Đức Thắng

Quận chỉ đạo các đơn vị liên quan duy trì nguồn cung hàng hóa không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến, đặc biệt là hàng hóa lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế phục vụ cấp cứu, chữa bệnh.

Lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục các sự cố, hậu quả do bão gây ra để bảo đảm duy trì hoạt động thông suốt của hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc...; duy trì lực lượng ứng trực 24/24 giờ hỗ trợ kịp thời đối với người dân và xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn quận.

Ngoài ra, quận cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan đảm bảo công tác an sinh xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa bão; đảm bảo ổn định đời sống và sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân và các cơ quan, đơn vị, trường học và doanh nghiệp.

Trần Thảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bac-tu-liem-di-doi-cac-ho-dan-co-nguy-co-ngap-ve-noi-an-toan.html