Bài 1: Chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên nối hai miền Bắc-Nam sau 30 năm chia cắt

Sau 30 năm chia cắt, tuyến đường sắt Bắc-Nam được khôi phục, nối liền hai miền của đất nước. Chuyến tàu thống nhất đầu tiên mang theo khát vọng hòa bình, niềm vui sum họp sau nhiều năm xa cách.

Với chiều dài 71km nối Sài Gòn với Mỹ Tho, tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam được người Pháp xây dựng vào năm 1881. Đến năm 1936, mạng đường sắt Việt Nam đã được hoàn thành với tổng chiều dài 2.600km.

Cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đem lại hòa bình cho đất nước.

Sau 30 năm chia cắt, tuyến đường sắt Bắc-Nam được khôi phục, nối liền hai miền của đất nước. Chuyến tàu thống nhất đầu tiên mang theo khát vọng hòa bình, hàn gắn và niềm vui sum họp của những người con sau nhiều năm xa cách.

Những năm tháng sau đó, các chuyến tàu chuyên chở hành khách và hàng hóa của ngành đường sắt đã có những đóng góp trong việc phát triển kinh tế-xã hội. Và Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ hiện thực hóa mong ước khát khao “đổi mới” của ngành đường sắt.

Bài 1: Chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên nối hai miền Bắc-Nam sau 30 năm chia cắt

Trong ký ức của những người trong ngành đường sắt, chuyến tàu đầu tiên nối hai miền Bắc-Nam sau ngày giải phóng đất nước năm 1975 luôn hằn sâu trong tâm trí bởi đó là chuyến tàu chở cả khát khao của cả dân tộc, chuyến tàu hòa bình, hàn gắn và sum họp.

50 đã qua đi, nhưng ký ức về thời kỳ khôi phục hạ tầng đường sắt vẫn hiện rõ như vừa mới đây. Hàng vạn cán bộ, người dân, bộ đội đã chung sức, đồng lòng, làm việc bất kể ngày đêm để có thể nối những mối ray cuối cùng cho chuyến tàu thống nhất hai miền.

Sức mạnh đoàn kết để khắc phục hạ tầng chạy tàu

Là người gắn bó cả cuộc đời với ngành Đường sắt, ông Khuất Minh Trí, nguyên Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam vẫn nhớ như in về thời khắc chuyến tàu lịch sử Bắc-Nam nối liền một dải, sum họp một nhà.

“Do hạ tầng đường sắt là mục tiêu của không quân Mỹ đánh phá ác liệt trong thời gian dài nhằm cắt đứt con đường chi viện chiến lược của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nếu so với các loại hình vận tải khác, chuyến tàu hỏa nối hai miền Bắc-Nam chậm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để có được tuyến đường sắt xuyên dải dất hình chữ S hoạt động trở lại, hàng vạn người dân đóng góp công sức, nguyên vật liệu và thi công bám trụ công trường ròng rã, đó chính là sức mạnh đoàn kết và ý chí thống nhất của dân tộc,” ông Trí nói.

Sau khi đất nước thống nhất, theo ông Trí, việc khôi phục tuyến đường sắt Bắc-Nam khu vực phía Nam đã được tiến hành từng bước, trong đó việc sửa chữa cầu Bình Lợi bị sập nhịp giữa được thi công thần tốc trong 10 ngày/đêm để thông tuyến.

 Ngành đường săt sửa chữa khôi phục cầu Mỹ Chánh (Bình Trị Thiên) để thông tuyến tàu Bắc Nam. (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)

Ngành đường săt sửa chữa khôi phục cầu Mỹ Chánh (Bình Trị Thiên) để thông tuyến tàu Bắc Nam. (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)

Ngày 20/5/1975, chuyến tàu đầu tiên đã chuyển bánh từ Sài Gòn đến Biên Hòa. Ngày 20/7/1975, tàu chạy đến Long Khánh. Tiếp đó, đường sắt nhanh chóng tiếp tục được khôi phục từ Nha Trang tới Diêu Trì, Quy Nhơn và Phù Mỹ, Bồng Sơn. Đến cuối năm 1975, đường sắt miền Nam đã khôi phục được 810km và nhiều đầu máy, toa xe.

Để có được tuyến đường sắt xuyên dải dất hình chữ S hoạt động trở lại, hàng vạn người dân đóng góp công sức, nguyên vật liệu và thi công bám trụ công trường ròng rã, đó chính là sức mạnh đoàn kết và ý chí thống nhất của dân tộc.

Xác định đường sắt Bắc-Nam có vai trò trọng yếu để khôi phục hoạt động sản xuất, luân chuyển vận tải hành khách và hàng hóa, ngày 14/11/1975 khi Hội đồng Chính phủ ra quyết định khẩn trương khôi phục đường sắt Bắc-Nam, công trình khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất mới thực sự sôi động từ Nam ra Bắc với sự vào cuộc của tất cả các ngành, của quân và dân dọc tuyến đường.

Để nối liền chiều dài hơn 1.730km đường sắt, ông Trí nhớ lại, trong vòng 9 tháng, đã có 10 vạn cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân dọc tuyến đường sắt đã lên mặt đường để khắc phục sửa chữa; 2 triệu m3 đất đá được đào đắp; một triệu tấn sắt thép được vận chuyển; một triệu thanh tà vẹt được sản xuất; xây dựng mới hơn 20km cầu; đặt mới 660km đường ray; kéo 1.686km dây thông tin và khai thác 70.000m3 gỗ làm đường...

 Công nhân đội cầu 761 và 757 Xí nghiệp Liên hiệp đường sắt thống nhất thi công cầu Thạch Hãn tuyến đường sắt Thống Nhất (Bình Trị Thiên, 7/76). (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)

Công nhân đội cầu 761 và 757 Xí nghiệp Liên hiệp đường sắt thống nhất thi công cầu Thạch Hãn tuyến đường sắt Thống Nhất (Bình Trị Thiên, 7/76). (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)

Trực tiếp tham gia chiến dịch khôi phục đường sắt Bắc-Nam và là đại biểu đi trên chuyến tàu lịch sử đầu tiên nối hai miền Nam-Bắc sau ngày thống nhất đất nước, ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Đại đội phó Tự vệ, Tiểu đoàn Tự vệ đường sắt thuộc Tổng cục Đường sắt được giao nhiệm vụ tham gia khắc phục đoạn từ cầu Tiên An qua sông Bến Hải đến đầu đường 9, Quảng Trị.

Để nối liền chiều dài hơn 1.730km đường sắt, trong vòng 9 tháng, đã có 10 vạn cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân dọc tuyến đường sắt đã lên mặt đường để khắc phục sửa chữa.

“Đơn vị được giao nhiệm vụ chủ yếu đào hố, móng để thi công trụ cầu. Do đó, anh em dựng luôn lán trại ngay tại công trường để sinh hoạt, ăn ngủ. Thời tiết tại Quảng Trị vô cùng khắc nghiệt với những cơn gió Lào hầm hập thổi sà vào mặt người nên rất khó chịu. Ăn uống cũng rất kham khổ khi lương thực thực phẩm cực kỳ khan hiếm. Nhiều bữa chỉ có vài hạt lạc rang và bát canh rau muống,” ông Quang bồi hồi nhớ lại.

 Ngành đường săt sửa chữa khôi phục hư hỏng tuyến đường sắt Thống Nhất do chiến tranh tàn phá. (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)

Ngành đường săt sửa chữa khôi phục hư hỏng tuyến đường sắt Thống Nhất do chiến tranh tàn phá. (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)

Để tránh cái nắng như thiêu như đốt của miền Trung, đơn vị thường thức dậy làm việc từ 4h đến 9h sáng. Trưa nghỉ ngơi tránh nắng và đến chiều mát lại tiếp tục ra công trường. Suốt 3 tháng ròng rã bám trụ các cầu dọc tuyến, đơn vị ông đã hoàn thành chiến dịch khôi phục đường sắt.

Giọt nước mắt ngày đoàn tụ, Bắc-Nam sum họp

Theo tài liệu được lưu tại phòng truyền thống Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sau hơn một năm khắc phục, sửa chữa hạ tầng đường sắt, đến ngày 4/12/1976, đúng 10h55, các lực lượng lao động trên công trường xây dựng đường sắt Thống Nhất đã nối mối ray cuối cùng ở Km446+885 đoạn Minh Cầm-Chu Lễ.

Cùng ngày, chuyến tàu kiểm tra và chạy suốt đầu tiên đã xuất phát từ Thủ đô Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh. Và 12h30 ngày 13/12/1976, chuyến tàu hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh đã ra tới Thủ đô Hà Nội và chuyến tàu chở apatit phục vụ nông nghiệp đã xuất phát từ Hà Nội lên đường vào Nam.

Tới ngày 31/12/1976, Chính phủ đã quyết định tổ chức hai đoàn tàu thống nhất xuất phát cùng giờ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành lễ khánh thành thông xe bước 1 đường sắt Thống Nhất chào mừng thành công Đại hội lần thứ IV của Đảng.

 Đoàn tàu Thống Nhất Bắc-Nam đầu tiên đã tiến vào sân ga Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn tàu Thống Nhất Bắc-Nam đầu tiên đã tiến vào sân ga Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)

Vinh dự được chọn là đại biểu chính thức của ngành đường sắt trong số 200 đại biểu ưu tú đại diện miền Bắc đi trên chuyến tàu thống nhất xuất phát tại ga Hà Nội, ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Đại đội phó tự vệ, Tiểu đoàn Tự vệ đường sắt thuộc Tổng cục Đường sắt nhớ lại thời điểm 7h sáng ngày 31/12/1976 trên sân ga Hà Nội đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể đầy cảm động chào mừng và tiễn đoàn tàu thống nhất Bắc-Nam xuất phát.

Sau hành trình với 80 giờ lăn bánh, ngày 4/1/1977, đoàn tàu Thống Nhất Bắc-Nam đầu tiên đã tiến vào sân ga Sài Gòn trong sự chào đón, mừng vui của đông đảo cán bộ, người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

“Đoàn tàu đi vào có hơn 200 đại biểu. Trên đoàn tàu là cán bộ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, có những chiến sĩ bộ đội từng chiến đấu ở miền Nam, giờ lại ngồi chung nên nhiều cảm xúc khác nhau. Trên suốt hành trình, mỗi lần tàu dừng lại thì có các địa phương tổ chức đón tiếp rất trang trọng. Người dân địa phương với cờ, hoa vẫy tay chào đón đoàn tàu khiến những người có mặt trên chuyến tàu đó cảm thấy vui sướng,” ông Quang chia sẻ.

Sau hành trình với 80 giờ lăn bánh, ngày 4/1/1977, đoàn tàu Thống Nhất Bắc-Nam đầu tiên đã tiến vào sân ga Sài Gòn trong sự chào đón, mừng vui của đông đảo cán bộ, người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tàu vừa dừng, những cái ôm, những giọt nước mắt ngày đoàn tụ, niềm vui sum họp của những người con sau nhiều năm xa cách được trở về nhà.

 Đông đảo người dân chào đón đoàn tàu Thống Nhất. (Ảnh: TTVN)

Đông đảo người dân chào đón đoàn tàu Thống Nhất. (Ảnh: TTVN)

Từ sau khi chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên khởi hành trên tuyến đường sắt Bắc-Nam vào năm 1976, đến nay, ngành đường sắt đã có những bước đổi mới, rút ngắn hành trình 2 miền còn 33 tiếng.

Đặc biệt, thời gian tới đây, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được đầu tư xây dựng sẽ có thời gian hành trình Bắc-Nam khoảng 5,3 giờ (nếu dừng ở 5 ga). Tàu dừng đan xen ở 23 ga, thời gian hành trình Bắc-Nam khoảng 6,6 giờ./.

Bài 2: Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Công trình mang biểu tượng của kỷ nguyên vươn mình

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bai-1-chuyen-tau-thong-nhat-dau-tien-noi-hai-mien-bac-nam-sau-30-nam-chia-cat-post1035190.vnp