Theo sát thị trường để điều hành giá phù hợp
Dư địa kiểm soát lạm phát năm 2024 còn rất lớn và trong công tác điều hành giá sẽ phấn đấu đến hết năm 2024, CPI bình quân không vượt quá 4%. Để thực hiện cho đạt mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành vẫn còn nhiều việc phải làm.
Dư địa CPI mỗi tháng tăng khoảng 0,98% - 1,95%
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá, đồng thời trên cơ sở tổng hợp các thông tin đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2024, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,7% - 3,92%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,7 - 3,9%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,8% - 4%.
Kiểm soát lạm phát kỳ vọng
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện công tác truyền thông, thông tin rộng rãi tới công chúng trước khi điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý để tránh các thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, các bộ, ngành, địa phương để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Bộ Tài chính ước tính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 3 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,98% - 1,95% để đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4,0% - 4,5% theo mục tiêu đề ra.
Không chủ quan với tình hình, Bộ Tài chính đã nhận định một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm 2024. Theo đó, đối với giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý thực hiện điều chỉnh giá theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí sẽ tác động làm tăng CPI. Ví dụ, giá điện, giá dịch vụ giáo dục, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh… Giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như giá thịt lợn hơi có thể tăng nhẹ vào dịp cuối năm; giá vàng trong nước tăng cao sẽ tác động đến giá đồ trang sức thuộc nhóm chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ khác…
Ở chiều ngược lại, vẫn có một số yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá, như: Lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát. Một số chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được thực hiện như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ...
Về kịch bản lạm phát, bà Mai Thị Thu Vân - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê có dự báo tương đồng, 3,7% - 3,92%; các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam thấp hơn và khẳng định chắc chắn chúng ta đạt chỉ tiêu lạm phát đề ra trong năm 2024.
Phấn đấu CPI bình quân 2024 không quá 4%
Trên cơ sở kịch bản lạm phát đó, để kiểm soát lạm phát năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Bộ Tài chính đưa ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian còn lại của năm 2024.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành chủ động theo dõi sát diễn biến giá của hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước để kịp thời đưa ra biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt.
Đồng thời, bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu bị hạn chế nguồn cung sau bão, lũ, tăng cường các giải pháp kết nối làm giảm chi phí vận chuyển logistics, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa…
Song song đó, tiếp tục rà soát để thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, thực hiện đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Chỉ đạo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 10 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu mục tiêu đến hết năm 2024, CPI bình quân không vượt quá 4%.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để sẵn sàng các biện pháp quản lý, điều hành giá, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra. Đặc biệt, theo dõi sát diễn biến thị trường để sẵn sàng các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, nhất là bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới, quan tâm đến các hộ nghèo, gia đình khó khăn; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, quản lý tốt tỷ giá….
Phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, trong đó có giá gạo, thịt lợn, rau xanh... Bộ Công thương khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá xăng dầu nhất quán, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp./.