Quy hoạch tỉnh mở ra vận hội mới cho tỉnh Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững

Tỉnh Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và phía Đông giáp Biển Đông; với đường bờ biển dài 75 km, đường biên giới dài 187,864 km, có 2 cửa khẩu quốc tế là Lao Bảo và La Lay; là điểm đầu trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, nối với Lào - Thái Lan - Myanmar qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và là cửa ngõ ra Biển Đông của các nước trong khu vực; Quảng Trị có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

LÊ QUANG TÙNG - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị

Cùng với cả nước, Quảng Trị bắt đầu xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn 2021 - 2025 được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Với quan điểm quy hoạch là yếu tố rất quan trọng để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và tạo lập không gian sống; quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải tổng thể, toàn diện, có tính định hướng và phải bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh của các địa phương trong vùng nhằm tạo tiền đề để tỉnh phát triển nhanh, bền vững; việc hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là cơ sở, tiền đề, điều kiện đánh thức tiềm năng, dư địa, lợi thế, tạo bước đột phá, mở ra tầm nhìn, vận hội mới cho Quảng Trị trong tiến trình phát triển của tỉnh với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, địa phương để triển khai lập Quy hoạch tỉnh. Bên cạnh lựa chọn được đơn vị tư vấn có chất lượng, kinh nghiệm trong nước, tỉnh đã lựa chọn các đơn vị tư vấn quốc tế có kinh nghiệm và năng lực lập quy hoạch tham gia lập quy hoạch nhằm xây dựng được Quy hoạch tỉnh với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển, phù hợp với yêu cầu của nhà đầu tư; kết hợp hài hòa kinh nghiệm quốc tế với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Tỉnh Quảng Trị đã lựa chọn hợp tác với tổ chức Singapore Cooperation Enterprise để xây dựng “Báo cáo nghiên cứu định vị kinh tế cấp cao tỉnh Quảng Trị”; hợp tác với Sakae Advisory - Surbana Jurong xây dựng “Ý tưởng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Tổ chức AVSE Global để tham gia phản biện Quy hoạch tỉnh...

Đây là các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và uy tín quốc tế, với kỳ vọng được lựa chọn hợp tác tham gia giúp tỉnh định hình được bức tranh phát triển kinh tế - xã hội được bố trí cân xứng, hài hòa cả trong tỉnh và khu vực, nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả, bền vững của tỉnh Quảng Trị.

Thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh ngày càng khang trang, hiện đại - Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ

Thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh ngày càng khang trang, hiện đại - Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ

Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1737/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với những định hướng lớn được xác định tại Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị, đây là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển.

Với mục tiêu xuyên suốt đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ vào năm 2030; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á; đời sống Nhân dân được cải thiện và nâng cao. Phấn đấu đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; quốc phòng- an ninh được bảo đảm, Nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.

Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 8,2%/năm. Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp chiếm khoảng 10,5%; phi nông nghiệp chiếm khoảng 84,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 140-170 triệu đồng/năm.

Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 434 nghìn tỉ đồng. Tỉnh thuộc nhóm khá của cả nước về Chỉ số chuyển đổi số (DTI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và ngày càng nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Để hiện thực hóa được các mục tiêu nói trên và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch tỉnh đã đề ra 4 khâu đột phá, đó là:

Khâu đột phá thứ nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ để tạo điều kiện phát huy các tiềm năng phát triển của tỉnh. Trọng tâm là đầu tư xây dựng mới Quốc lộ 15D; cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; Đường ven biển; Hệ thống băng tải qua biên giới tại Cửa khẩu quốc tế La Lay, kết nối với cảng Mỹ Thủy. Xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị đạt chuẩn sân bay dân sự cấp 4C và quân sự cấp II; nâng cấp cảng Cửa Việt đáp ứng tàu trọng tải 3.000-5.000 tấn; đầu tư xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thủy có quy mô 10 bến, khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 100.000 tấn.

Khâu đột phá thứ hai là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh năng động của khu vực Bắc Trung Bộ. Phấn đấu đến năm 2025 nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các chỉ số thành phần về chỉ số PCI và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh sẽ được nâng dần vị trí xếp hạng, mỗi năm tăng từ 3-5 bậc, nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành Khá. Đến năm 2030, xây dựng tỉnh Quảng Trị thành tỉnh năng động về môi trường kinh doanh và đầu tư.

Trung tâm huyện đảo Cồn Cỏ -Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ

Trung tâm huyện đảo Cồn Cỏ -Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ

Khâu đột phá thứ ba là thực hiện chuyển đổi số. Đến năm 2030, hoàn thành thực hiện chuyển đổi số ở cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, gắn kết với cải cách hành chính và đô thị thông minh. Thực hiện đổi mới quản trị theo hướng hiện đại để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số. Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển và đổi mới sáng tạo, trong môi trường số an toàn, rộng khắp.

Khâu đột phá thứ tư là chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh, trong đó, nhấn mạnh vào việc tăng cường khả năng phối hợp giữa các bên có liên quan, bao gồm các cơ quan cấp quốc gia, các cơ quan cấp tỉnh; các đơn vị giáo dục - đào tạo và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tạo môi trường sinh sống và làm việc hấp dẫn nhằm thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Từng bước hình thành thị trường lao động cung cấp cho khu vực và Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Cùng với 4 khâu đột phá, Quy hoạch tỉnh cũng xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm để định hướng phát triển cho các ngành, lĩnh vực, địa phương trên địa bàn.

Thứ nhất, xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung vào năm 2030. Trong đó, tập trung phát triển nhà máy điện khí LNG Hải Lăng (1.500 MW), nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Quảng Trị (340 MW), thực hiện chuyển đổi nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 thành nhà máy điện khí LNG; phát triển các cơ sở công nghiệp khí khác tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; phát triển năng lượng điện gió tại Hướng Hóa, Cam Lộ, ven biển, đảo Cồn Cỏ và các vùng tiềm năng; đầu tư các dự án sản xuất khí hydro xanh và khí amoniac xanh; xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, kết hợp cải thiện hệ thống thủy lợi.

Thứ hai, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đặc trưng về lịch sử - văn hóa ở khu vực miền Trung. Xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ chiến tranh, ký ức chiến tranh - khát vọng hòa bình.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, trọng tâm là tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ. Phát triển các sản phẩm du lịch gắn với trung tâm hành hương La Vang; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch cộng đồng tại Hướng Hóa, Đakrông và các địa bàn khác có điều kiện.

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Quảng Trị là nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ ba, phát triển mạnh dịch vụ logistics tại khu vực Cam Lộ, Gio Linh, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và Cửa khẩu quốc tế La Lay; hình thành 12 trung tâm logistics cảng cạn (ICD) với diện tích 267 ha; từng bước xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan; phát triển cảng Mỹ Thủy trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và thế giới.

Thứ tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao dựa trên lợi thế của tỉnh, như ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, thức ăn gia súc, dược liệu, may mặc, da giày... công nghiệp silicat; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến khoáng sản... và ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ khí sửa chữa, lắp ráp điện tử...

Thứ năm, phát triển nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và nông nghiệp sinh thái, hữu cơ trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế từng tiểu vùng sinh thái. Nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Thứ sáu, bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, kết hợp khai thác, phát huy các giá trị sinh thái đặc thù.

Thứ bảy, thực hiện phát triển bao trùm, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ quá trình phát triển. Qua đó, thực hiện tiến bộ xã hội, xóa đói giảm nghèo; chăm lo cho các nhóm yếu thế, các đối tượng chính sách.

Thứ tám, củng cố quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế; đảm bảo đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Về phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, xác định các tiểu vùng phát triển; các hành lang phát triển và phương án quy hoạch hệ thống đô thị... trong nội dung Quy hoạch tỉnh đã nêu rất đầy đủ, có hệ thống nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện. Để tổ chức triển khai các giải pháp, ngay sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

Tỉnh xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra; đồng thời tập trung thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội dung trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022, của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện 4 khâu đột phá, 8 nhiệm vụ trọng tâm, 4 tiểu vùng phát triển và 6 hành lang phát triển nói trên.

Chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm khơi dậy tiềm năng, động lực, khát vọng phát triển, cống hiến của người dân trong tỉnh. Từ đó, tạo sự thống nhất về ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh đó, cần triển khai các nhiệm vụ để từng bước cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh trong thực tiễn; đồng thời tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại như các dự án hạ tầng ưu tiên phát triển đô thị, đường giao thông chiến lược kết nối liên vùng. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, các dự án năng lượng, logistics... theo đúng định hướng quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

Tập trung tháo gỡ, xử lý dứt điểm các “điểm nghẽn”, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với cải cách hành chính; đồng thời đổi mới tác phong, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cho hoạt động giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tích cực đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh.

Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh dựa trên nền tảng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, kết nối số; thu hút các dự án đầu tư đi kèm với nền tảng khoa học - công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy và tầm nhìn mới là sản phẩm được kết tinh từ ý chí, quyết tâm chính trị của lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương, đồng thời là nguyện vọng của người dân tỉnh Quảng Trị. Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng với nỗ lực, quyết tâm cao của hệ thống chính trị và Nhân dân, tỉnh Quảng Trị sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, mở ra vận hội mới, hiện thực hóa mục tiêu Quảng Trị trở thành tỉnh khá của cả nước, là trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung vào năm 2030.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/quy-hoach-tinh-mo-ra-van-hoi-moi-cho-tinh-quang-tri-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-186692.htm