TS. Lê Đạt Chí: Thời cơ hiếm có của Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM

'50 năm đánh dấu một chặng đường phát triển của Việt Nam và để vươn lên một tầm cao mới, để cụ thể hóa kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta cần sớm tận dụng các thời cơ. Trong đó có việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TPHCM', TS. Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM trao đổi với Tạp chí KTSG.

Chọn nền tảng nào?

Trước nguy cơ thương mại toàn cầu biến động khó lường và lâu dài, các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam càng cần gia tăng nội lực, phát huy tiềm lực. Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM được kỳ vọng sẽ mở ra không gian tăng trưởng mới, thúc đẩy tái cấu trúc hệ thống tài chính theo hướng hiệu quả hơn, từ đó, lan tỏa tích cực đến kinh tế TPHCM và cả nước. Thưa ông, liệu chúng ta có thể đi sau về trước?

- TS. Lê Đạt Chí: Hình thành một trung tâm tài chính cho cả nước, khu vực và quốc tế tại TPHCM là tầm nhìn và ước mơ của chúng ta hàng chục năm nay. Đến thời điểm này, sau 50 năm thống nhất đất nước, hơn 30 năm mở cửa nền kinh tế và 20 năm hội nhập với thế giới, Việt Nam đang đứng trước thời cơ hiếm có để biến giấc mơ thành sự thực. Thương mại thế giới ngày nay vừa phải dựa trên nguyên tắc tối huệ quốc – MFN (Most Favoured Nation), vừa phải dựa trên nguyên tắc thuế quan đối ứng (Retaliatory tariffs) và Việt Nam đang có được những lợi thế để gia nhập hai sân chơi lớn này. Một trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp hiện thực hóa lợi thế này.

Muốn vậy, câu hỏi đầu tiên cần trả lời là chúng ta thử hình dung thế nào về trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM?

- Có ý kiến cho rằng, trung tâm tài chính quốc tế cần thực hiện vai trò trong việc trung chuyển vốn vào và ra, nghĩa là cần thiết phải tự do hóa tài khoản vốn. Điều này chỉ đúng một nửa, một nửa còn lại chính là sản phẩm tài chính trên thị trường tài chính là gì để dòng vốn quốc tế vào đầu tư? Ở các thị trường tài chính quốc tế, khi thực hiện giải pháp này thì phải phát triển một thị trường nợ, nhất là nợ chính phủ ngay trong trung tâm tài chính quốc tế. Việt Nam cũng chưa thể sớm hình thành thị trường nợ đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài cho một trung tâm tài chính quốc tế. Do vậy, cách tiếp cận này chưa hợp lý.

Lại có ý kiến đề xuất, trung tâm tài chính quốc tế phải thu hút vốn cho hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, là những lĩnh vực cần vốn giá rẻ, lãi suất thấp, chấp nhận rủi ro cao. Tuy nhiên, lãi suất chung của các ngân hàng trung ương đang tăng, nên vốn giá rẻ để vào các quốc gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hạn chế. Vậy nếu không có dòng vốn này thì trung tâm tài chính có thể phát triển không?

Để đi sau về trước, một luồng ý kiến nhận định, trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam phải phát triển tiền số, tài sản mã hóa, tập trung vào fintech... Đối với fintech, để tạo ra sản phẩm có tính vượt trội, đầu tiên là yêu cầu về chia sẻ dữ liệu từ người dùng đến hệ thống dữ liệu ngân hàng. Luật pháp của Việt Nam bảo vệ quyền sở hữu dữ liệu cá nhân của từng chủ thể, dữ liệu này chỉ được sử dụng trong hoạt động quản lý nhà nước. Ngoài ra, cần cơ sở dữ liệu về không gian mạng, Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Tóm lại, chúng ta nên nhìn thẳng vào các điều kiện và xu hướng thực tế trên thị trường tài chính quốc tế. Sự chuyển đổi của dòng chảy thương mại từ MFN sang thuế quan đối ứng, Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi cho sự thay đổi dòng chảy thương mại toàn cầu từ thuế quan này. Do vậy, Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM cũng nên khởi đầu bằng một cách căn bản, theo truyền thống hình thành của các trung tâm tài chính quốc tế khác trên thế giới.

Một góc TPHCM. Ảnh: Nguyễn Trung Âu

Một góc TPHCM. Ảnh: Nguyễn Trung Âu

Thưa ông, vậy Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM nên được xây dựng trên nền tảng nào? TPHCM đã có đầy đủ điều kiện để phát triển trung tâm tài chính trên nền tảng hay chưa?

- Nhiều trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới ban đầu đều được xây dựng và vận hành dựa vào dòng chảy thương mại. Nói nôm na, để có một trung tâm tài chính quốc tế, nền tảng phải là “trên bến, dưới thuyền”, nghĩa là trên là các tổ chức tài chính, ngân hàng dưới là cảng biển, hàng hóa, tàu thuyền, logistics...

Hiện tại, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đang đối diện với các chính sách thuế quan nhưng quy mô của dòng chảy thương mại toàn cầu sẽ khó giảm thiểu. Việt Nam lại có vị trí địa chính trị thuận lợi, nằm trong luồng trung chuyển hàng hóa đến các thị trường nhờ vào 20 năm hội nhập và đa phương hóa thị trường xuất khẩu.

Dòng chảy thương mại luôn đi liền với dòng chảy tài chính trong thanh toán và tín dụng thương mại. Sự lớn mạnh trong thời gian qua chưa được chú trọng ở khía cạnh trong thanh toán quốc tế khi mà 80% xuất khẩu đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp này thực hiện thanh toán qua các ngân hàng bản địa hơn là các ngân hàng Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tạo dựng một trung tâm tài chính quốc tế đáp ứng cho điều này.

Dự kiến, TPHCM sẽ sáp nhập cùng Bình Dương (trung tâm sản xuất hàng hóa xuất khẩu) và Bà Rịa – Vũng Tàu (có cụm cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải và có thể có thêm cảng nước sâu). Định hướng này càng tạo thêm các điều kiện thuận lợi cho Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM.

Như vậy, TPHCM nên dựa vào lợi thế dòng chảy thương mại để thành lập trung tâm tài chính quốc tế. Từ đó, phát triển thêm các dịch vụ, sản phẩm tài chính như nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm, tái bảo hiểm, fintech, tài chính xanh… khuyến khích đầu tư thông qua việc thiết lập cơ chế tự do dòng vốn vào ra...

Con đường thực hiện giấc mơ

Ông đã đề cập tới “cơ hội hiếm có” để biến Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM thành hiện thực. Phải chăng đó chỉ là việc tận dụng sự gia tăng nhanh chóng của quy mô dòng chảy thương mại?

- Đầu tiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, mặt trái của thặng dư thương mại với Mỹ ngày càng rõ. Việc giảm mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là điều đương nhiên phải làm nhưng không phải là tất cả. Mỹ là quốc gia có ưu thế xuất khẩu dịch vụ. Vì thế, chúng ta có thể đặt ra đề nghị về việc doanh nghiệp Mỹ hỗ trợ, thúc đẩy hình thành Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM.

Nhìn về tương lai xa hơn, cạnh tranh chiến lược các cường quốc có thể còn tiếp tục bị nâng lên tầm mức mới. Một trung tâm tài chính quốc tế ở một quốc gia có đường lối ngoại giao kinh tế thân thiện với tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ trở nên quan trọng hơn. Khi đó, Trung tâm tài chính Quốc tế TPHCM có thể là một hub (trung tâm) của các cường quốc này.

Ông có tin rằng, lần này, chúng ta sẽ hoàn thành được dự định dang dở về một trung tâm tài chính quốc tế hay không?

- 50 năm đánh dấu một chặng đường của Việt Nam và để vươn lên một tầm cao mới, cụ thể hóa kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta phải chớp được tất cả các thời cơ. Trong đó, có việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TPHCM.

Đất nước ta đang thực hiện những chuyển đổi căn bản, tái cấu trúc bộ máy hành chính, sắp xếp lại tỉnh thành, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo dư địa mới cho đầu tư, sản xuất. Dù triển vọng kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự khả quan nhưng cơ hội của một quốc gia đang phát triển như Việt Nam vẫn tương đối rõ ràng. Chúng ta có đội ngũ chuyên gia đủ tâm và tài, có thể tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý con đường tốt nhất để hiện thực hóa giấc mơ Việt Nam.

Khánh Nguyên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ts-le-dat-chi-thoi-co-hiem-co-cua-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tphcm/