Bài 1: Luồng sinh khí mới trong giáo dục
Theo kế hoạch, tại Phiên họp thứ 25, UBTVQH sẽ tổ chức giám sát chính thức chuyên đề 'Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông'. Đây là chuyên đề giám sát rất quan trọng, được dư luận cả nước rất quan tâm, nhằm đánh giá toàn diện kết quả tổ chức thực hiện, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp, kiến nghị để tiếp tục triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội.
Từ thành thị tới nông thôn, miền núi, từ trường công tới trường tư, từ tiểu học tới trung học, các cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước đang đón nhận luồng sinh khí mới. Áp lực có, lo lắng có, nhưng đầy quyết tâm. Điều này khẳng định những chủ trương đưa ra trong các Nghị quyết của Quốc hội là hoàn toàn đúng đắn.
Tạo chuyển biến căn bản, toàn diện
Thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14, khẳng định tầm quan trọng của sự nghiệp đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói riêng.
Mục tiêu đổi mới lần này là “tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.
Nghị quyết cũng xác định 5 yêu cầu, 7 nội dung và xác định lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Mặc dù diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 (có thời gian phải đóng cửa trường học, chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến), song tới thời điểm này, việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội đã đạt một số kết quả tích cực; nhiều mục tiêu, yêu cầu đã đạt đến, tương đối rõ ràng.
Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018 được đánh giá là xây dựng công phu, nghiêm túc, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt và ban hành Chương trình tổng thể và các chương trình môn học được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thay đổi căn bản từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; xác định rõ 5 phẩm chất và 10 năng lực chủ yếu, cốt lõi cần phát triển đối với học sinh phổ thông; được xây dựng thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến lớp 12). Từ năm học 2020 - 2021, chương trình mới được triển khai trên phạm vi cả nước theo hình thức cuốn chiếu, đến hết năm học vừa qua đã áp dụng với các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10.
Giáo viên thêm động lực, học sinh thêm sáng tạo
30 năm dạy học, như nhiều giáo viên trên cả nước, TS. Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), rất mong chờ, kỳ vọng vào chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu phát triển toàn diện người học. “Với chương trình mới, học sinh đã trả lời được câu hỏi học để làm gì”, TS. Nguyễn Văn Hòa nhận xét.
Thầy Nguyễn Văn Sinh năm nay 65 tuổi, sau khi nghỉ hưu ở một trường công lập tiếp tục giảng dạy tại Trường THPT Quang Trung, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Thầy Sinh cảm nhận đợt đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này “rất hay”, học đi đôi với hành, giáo viên được chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức, định hướng hoạt động học của học sinh…
Mặc dù phải làm việc cật lực vì phương pháp giảng dạy có sự thay đổi rất lớn, nhưng “chúng tôi không coi đó là khó khăn mà là động lực để cố gắng hơn”, cô Tình, giáo viên môn Sinh học, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT Trường THPT Quang Trung (Hưng Yên) Đặng Thị Hồng Gấm khẳng định, giáo viên nhà trường tiếp nhận Chương trình giáo dục phổ thông mới rất hào hứng, vừa mang tâm huyết của tuổi trẻ, vừa mang trách nhiệm của nhà giáo. “Bộ Giáo dục và Đào tạo không yêu cầu đổi mới, giáo viên cũng phải luôn tự đổi mới để hoàn thành trọng trách của mình. Nhưng chương trình mới với nhiều điểm mới tiếp thêm động lực cho giáo viên”.
Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội, Lê Thị Tượng cho biết, học sinh cũng thích thú với chương trình mới, vì các em không phải học kiến thức quá nhiều và được năng động, sáng tạo hơn, phát huy hết khả năng của mình khi các môn học được đánh giá ngang nhau, giỏi âm nhạc, tin học, nghệ thuật vẫn là học sinh giỏi. Việc đánh giá học sinh chuyển dần từ tập trung vào kết quả và xếp loại theo chuẩn kiến thức sang xem xét quá trình học tập, đánh giá sự tiến bộ, khả năng và phẩm chất của học sinh một cách toàn diện.
Sau năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 10, thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng (năm học 2022 - 2023 là Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân) nhận xét, học sinh tự chủ, tự tin và trưởng thành hơn chính các em năm lớp 9 cũng các anh chị lớp 10 năm trước. “Học ít áp lực hơn, nhiều kỹ năng hơn, học sinh hạnh phúc khi đến trường, niềm tin của phụ huynh với nhà trường được củng cố”.
Có thể thấy, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu mang lại chuyển biến tích cực: học sinh hào hứng, tích cực hơn tham gia vào tiến trình học tập; giáo viên được chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch bài giảng và áp dụng phương pháp dạy học phù hợp với trình độ, năng lực của đối tượng học sinh.
Tuy nhiên, đổi mới giáo dục đã khó, đổi mới căn bản, toàn diện càng khó hơn, nhiều vấn đề đã và đang nảy sinh đòi hỏi có đánh giá nghiêm túc, khách quan và toàn diện để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.