Bài 1: Khi thóc còn trong kho

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Khương lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định đến năm 2025, Mường Khương sẽ ra khỏi diện huyện nghèo. Để đạt mục tiêu này, nhiệm vụ quan trọng mà Mường Khương phải dồn sức thực hiện là giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của 5/10 xã nghèo nhất tỉnh.

Để Mường Khương sớm ra khỏi diện huyện nghèo

“Khi vẫn còn thóc, còn ngô trong kho, người dân vùng cao thấy yên tâm, bằng lòng, không có tư duy, tư tưởng tích lũy tài sản, vươn lên làm giàu. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo ở 5 xã vẫn rất cao” - đồng chí Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Khương nhận định.

Ra ngõ gặp… hộ nghèo

Mường Khương nằm trong danh sách những huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Trong danh sách 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Lào Cai, Mường Khương góp tới 5 xã là Tả Ngài Chồ, Dìn Chin, Tả Thàng, La Pan Tẩn và Lùng Khấu Nhin. Nếu nói vui, khi đến 5 xã vùng cao này thì chỉ cần ra ngõ là gặp… hộ nghèo.

Cuộc sống của người dân xã Tả Thàng còn nhiều khó khăn.

Cuộc sống của người dân xã Tả Thàng còn nhiều khó khăn.

5 xã nghèo của huyện Mường Khương có điều kiện tự nhiên phức tạp, địa hình chia cắt, độ dốc lớn tạo nhiều khe sâu, xen kẽ là các dải thung lũng hẹp. Điều kiện tự nhiên gây nhiều khó khăn trong việc tổ chức sản xuất cũng như đầu tư hạ tầng, giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các địa phương trong vùng. Khí hậu tại các xã này có tính chất cận nhiệt đới, mùa đông lạnh, kéo dài, có những tháng nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Lượng mưa trung bình năm khá cao nhưng phân bố không đều, thường khô hạn vào mùa khô gây nhiều trở ngại cho phát triển sản xuất, một số xã có hiện tượng “sa mạc hóa”.

Tại 5 xã này, 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập chính đều từ sản xuất nông nghiệp. Bà con vẫn sản xuất theo tập quán cũ, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật hạn chế, lao động chưa được đào tạo. Mỗi năm, nguồn thu nhập chính của người dân chỉ từ 1 vụ ngô, 1 vụ lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của gia đình. Chăn nuôi gia súc lớn là một thế mạnh của vùng cao nhưng người dân địa phương chỉ nuôi để lấy sức kéo, chưa theo hướng phát triển hàng hóa. Trong khi đó, công tác quy hoạch sản xuất còn hạn chế, chưa xác định được thế mạnh của địa phương để khai thác hiệu quả; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa đúng, chưa trúng nên sản phẩm sản xuất ra không đáp ứng được yêu cầu thị trường; thiếu cơ chế tiêu thụ, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, trên địa bàn các xã này rất thiếu công trình giao thông kết nối và giao thông phục vụ sản xuất; các công trình hạ tầng thiết yếu khác như thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, cấp điện… đã được đầu tư theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhưng mới ở mức tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ đời sống và sản xuất của Nhân dân.

Một trong những điểm chung lớn nhất của 5 xã vùng cao này là tỷ lệ hộ nghèo rất cao, chiếm trên 20%; thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 20 triệu đồng/người/năm. Đây cũng là 5 xã được nhận định là “lõi nghèo” của huyện nghèo Mường Khương.

Dù đã xác định được “lõi nghèo” nhưng những năm qua, công tác tuyên truyền phát triển kinh tế và giảm nghèo ở địa phương vẫn hình thức, chung chung, chưa làm chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý thức vượt khó, tự vươn lên của người dân. Bên cạnh đó, một số chính sách đặc thù của tỉnh, huyện ban hành nhưng người dân khó tiếp cận, thủ tục, quy trình phức tạp. Ngân sách trung ương phân bổ không nhiều, dàn trải trong khi nguồn lực của tỉnh, của huyện còn hạn hẹp, có thể ví như “một chậu nước nhỏ đổ xuống mặt sân khô”, không đủ làm dịu “cơn khát” nguồn lực của những xã đang rất nghèo.

Khó thay đổi tư tưởng

Nằm trong nhóm 5 xã nghèo của huyện, Tả Ngài Chồ có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 27,8% và hộ cận nghèo hơn 10%. Theo đồng chí Sùng Seo Sà, Chủ tịch UBND xã Tả Ngài Chồ, cái nghèo của người dân Tả Ngài Chồ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cốt lõi nhất là tư tưởng, quan niệm cũ, chưa thoát ly được thói quen sản xuất cố hữu. 20 năm trước, người dân trồng 1 vụ ngô, 1 vụ lúa/năm, đến bây giờ cũng vẫn trồng 1 vụ ngô, 1 vụ lúa/năm. Việc thay đổi giống, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng chỉ góp phần tăng năng suất, giải quyết được vấn đề lương thực. Trong khi đó, sản xuất ngô, lúa vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ông trời, nghĩa là đợi mưa xuống thì cấy lúa, năm nào hạn thì không thể gieo cấy. Một số người, nhất là những người trung niên vẫn có tư tưởng sản xuất tự cung, tự cấp, đủ ăn là đã hài lòng với cuộc sống, không có ý chí thoát nghèo, cũng không có tư tưởng thoát ly lối sản xuất cũ. Đó là những gánh nặng khiến nhiều hộ không thể thoát nghèo.
Cũng theo đồng chí Sùng Seo Sà, người dân vùng cao Tả Ngài Chồ đã được tuyên truyền, tập huấn rất nhiều về chuyển đổi sản xuất để nâng cao thu nhập với những cây trồng, vật nuôi chủ lực, nhưng rất ít hộ thay đổi. Một ví dụ điển hình là việc đưa cây quýt vào canh tác trên địa bàn xã. Ban đầu, xã đã vận động, tuyên truyền nhưng người dân không đồng tình, thậm chí nhiều người phản đối rằng: Trồng cây này để làm gì? Nếu không thành công thì lấy gì mà ăn?
Để người dân tin tưởng, thay đổi tư duy sản xuất thì những mô hình trồng quýt được những người như trưởng thôn, đoàn viên, thanh niên thực hiện trước. Mô hình trồng quýt đầu tiên cho thu hoạch, 1 vụ mang lại thu nhập bằng 4 vụ ngô, bà con mới dè dặt học theo, chuyển đổi dần. “Tư tưởng không thể thoát ly cây lúa, cây ngô, hài lòng khi đủ ăn là lối suy nghĩ cần có thời gian dài để thay đổi. Muốn vậy phải xây dựng những mô hình thực tế, người thật, việc thật, khoảng 5 năm nữa, người dân nơi đây sẽ thay đổi rất nhiều về tư duy sản xuất”, Chủ tịch UBND xã Tả Ngài Chồ khẳng định.

Cách thức tổ chức, tư duy sản xuất và tư tưởng phấn đấu thoát nghèo cũng là “chìa khóa” mở cánh cửa “tấn công vào lõi nghèo”. Theo phân tích của Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng, điều kiện tự nhiên của 5 xã nghèo này là trở ngại nhưng đây không phải lý do chính, nguyên nhân lớn nhất vẫn là tâm lý, tư tưởng không dám thay đổi, không tự vươn lên của những hộ nghèo. Muốn thoát nghèo thì chính những người nghèo phải có tư duy làm giàu, đấy là yếu tố quyết định. Tư tưởng bình quân chủ nghĩa, hài lòng với hiện tại sẽ kéo tụt sự phát triển chung của toàn huyện. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền huyện trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 là giải quyết được “vùng trũng”, quyết tâm đưa Mường Khương thoát khỏi huyện nghèo. Muốn giải quyết được vấn đề đó, trước tiên phải xóa được “lõi nghèo” ở 5 xã đặc biệt khó khăn này. Mường Khương xác định “nghèo là giặc, mà giặc thì phải tiêu diệt” - Bí thư Huyện ủy Mường Khương nhấn mạnh.

Bài cuối: Huy động cả hệ thống chính trị

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/213307-bai-1-khi-thoc-con-trong-kho