Bài 1: Không bàn giao mặt bằng do chưa đồng thuận với tái định cư

Tại các dự án có vướng mắc trong công tác tái định cư (TĐC), nhiều trường hợp người dân đã nhận tiền bồi thường đất ở, tháo dỡ nhà, vật kiến trúc, không còn sinh sống nhưng không bàn giao mặt bằng cho Nhà nước do không đồng thuận với chính sách, địa điểm TĐC (chủ yếu các dự án trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất); hầu hết các trường hợp còn lại đều sinh sống tại nơi ở cũ, nhưng do công trình thi công dở dang nên vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, ngập nước, khó khăn trong sinh hoạt, đi lại do hạ tầng giao thông chưa được kết nối.

Đó là kết quả giám sát thực tế của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi tại các dự án có vướng mắc trong công tác TĐC trong chuyên đề giám sát tình hình thực hiện công tác TĐC trên địa bàn, giai đoạn 2018 - 2022.

Hài lòng với cơ sở hạ tầng, điều kiện tại khu tái định cư

Theo ghi nhận của đoàn giám sát, nhìn chung, công tác TĐC được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, cơ bản bảo đảm theo quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu, nguyên vọng chính đáng của người có đất ở thu hồi. Chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC được rà soát sửa đổi, bổ sung để ngày được hoàn thiện, phù hợp với thực tế địa phương và pháp luật về đất đai. Quan tâm lấy ý kiến người dân về vị trí đầu tư khu TĐC, tổ chức bốc thăm các lô đất TĐC; niêm yết, tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân trong khu vực có đất thu hồi về phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC ít nhất 20 ngày; thẩm định phương án TĐC và thực hiện niêm yết công khai sau khi phương án được phê duyệt… Tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận thông tin, tham gia góp ý, nên nhận được sự đồng thuận của đa số người dân khi TĐC.

Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi giám sát thực tế Dự án Kè khu dân c nam Sông Vệ. Ảnh: Q.T

Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi giám sát thực tế Dự án Kè khu dân c nam Sông Vệ. Ảnh: Q.T

Một số khu TĐC được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ, bảo đảm có đất ở TĐC trước khi có quyết định thu hồi đất; vị trí bố trí các lô đất TĐC phù hợp với nguyện vọng của đa số người có đất ở bị thu hồi. Qua trao đổi trực tiếp với người dân tại các khu TĐC (đã hoàn thành bố trí TĐC, người dân đã xây dựng nhà ở), đa số người dân đều hài lòng với cơ sở hạ tầng và các điều kiện tại khu TĐC; nhà ở được xây dựng khang trang, vệ sinh môi trường bảo đảm, diện mạo các khu dân cư tại đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi. Đời sống vật chất, tinh thần của các hộ dân tại nơi ở TĐC được cải thiện hơn; giao thông kết nối, thuận lợi trong việc đi lại, buôn bán, kinh doanh, sử dụng các tiện ích xã hội.

Bị động, phát sinh nhiều khu dân cư nhỏ lẻ

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đó, vị trí, quy mô các khu TĐC chưa được phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 79/2017/QĐ-UBND9 và nhà ở phục vụ TĐC, được cụ thể trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở, dễ dẫn đến bị động và phát sinh nhiều khu dân cư nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở. Qua thực tế giám sát, khi có dự án đầu tư công cần bố trí TĐC, chủ đầu tư mới khảo sát, lựa chọn vị trí xây dựng khu TĐC, lấy ý kiến người dân và xin chủ trương UBND tỉnh/UBND cấp huyện thực hiện dự án TĐC.

Việc lập, thực hiện dự án TĐC còn chậm ảnh hưởng đến việc bố trí TĐC. Hình thức bố trí TĐC chủ yếu là xây dựng khu TĐC tập trung, một số trường hợp mua suất đầu tư tại một số khu dân cư để thực hiện TĐC; các hình thức TĐC còn lại theo quy định tại Điều 36 Luật Nhà ở/hoặc bồi thường bằng tiền theo quy định của Luật Đất đai ít thực hiện, nên nhiều dự án nhu cầu TĐC dưới 10 lô cũng phải xây dựng khu TĐC. Thực tế này dẫn đến dễ phát sinh các khu dân cư nhỏ lẻ, suất đầu tư cao do phải bảo đảm đồng bộ cơ sở hạ tầng, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, có dự án chỉ thu hồi một phần đất ở, không phải di chuyển chỗ ở nhưng cũng xây dựng khu TĐC tập trung, nên sau khi bố trí TĐC hầu hết đều chưa làm nhà ở tại khu TĐC.

Công tác triển khai thực hiện của nhiều dự án TĐC còn chậm, triển khai xây dựng khi chưa được UBND tỉnh giao đất, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và chưa bảo đảm có đất ở TĐC trước khi thực hiện thu hồi đất. Việc bàn giao cơ sở hạ tầng, bàn giao quỹ đất TĐC (sau khi xây dựng, quyết toán) cho UBND cấp huyện thực hiện chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng khu TĐC và quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất TĐC còn lại. Nhiều Khu TĐC cũ, hạ tầng chưa bảo đảm, xuống cấp, nhất là trên địa bàn KKT Dung Quất nên người dân không lựa chọn TĐC.

Nhiều dự án ban hành quyết định thu hồi đất ở khi chưa có đất ở TĐC, khi chưa đầu tư/chưa hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư, thậm chí phê duyệt phương án TĐC theo quy hoạch chi tiết 1/500. Trong số 36 dự án chưa hoàn thành TĐC, có dự án nhu cầu quỹ đất TĐC dưới 10 lô nhưng nhiều năm chưa hoàn thành TĐC, có dự án gần 10 năm vẫn chưa hoàn thành TĐC.

Kết quả giám sát thực tế cho thấy: tại các dự án có vướng mắc trong công tác TĐC, nhiều trường hợp người dân đã nhận tiền bồi thường đất ở, tháo dỡ nhà, vật kiến trúc, không còn sinh sống nhưng không bàn giao mặt bằng cho Nhà nước do không đồng thuận với chính sách, địa điểm TĐC (chủ yếu các dự án trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất); hầu hết các trường hợp còn lại đều sinh sống tại nơi ở cũ, nhưng do công trình thi công dở dang nên vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, ngập nước, khó khăn trong sinh hoạt, đi lại do hạ tầng giao thông chưa được kết nối.

HẠNH HUYỀN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-1%C2%A0khong-ban-giao-mat-bang-do-chua-dong-thuan-voi-tai-dinh-cu-i355811/