BAF ngừng kinh doanh nông sản, dồn toàn lực cho mục tiêu 10 triệu heo/năm
Mặc dù doanh thu kinh doanh nông sản năm 2024 của BAF Việt Nam đạt hơn 2.300 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 46 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp này vẫn quyết định ngừng kinh doanh để dồn toàn lực cho việc chăn nuôi heo…

Năm 2025, BAF Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu hơn 5.601 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 638,6 tỷ đồng
Sáng 23/4, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã chứng khoán: BAF) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu và lợi nhuận “không đồng” ở mảng doanh nông sản.
Cụ thể, năm 2025, BAF Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất toàn công ty là hơn 5.601 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 638,6 tỷ đồng. Trong đó, đối với mảng chăn nuôi, tổng sản lượng heo dự kiến bán ra thị trường là 872.418 con, trong đó heo thịt 831.103 con, heo giống loại 41.315 con. Doanh thu dự kiến của mảng này đạt hơn 5.457 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 635,7 tỷ đồng, chiếm 99,55% trên tổng lợi nhuận sau thuế.
Đối với mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, BAF Việt Nam đặt mục doanh thu 144 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 2,88 tỷ đồng, iếm 0,45% lợi nhuận sau thuế toàn công ty.
Điều này cũng có nghĩa là từ năm 2025, BAF chính thức ngừng kinh doanh nông sản mặc dù trước đó mảng này vẫn mang về doanh thu lớn và lợi nhuận đáng kể cho doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2023, kinh doanh nông sản mang về doanh thu hơn 3.929 tỷ đồng, lợi nhuận gộp hơn 73,3 tỷ đồng. Năm 2024, doanh thu là hơn 2.301 tỷ đồng và lợi nhuận gộp gần 46 tỷ đồng, giảm lần lượt là 41,4% và 37,6% so với năm 2023.
Chia sẻ với cổ đông, bà Bùi Hương Giang, Tổng giám đốc BAF Việt Nam, cho biết: Công ty quyết định ngưng kinh doanh mảng nông sản để tập trung nguồn cho việc chăn nuôi heo nhằm tối ưu hóa lợi nhuận và đón đầu cơ hội thị trường với lộ trình đạt 10 triệu heo vào năm 2030.
Theo bà Giang, Luật Chăn nuôi quy định từ 1/1/2025, việc chăn nuôi trong khu vực dân cư bị nghiêm cấm, các cơ sở chăn nuôi vi phạm phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh phức tạp cùng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã kiến thị phần chăn nuôi lợn của nông hộ giảm từ 70% về còn 49%, dự kiến sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới.
“Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp có nguồn tài chính và quỹ đất lớn như BAF Việt Nam để đầu tư những trang trại quy mô lớn, đảm bảo đủ các điều kiện theo luật định, kiểm soát tốt dịch bệnh, chi phí”, bà Giang nhấn mạnh và cho biết: BAF sẽ tăng đàn theo lộ trình năm 2025 là hơn 872.418 con, trong đó heo thương phẩm là hơn 831.103 con, heo nái 41.315 con; 2026 là 1,8 triệu heo thương phẩm và khoảng 165.000 heo nái; năm 2027 khoảng 3,5 đến 4 triệu heo thương phẩm và khoảng 250.000 heo nái; đến năm 2030, tổng đàn sẽ là 10 triệu con.

BAF Việt Nam đặt mục tiêu nâng tổng đàn heo lên 10 triệu vào năm 2030
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị BAF Việt Nam, thông tin thêm: Để thực hiện chiến lược đầy tham vọng này, BAF cần tổng số vốn đầu tư lên tới khoảng 53.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 23.000 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu, còn lại là vốn vay. Chính vì thế, trong phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, BAF sẽ không chia cổ tức mà giữ lại toàn bộ để tái đầu tư.
“Thời gian từ nay đến năm 2030 còn rất ít nên chúng ta dồn toàn bộ nguồn lực cho đầu tư mở rộng trang trại để tăng đàn thật nhanh. Vì vậy, trong năm 2025 và năm 2026, công ty sẽ không sẽ không có khoản tiền nhàn rỗi để chia cổ tức”, ông Bá nhấn mạnh và gửi lời xin lỗi đến các cổ đông.
Chia sẻ thêm về tiềm năng của ngành chăn nuôi heo, ông Trương Sỹ Bá cho biết: Chi phí cho 1kg heo hơi trung bình vào khoảng 45.000 đồng. Với giá bán bình quân năm 2024 vào khoảng 65.000 đồng/kg thì mỗi kg heo hơi lãi khoảng 20.000 đồng, tương ứng với mỗi con heo, người nuôi có thể lãi 2 triệu đồng.
“Đây là mức lãi khủng khiếp”, ông Bá chia sẻ và dự báo trong năm 2025 và những năm tiếp theo giá heo sẽ tiếp tục giữ được sự ổn định mở mức cao, đảm bảo sự tăng trưởng nhanh và bền vững cho BAF.
Trả lời cổ đông về tác động của thuế quan của Chính phủ Mỹ, ông Bá khẳng định: BAF không bị ảnh hưởng gì từ chính sách thuế quan, thậm chí còn được hưởng lợi.
Theo ông Bá, BAF sử dụng các mặt hàng thức ăn chăn nuôi với nguyên liệu là ngô, khô đậu tương và lúa mỳ từ Nam Mỹ, Mỹ và Biển Đen. Nếu Mỹ áp thuế mạnh, Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới về mặt hàng này sẽ trả đũa, không nhập nữa. Khi họ không nhập, giá có thể giảm sâu, và thời gian vừa qua cũng giảm tới 10% rồi. Với ngành chăn nuôi heo, trên 70% giá thành đến từ thức ăn chăn nuôi nên khi giá nguyên liệu giảm thì sẽ được hưởng lợi về giá thành.
Đối với thịt nhập khẩu, ông Bá cho biết: Khi Việt Nam cam kết đàm phán để cân đối cán cân thương mại, các loại thực phẩm nhập khẩu như thịt heo có thể giảm thuế. Tuy nhiên, điều này không đáng ngại vì 80 - 90% dân số vẫn có thói quen ăn thịt nóng. Chính vì vậy, dù thịt nhập khẩu giá rẻ sẽ có tác động nhất định nhưng không nhiều đến bức tranh tương lai của BAF cũng như thị trường.