BÀI 1: Lắng nghe tiếng nói từ nhân dân

Những năm qua, HĐND cấp tỉnh và huyện của Tiền Giang có nhiều đổi mới với nhiều cách làm hay, sáng tạo, bám sát 'hơi thở' cuộc sống, thể hiện rõ vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, hỗ trợ UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân.

Là người đại biểu dân cử, những năm qua, nhiều đại biểu HĐND từ tỉnh đến huyện đã luôn gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về trách nhiệm của người đại biểu. Qua đó góp phần cùng chính quyền giải quyết những vấn đề còn bức xúc trong dân, tạo được niềm tin của người dân.

ĐIỂM SÁNG TỪ MÔ HÌNH TIẾP DÂN TẠI NƠI ỨNG CỬ

Cái Bè là huyện đầu tiên của tỉnh Tiền Giang thực hiện hoạt động tiếp dân tại nơi ứng cử. Xác định công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) là nhiệm vụ quan trọng, năm 2022, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND huyện Cái Bè, cũng như cấp xã đã thực hiện nghiêm túc công tác này trên địa bàn huyện. Trên cơ sở quy định của pháp luật, Thường trực HĐND huyện Cái Bè đã ban hành Nghị quyết về quy chế tiếp công dân trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo đó, năm 2022, Thường trực HĐND huyện ban hành Kế hoạch 54 ngày 15-6-2022 về việc tiếp công dân trong năm 2022, trong đó có nội dung tiếp công dân của đại biểu HĐND huyện tại nơi ứng cử. Đây là lần đầu trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, đại biểu HĐND huyện tiếp công dân tại nơi ứng cử. Theo đó, Thường trực HĐND huyện đã xây dựng kế hoạch, sắp xếp lịch để đại biểu được tiếp công dân tại nơi ứng cử trước kỳ họp thường lệ giữa năm và trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2022.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang khảo sát thực tế tại Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang khảo sát thực tế tại Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh.

Cụ thể, mỗi Tổ đại biểu được trang bị một sổ theo dõi công tác tiếp công dân và sau mỗi đợt tiếp công dân, từng Tổ đại biểu sẽ chủ động xây dựng văn bản chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền yêu cần giải quyết các vụ việc để trả lời cho công dân. Lịch tiếp công dân của đại biểu HĐND huyện tại nơi ứng cử được đăng tải thông báo trên Trang thông tin điện tử huyện và được thông tin rộng rãi trên Đài Truyền thanh huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở trước 3 ngày để công dân được biết và đến tham dự.

Theo Thường trực HĐND huyện Cái Bè, qua 2 lần tiếp công dân trong năm 2022 tại 23 xã, thị trấn, 12 Tổ đại biểu đã tiếp được 61 lượt công dân với 36 nội dung phản ánh, kiến nghị (không có đơn thư KNTC); năm 2023 đã tiếp được 25 lượt công dân, với 34 nội dung phản ánh, kiến nghị.

Đại biểu HĐND huyện Cái Bè tiếp công dân tại nơi ứng cử.

Đại biểu HĐND huyện Cái Bè tiếp công dân tại nơi ứng cử.

Đề cập về nội dung này, Phó Chủ tịch HĐND huyện Cái Bè Lê Thị Thanh Nhàn cho biết: “HĐND huyện lựa chọn những vấn đề trọng tâm, bức xúc thông qua việc tiếp công dân, xử lý đơn thư KNTC, phản ánh, kiến nghị của công dân để yêu cầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Đối với những vụ việc chậm giải quyết hoặc giải quyết chưa đúng, HĐND huyện đề nghị thủ trưởng các cơ quan có liên quan giải trình rõ ràng và cam kết tiến độ giải quyết. Đối với các vụ việc phức tạp, khiếu nại kéo dài, các cơ quan đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn không đồng ý, HĐND huyện nghiên cứu tổ chức Đoàn giám sát để xem xét và giám sát lại quá trình giải quyết, nâng cao chất lượng, uy tín của người đại biểu dân cử…”.

ĐEO BÁM ĐẾN CÙNG

Với vai trò, trách nhiệm của mình, đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận: Đeo bám, theo dõi, phối hợp ngành chức năng tháo gỡ, giải quyết những bức xúc chính đáng của cử tri. Điển hình như trường hợp hồ sơ đề nghị công nhận Liệt sĩ Lê Văn Son (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) kéo dài hơn 28 năm mới được giải quyết thỏa đáng. Qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy, tại các đợt tiếp xúc cử tri, thân nhân liệt sĩ Lê Văn Son và cử tri xã đề nghị các ngành, các cấp, đại biểu HĐND tỉnh quan tâm xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ cho ông Lê Văn Son, do hồ sơ được lập từ năm 1990, nhưng kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.

Theo đó, lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Tiền Giang đã trực tiếp đến làm việc với UBND xã Tân Mỹ Chánh, trao đổi trực tiếp với thân nhân của liệt sĩ Lê Văn Son cũng như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); HĐND tỉnh cũng tổ chức nhiều cuộc họp rà soát, xem xét giải quyết đối với hồ sơ này; đồng thời, giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp ngành Công an, các ngành liên quan trích lục hồ sơ liệt sĩ Lê Văn Son theo quy định. Thông qua kết quả thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, phiên giám sát kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND tỉnh, đồng thời ý kiến của Ban Văn hóa - Xã hội với lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét, kết quả ông Lê Văn Son được công nhận liệt sĩ vào năm 2019.

Cử tri kiến nghị đến đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang những vấn đề còn bức xúc ở địa phương.

Cử tri kiến nghị đến đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang những vấn đề còn bức xúc ở địa phương.

Hay tại nhiều cuộc họp cũng như tiếp xúc cử tri, cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp xã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh xem xét chi trả thù lao hoặc hỗ trợ một phần tiền công cho cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp xã theo quy định của Trung ương. Sau mỗi lần tiếp xúc cử tri, các đại biểu HĐND tỉnh đều có văn bản đề nghị UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành liên quan xem xét giải quyết. Tuy nhiên, theo Ban Pháp chế và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, trong các nội dung mà UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng vẫn không giải quyết được, việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp xã vẫn không thực hiện được.

Trước thực trạng trên, Ban Pháp chế và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức khảo sát và làm việc tại UBND các huyện Cái Bè, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, TX. Gò Công và TP. Mỹ Tho. Qua khảo sát thực tế cho thấy, theo Quyết định 68/2010 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 58 Hội được công nhận đặc thù và được Nhà nước cấp kinh phí, còn lại 116 Hội thực hiện nhận nhiệm vụ Nhà nước giao được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động và tiền công cho cán bộ Hội theo Nghị định 45 ngày 21-4-2010 của Chính phủ. Thế nhưng, trong thời gian dài, nhiều Hội vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Tiền Giang kiến nghị UBND tỉnh tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện việc hỗ trợ kinh phí Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh theo dõi, hướng dẫn về nghiệp vụ đối với các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện trong triển khai thực hiện việc hỗ trợ kinh phí cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc của UBND cấp huyện, đến năm 2023 hầu hết UBND cấp xã đã cân đối hỗ trợ kinh phí cho Hội cấp xã (kinh phí chi hoạt động Hội cấp xã từ 2 - 3 triệu đồng/năm (tùy loại xã), chi tiền công bình quân khoảng 500.000 - 700.000 đồng/tháng/người).

Trao đổi liên quan đến vấn đề này, nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang Dương Thị Lệ, người đã trăn trở nhiều năm và đeo bám đến cùng vụ việc, chia sẻ: Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cùng với sự hỗ trợ tích cực của Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban đã quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân từ cơ sở, sau bao vất vả cũng đã có kết quả, tuy số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng đã động viên tinh thần anh em cán bộ, nhân viên Hội rất nhiều. Anh em rất phấn khởi, đây cũng là động lực để họ làm tốt hơn công việc của mình trong thời gian tới.

THU HOÀI

(Còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202404/dai-bieu-hdnd-tinh-tien-giang-bam-sat-hoi-tho-cuoc-song-bai-1-lang-nghe-tieng-noi-tu-nhan-dan-1007164/