Bài 1: Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn 'khát' vốn

LTS: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn trên tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Đây là nhóm đối tượng được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo ngành Ngân hàng cần có sự ưu tiên hỗ trợ tài chính.

Mặc dù vậy, đây là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương, nhiều doanh nghiệp thiếu các điều kiện vay vốn cơ bản, hoặc chỉ số rủi ro cao dẫn đến khó tiếp cận vốn. Theo đó, việc tìm ra các giải pháp để “khơi thông” vốn tới nhóm đối tượng này cần được tiếp cận từ nhiều phía. Các chính sách vốn cho doanh nghiệp cần đa dạng, linh hoạt hơn. Đồng thời, bản thân doanh nghiệp cũng cần đáp ứng những yêu cầu mới trong việc nâng cao năng lực quản trị.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tỷ trọng tới 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế và phần lớn các doanh nghiệp này có nhu cầu vốn rất lớn. Trong đó, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đang rất cần “năng lượng” cho giai đoạn thiết lập các nền tảng kinh doanh.

Tuy nhiên, đây lại là những doanh nghiệp yếu thế trong việc huy động vốn trực tiếp, do phần lớn đều là các công ty nhỏ, chưa niêm yết, chưa thể huy động vốn từ các kênh trên thị trường chứng khoán...

Thế khó từ bối cảnh chung

Nền kinh tế nửa đầu năm 2023 và dự báo cuối năm vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, trong đó có nhiều yếu tố khách quan từ bên ngoài. Tình hình cụ thể cho thấy, kinh tế thế giới đang tiếp tục đối mặt với những thách thức chính như xung đột chính trị dai dẳng. Ngân hàng trung ương nhiều nước duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát…

Bên cạnh đó, sự sụp đổ của một số ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sỹ, rủi ro tài chính - tiền tệ trong tầm kiểm soát song vẫn ảnh hưởng tới niềm tin của người dân và nhà đầu tư; biến đổi khí hậu với thời tiết khắc nghiệt, cực đoan cản trở đà phục hồi kinh tế của các nước.

Ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, các dự báo gần đây nhất về kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đều cho thấy cái nhìn ít lạc quan hơn.

Về triển vọng, các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD,... nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 ở mức khoảng 2,1% (theo WB), 2,7% (theo OECD), 2,8% (theo IMF), trước khi phục hồi tăng khoảng 3% năm 2024.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn cầu được dự báo giảm từ mức 6,4% năm 2023 (năm 2022 ở mức 7,6%) xuống khoảng 4,4% năm 2024 (theo WB), song vẫn còn cao so với lạm phát mục tiêu của hầu hết các nước (khoảng 2%). Về thương mại, theo WB (6/2023), thương mại thế giới năm 2023 và 2024 dự báo tăng trưởng lần lượt khoảng 1,7% và 2,8% (so với mức tăng 6% năm 2022). Điều này cho thấy nhu cầu hàng hóa thế giới đang bị thu hẹp đáng kể. Về FDI, dự báo dòng vốn FDI sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023, sau khi sụt giảm 12% năm 2022.

Với bối cảnh kinh tế như trên, ông Thành dự báo kinh tế Việt Nam có thể chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 5 - 5,5%, rất khó đạt được mục tiêu 6%. Theo đó, những khó khăn trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Theo chia sẻ của Hiệp hội DNNVV, doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa...

Khó tiếp cận các nguồn vốn

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,73% so với đầu năm (đến nay giảm về mức khoảng hơn 4%), tương đương với cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn nhiều cùng kỳ của các năm còn lại trong giai đoạn 2018-2022. Trong đó, dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so với cuối năm 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với DNNVV đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, kênh huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp vẫn bị thu hẹp (do thị trường cổ phiếu phục hồi chậm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục trầm lắng...

Phân tích về lý do các DNNVV vẫn còn khó tiếp cận vốn ngân hàng, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho biết, có 4 nguyên nhân chính khiến tín dụng ngân hàng tăng thấp. Nguyên nhân thứ nhất là do bối cảnh chung rủi ro, thách thức hơn, nợ xấu gia tăng khiến các tổ chức tài chính trên thế giới và cả Việt Nam trở nên thận trọng hơn.

Thứ hai là khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của bên vay ở mức thấp hơn (do năng lực tài chính suy giảm, giá trị tài sản bảo đảm (nhất là bất động sản) bị giảm.

Thứ ba là năng lực hấp thụ vốn, nhu cầu vay vốn của cả doanh nghiệp và hộ gia đình ở mức thấp.

Một lý do nữa là một số lĩnh vực lâu nay dựa nhiều vào vốn ngân hàng hay trái phiếu doanh nghiệp đang suy giảm như bất động sản, công nghiệp, dịch vụ khác và vay tiêu dùng đã bị tác động do những chuyển biến của thị trường thời gian gần đây.

Lãi suất giảm cần đi kèm các yếu tố khác

"Lãi suất cho vay giảm nhưng cũng cần đi kèm với năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp được cải thiện, đơn hàng của doanh nghiệp gia tăng, cơ hội thị trường, cơ hội kinh doanh, đầu tư xuất hiện nhiều hơn, đa dạng hơn, hay các yếu tố khác ví dụ như nguồn cung của thị trường nhà ở, dịch vụ nhà ở được cải thiện" - TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-1-doanh-nghiep-nho-va-vua-van-khat-von-132981.html