Bài 1: Kim Sơn - đường rộng mở nhờ lòng dân đồng thuận
Năm 2022, tổng chiều dài các tuyến đường giao thông nông thôn xã Kim Sơn (Bảo Yên) thực hiện chiếm 1/4 của toàn huyện Bảo Yên và bằng tổng chiều dài xã đã làm nhiều năm trước đây cộng lại. Lý giải kết quả nổi bật này, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn - Nguyễn Thành Công cho biết, tất cả là nhờ sự đồng thuận của người dân.
Lan tỏa phong trào hiến đất làm đường giao thông
>>> Bài cuối: Mở đường rộng để đẩy lui cái nghèo
Khi lòng dân đã thuận
Đường liên thôn nối từ bản 6AB đi bản Tân Văn dài 2 km vừa được thông tuyến, dù chưa đổ bê tông nhưng đã có nhiều xe qua lại, đặc biệt là các xe chở gỗ rừng trồng, cành lá quế và các loại nông sản. Khác với những tuyến liên thôn giai đoạn trước, tuyến này được mở rộng nền 6,8 m, bởi vậy dù đi qua khu vực đồi núi dốc nhưng các phương tiện vẫn lưu thông dễ dàng. Dọc tuyến đường là những đồi quế, mỡ, bồ đề sắp đến tuổi khai thác và vườn cây ăn quả bạt ngàn.
Như đoán được suy nghĩ của chúng tôi khi nhìn xuống những đoạn đường xẻ vào giữa đồi và vườn cây ăn quả, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Nguyễn Thành Công cho biết, đó đều do người dân hiến đất và tự chặt cây giải phóng mặt bằng phục vụ làm đường. Đây cũng là tuyến được triển khai sớm nhất trên địa bàn xã, bởi ngay từ khi lấy ý kiến, người dân đã ủng hộ, trong đó có gia đình lão nông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Tân Văn hiến đất dọc tuyến với chiều dài gần nửa cây số.
Ông Dũng năm nay ngoài 60 tuổi. Là người dưới xuôi lên sinh cơ, lập nghiệp ở mảnh đất này, ông hiểu giao thông cách trở ảnh hưởng ra sao đến phát triển kinh tế. Gia đình ông Dũng được biết đến là một trong những hộ tiên phong ở Kim Sơn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên khu đất dốc trước đây chỉ toàn lau lách và gỗ tạp đã được gia đình ông cải tạo thành những vạt rừng trẩu, bồ đề xanh thẳm. Đặc biệt, ở khu đất lưng chừng đồi là vườn bưởi, cam bạt ngàn, cho thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Khi đo đạc xác định tuyến để mở đường, riêng đoạn qua vườn đồi của gia đình ông Dũng là hơn 400 m. Ông bảo, hàng trăm cây bưởi đã cho thu hoạch và cả nghìn cây quế đã 4 - 5 tuổi phải phá bỏ, tính ra gần 200 triệu đồng, cũng xót lắm, nhưng mở đường thì mình và bà con cùng được hưởng lợi nên chẳng cần phải suy nghĩ nhiều...
Ông còn kể, những năm qua, khu vực này không có đường ô tô, có hộ muốn bán đồi cây phải dùng trâu kéo từng cây từ đồi xuống đường trục chính, tiền thuê công vận chuyển cũng gần hết tiền đồi cây. Vì thế, dù mất chút đất nhưng đổi lại là có đường to, đẹp hơn.
Cùng với gia đình ông Dũng, 35 hộ có đất ở, đất sản xuất bị ảnh hưởng dọc tuyến đường đã tự nguyện hiến đất làm đường.
Rời thôn Tân Văn, chúng tôi đến thôn 5AB khi đồng bào Tày nơi đây bắt đầu xuống đồng làm đất sản xuất vụ xuân hè. Ở mảnh đất thuần nông này, ruộng lúa là thứ tài sản quý được người dân giữ gìn, vậy mà năm vừa rồi, hàng chục hộ cùng nhau hiến đất ruộng để mở đường.
Vừa đắp lại bờ đất khi phải lùi gần 2 m phục vụ mở đường, ông Lâm Văn Tuyên bảo: Gia đình có khoảng 80 m đất ruộng, đất vườn và nhiều diện tích ao cá chạy dọc tuyến đường bị ảnh hưởng, nhưng tôi không lấy một đồng bồi thường nào. Việc này chẳng có gì đáng kể vì ở đây nhà nào cũng hiến, làm được đường rộng, to đẹp thế này ai cũng thích…
Có đường lớn mới nghĩ được việc lớn
Hiến đất làm đường ở Kim Sơn đã trở thành phong trào, lan tỏa hầu khắp các thôn, bản. Qua đồi xẻ đồi, qua đồng đắp đất, những tuyến đường liên thôn ở Kim Sơn như mạch sống lan đến từng khu dân cư mà không có lực cản bởi người dân đều đồng thuận...
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND xã còn kể thêm nhiều câu chuyện về những hộ xung phong hiến đất làm đường. Ví dụ như một số hộ đề nghị xã điều chỉnh tuyến đường qua giữa ruộng nhà mình để đường được thẳng, sau này đi lại thuận tiện hơn; có hộ không hiến đất nhưng sẵn sàng cho tổ thi công lấy đất, đá nhà mình để đắp đường; có cả những hộ sẵn sàng bỏ kinh phí hỗ trợ hộ khó khăn hơn để giải phóng mặt bằng nhanh…
Kim Sơn là xã vùng 3 của huyện Bảo Yên, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Xã có nhiều tiềm năng về phát triển nông - lâm nghiệp, đồi núi thấp, lại có dải đất phù sa ven sông Hồng màu mỡ, nhưng lực cản lớn nhất là giao thông. Với địa bàn rộng, xã có 17 thôn, bản nhưng kết nối liên thôn rất hạn chế. Bởi vậy, trong giai đoạn này, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xác định phải tranh thủ mọi nguồn lực tập trung phát triển giao thông. Chủ trương đưa ra và được người dân đồng thuận nên nhanh chóng đi vào cuộc sống. Năm 2022, xã gặp khó khăn do nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia cấp về muộn, tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn, xã đã hoàn thiện các thủ tục và vận động người dân hiến đất để triển khai 54 tuyến đường trải đều khắp các thôn, bản, với tổng chiều dài 52,889 km, trong đó người dân hiến khoảng 16 ha đất làm đường.
Ngoài việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân hiến đất mở đường, xã Kim Sơn cũng linh hoạt tìm giải pháp hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng nhiều khi làm đường, như hỗ trợ một phần diện tích cây cối, hoa màu bị mất, tạm thời cho mượn đất 5% của xã để canh tác, vận động doanh nghiệp hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ mất nhiều đất sản xuất...
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thành Công cho biết thêm, theo kế hoạch giải ngân vốn thì chậm nhất là trong quý II/2023, tất cả các tuyến đường này sẽ được đổ bê tông. Khi ấy, các tuyến đường liên xã, liên thôn kết nối sẽ trở thành hệ thống giao thông liên hoàn.
Kim Sơn giờ đã thoát khỏi cảnh “ốc đảo” khi tuyến đường kết nối Phố Mới - Bảo Hà hoàn thành, tới đây nữa là cây cầu nối Kim Sơn với Cam Cọn - nơi đặt sân bay Sa Pa - sẽ mở toang cánh cửa để Kim Sơn phát huy tiềm năng, thế mạnh. Việc mở các tuyến đường liên thôn cũng là một cách để khơi dậy nguồn lực, sẵn sàng đón những cơ hội phát triển. Có đường lớn rồi thì những định hướng về phát triển vùng nông nghiệp hàng hóa, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi sẽ trở thành hiện thực. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thành Công nói: “Phải có đường lớn mới nghĩ lớn được”.
Năm 2022, UBND xã Kim Sơn đã khen thưởng 150 hộ và đề xuất cấp trên khen thưởng 3 hộ. Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã đã đến trao thư cảm ơn các hộ hiến đất và tài sản trên đất.