BaF Việt Nam (BAF): Dự báo giá heo hơi tăng trở lại ngưỡng 80.000 đồng/kg, 'khoe' lợi thế năng suất
Ông Ngô Cao Cường - Giám đốc Tài chính Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF) cho biết doanh thu tháng 4/2025 ước tính đạt mức cao nhất từ trước đến nay nhờ sản lượng tiêu thụ heo tăng lẫn giá bán neo ở mức cao.
Dựbáo giá heo hơi neo cao, doanh thu tháng 4/2025 đạt kỷ lục
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra sáng ngày 9/5, ông Ngô Cao Cường - Giám đốc Tài chính Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF - sàn HoSE) đã dành nhiều thời gian phân tích diễn biến thị trường chăn nuôi Việt Nam và triển vọng kinh doanh của công ty thời gian tới.
Ông Ngô Cao Cường cho biết, giá heo hơi tại thị trường nội địa đã lên mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây khi đạt mức khoảng 80.000 đồng/kg vào tháng 3/2025 và có phần hạ nhiệt trong những tuần gần đây, nhưng dự báo giá sắp bước vào chu kỳ tăng giá mới.

Diễn biến giá heo hơi tại Việt Nam (nghìn đồng/kg). (Nguồn: BaF Việt Nam)
“Giá heo hơi có phần hạ nhiệt trong những tuần gần đây là nhiều trang trại, nông hộ đẩy mạnh bán heo ra khi sắp bước vào mùa mưa vốn xuất hiện nhiều dịch bệnh. Việc bán heo chạy dịch đang giúp nguồn cung tăng cao. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ là nhất thời và khi mùa mưa kết thúc thì cung cầu sẽ cân bằng lại, có thể xảy ra thiếu cung nhất thời. Giá heo hơi dự kiến sẽ neo cao, thậm chí tăng trở lại quanh vùng 80.000 đồng/kg khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Hiện dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang diễn biến tại một số địa phương miền Bắc; trong khi đó, dịch lở mồm long móng đã tái xuất hiện tại một số khu vực miền Nam”, Giám đốc Tài chính BaF Việt Nam nhận định.
Ông Ngô Cao Cường cũng khẳng định, với các điều kiện thị trường hiện tại thì giá heo hơi tại Việt Nam không thể xuống dưới 60.000 đồng/kg trong năm nay. Bên cạnh yếu tố dịch bệnh phức tạp gây thiệt hại đến nguồn cung, lãnh đạo BaF Việt Nam còn cho biết quy mô đàn heo trên cả nước khó sớm mở rộng do nguồn cung heo giống chất lượng cao gặp khó.
“Chi phí heo giống hiện ở mức rất cao, thậm chí có tiền chưa chắc mua được giống tốt. Điển hình như BaF Việt Nam, chúng tôi không bao giờ bán ra heo giống năng suất tốt”, ông Ngô Cao Cường chia sẻ.
Giám đốc Tài chính BaF Việt Nam cũng tiết lộ kết quả kinh doanh của công ty trong tháng 4/2025 rất tích cực nhờ sản lượng tăng và giá heo hơi neo cao, giúp doanh thu ước tính đạt 450 tỷ đồng - mức doanh thu mảng chăn nuôi theo tháng cao nhất từ trước đến nay.

Tính đến cuối quý 1/2025, quy mô đàn heo của BaF Việt Nam đã cán mốc 800.000 con. (Nguồn: BaF Việt Nam)
Kết thúc quý 1/2025, BaF Việt Nam ghi nhận 1.100 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2024. Nhưng toàn bộ doanh thu thuần đều đến từ mảng chăn nuôi heo, cao gấp 2 lần so với quý 1/2024 và gần bằng cả năm 2023. Trong quý đầu năm, công ty đã bán ra hơn 160.000 con heo, trong đó heo thịt chiếm đa số. Hiện BaF Việt Nam sở hữu đàn heo có quy mô 800.000 con, cao gấp 2 lần quy mô cả năm 2023.
“Từ giờ đến cuối năm các trang trại mới đi vào hoạt động thì doanh thu sẽ tiếp tục tăng cao hơn. Về lợi nhuận, công ty luôn chủ trương thận trọng nên các kế hoạch chỉ xây dựng với căn cứ giá heo hơi ở mức 58.000 đồng/kg. Với mức giá này, biên lợi nhuận đã phù hợp, nếu giá heo hơi tăng cao hơn thì lợi nhuận của công ty sẽ tích cực hơn đáng kể”, ông Ngô Cao Cường nói.
Thông tin thêm về thị trường chăn nuôi một số quốc gia trong khu vực, BaF Việt Nam cho biết sản lượng heo tại Trung Quốc trong quý 1/2025 đã lần đầu tiên giảm xuống trong 3 năm trở lại đây, chủ yếu do tác động từ việc biên lợi nhuận mỏng kéo dài thời gian qua và dịch bệnh trên vật nuôi. Qua đó, giá heo hơi tại nước này đã phục hồi nhẹ trở lại, đạt 14,94 NDT/kg (khoảng 50.000 đồng/kg) trong tháng 3/2025, tăng 2,5% so với tháng 2/2025.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hiện dự báo sản lượng heo của Trung Quốc trong cả năm 2025 sẽ thấp hơn năm 2024, chỉ đạt 57 triệu tấn và tồn kho heo nái của nước này dự báo sẽ tiếp tục giảm năm thứ 3 liên tiếp.
Trong khi đó, Lào đã được các tổ chức quan sát phân loại là vùng Đỏ khi dịch ASF bùng phát tại một số khu vực chăn nuôi nước này. Nhìn chung, nhu cầu trên toàn cầu cải thiện đã đẩy chỉ số giá thịt heo toàn cầu của FAO trong tháng 2/2025 đạt 118 điểm, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Cạnh tranh bằng năng suất, đưa giá vốn về mức thấp nhất có thể

BaF Việt Nam cho biết đang áp dụng các công nghệ chuồng trại hiện đại, giúp đảm bảo an toàn sinh học và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về lợi thế cạnh tranh của BaF Việt Nam, ông Ngô Cao Cường nhấn mạnh công ty đang sở hữu nhiều lợi thế, như nguồn thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, chi phí hợp lý của công ty mẹ - Tập đoàn Tân Long; đội ngũ kỹ thuật viên kỳ cựu giúp tối ưu hóa vận hành; công nghệ kỹ thuật chăn nuôi hiện đại; con giống cụ kỵ chất lượng cao được nhập từ Pháp, Canada…
Giám đốc Tài chính BaF Việt Nam cho biết giá vốn mảng heo của công ty hiện chỉ ở mức trung bình khoảng 43 - 44.000 đồng/kg, thậm chí một số trang trại đã đạt mức tối ưu vận hành thì giá vốn chỉ ở mức trung bình 37.000 - 38.000 đồng/kg.
Chia sẻ thêm về vấn đề giá vốn và chiến lược cạnh tranh, ông Ngô Cao Cường cho biết, mặc dù chi phí thức ăn chăn nuôi và chi phí heo giống chiếm khoảng 60-70% giá vốn nhưng yếu tố quyết định việc tối ưu giá vốn lại là năng suất sinh sản của đàn heo.

Các trang trại được BaF Việt Nam đưa vào vận hành cũng như tiến hành M&A trong thời gian vừa qua. (Nguồn: BaF Việt Nam)
“Ví dụ, chi phí cho một heo nái mang thai là 5 triệu đồng, nếu đẻ được 4 còn thì giá vốn bình quân là hơn 1 triệu đồng, nếu đẻ được 10 con thì giá vốn xuống chỉ còn khoảng 500 nghìn đồng. Với chất lượng heo cụ kỵ, bố mẹ tốt và kỹ thuật chăn nuôi, một số đàn heo nái của công ty có thể đẻ được 26 - 28 con/lứa, thuộc mức cao kỷ lục toàn ngành”, ông Ngô Cao Cường thông tin.
Giá vốn thấp được xem là lợi thế cạnh tranh vượt trội của BaF Việt Nam trong ngành cũng như trước các đối thủ tiềm tàng có thể gia nhập ngành. Giám đốc Tài chính BaF Việt Nam cũng cho biết nhờ “là người đi sau”, phát triển các hệ thống trang trại sau đợt bùng phát dịch ASF giai đoạn 2020 - 2021 nên hệ thống chuồng trại của công ty được áp dụng các công nghệ tối ưu nhằm kiểm soát an toàn sinh học, từ đó đưa tỷ lệ thiệt hại đàn nuôi do dịch bệnh về mức tối thiểu.
“Nhiều doanh nghiệp vẫn đang sử dụng hệ thống chuồng trại cũ, nếu muốn cải tạo nâng cấp thì sẽ khoản chi phí lớn, chưa kể phải tạm ngưng hoạt động từ 6 - 8 tháng. Trước năm 2020, ai cũng có thể tham gia chăn nuôi nhưng sau đợt dịch bệnh, không phải doanh nghiệp nào cũng dám chấp nhận rủi ro. Một số doanh nghiệp FDI thậm chí hiện còn đang muốn thu hẹp mảng chăn nuôi”, ông Ngô Cao Cường nói.
Cũng theo Giám đốc Tài chính BaF Việt Nam, công ty hiện đang quản lý vận hành hoàn toàn 100% các trang trại, kể cả các trang trại đi thuê (chiếm khoảng 30% tổng số trang trại hiện nay đều được vận hành bởi đội ngũ chuyên gia công ty.
Ngoài ra, BaF Việt Nam đang tiếp tục tối ưu hóa các chi phí hoạt động như chi phí vận chuyển, chi phí lãi vay, chi phí quản lý chung… và lên kế hoạch xây dựng mới 10 - 15 trang trại/năm, cùng với việc M&A thêm các trang trại.
Công ty cũng dự kiến đưa vào hoạt động Nhà máy Thức ăn Chăn nuôi Bình Định (300.000 tấn/năm) vào cuối năm nay hoặc muộn nhất trong quý 1/2026; đồng thời, đang tìm kiếm địa điểm để sớm khởi công thêm 01 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại miền Bắc.