Bài 1: Tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận, thụ hưởng chính sách

Những năm qua, mặc dù tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo bền vững, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo… Song để hoàn thành mục tiêu mỗi năm giảm 0,6 - 1,0% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; duy trì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn bình quân chung của khu vực Bắc Trung Bộ… đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp, ngành tỉnh Hà Tĩnh đã tạo mọi điều kiện để các gia đình khó khăn được tiếp cận, thụ hưởng chính sách giảm nghèo bền vững, góp phần vào mục tiêu giảm 0,78% hộ nghèo năm 2023.

Tạo động lực thoát nghèo

Là hộ nghèo của xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, được tiếp cận và thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với mô hình sinh kế bò nái trị giá 10 triệu đồng, bà Phan Thị Huân ở thôn Nam Sơn chia sẻ: Từ ngày chồng mất, cuộc sống vô cùng cơ cực, trong nhà không có gì đáng giá. Nay được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ con bò làm sinh kế, mẹ con tôi vô cùng phấn khởi.

Chung niềm vui như bà Huân, trên địa bàn huyện Lộc Hà còn có hàng nghìn hộ khác cũng được thụ hưởng những chính sách giảm nghèo bền vững trong năm 2023. Theo Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nguyễn Thị Minh, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, nỗ lực của các địa phương, ban, ngành, huyện Lộc Hà đã đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 5% theo nghị quyết HĐND huyện đề ra.

Hay như với gia đình anh Nguyễn Chính Thành - hộ nghèo của xã Thạch Hưng (thành phố Hà Tĩnh), lao động tự do, thu nhập bấp bênh, lại nuôi 3 con nhỏ đi học nên cuộc sống hết sức chật vật. Tháng 9.2023, gia đình anh được hỗ trợ mô hình sinh kế từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với 160 con gà giống và thức ăn cho gà. Nhờ chịu khó chăm sóc nên đàn gà sinh trưởng tốt… “Sự hỗ trợ của các cấp chính quyền đã giúp gia đình tôi cả vật chất lẫn tinh thần để từng bước cải thiện cuộc sống, sớm thoát nghèo”, anh Thành vui mừng chia sẻ.

Cách nhà anh Thành không xa, gia đình ông Trần Đình Tuyết cũng là hộ nghèo được hỗ trợ mô hình sinh kế. Ông Tuyết chia sẻ: Gia đình tôi có 8 khẩu, 2 vợ chồng đều đã 80 tuổi, không có thu nhập, con cái không có việc làm ổn định, các cháu thì đang tuổi ăn tuổi học. Chi phí trang trải cuộc sống đã rất khó khăn nên không có nguồn vốn để sản xuất. Được hỗ trợ mô hình sinh kế như được trao “chiếc cần câu” để chúng tôi có điểm tựa phát triển kinh tế.

Cũng như hộ anh Thành, ông Tuyết, gia đình anh Phạm Quang Đính - hộ cận nghèo của xã Phú Lộc, huyện Can Lộc cũng đã nhận được 65 con gà giống và lượng thức ăn cho gà trong tháng đầu tiên từ dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững), bước đầu đã có hiệu quả. Anh cũng được tập huấn, tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gà… “Quá trình nuôi, tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn về quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh của cán bộ thú y nên tỷ lệ gà phát triển khá cao. Sau 3 tháng, gà đã có trọng lượng trung bình hơn 2,5 kg/con…”, anh Đính cho biết.

Các hộ tham gia dự án được hướng dẫn làm thùng nuôi ong và kỹ thuật nuôi ong. Ảnh: D. Hải

Các hộ tham gia dự án được hướng dẫn làm thùng nuôi ong và kỹ thuật nuôi ong. Ảnh: D. Hải

Còn ông Trương Văn Nguệ (84 tuổi) ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, bị khiếm thị do một tai nạn lao động cách đây hàng chục năm. Vợ ông sức khỏe lại yếu, không thể tham gia việc đồng áng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn… Năm 2023, từ chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết số 72/2022/NQ-HĐND tỉnh về quy định một số chính sách giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, ông Nguệ được hỗ trợ 250.000 đồng/tháng; hỗ trợ 100% tiền sử dụng điện (khoảng 100.000 đồng/tháng). Cả hai ông bà cũng được hỗ trợ tiền đóng BHYT, ngoài ra còn được hỗ trợ sinh kế 80 con gà giống… chúng tôi phấn khởi vô cùng - ông Nguệ chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Võ Tá Cương cho biết: Song song với thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đa chiều, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, tham gia các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình khó khăn; đồng thời, huy động các nguồn lực hỗ trợ người nghèo, người yếu thế vươn lên ổn định cuộc sống…

Phát huy hiệu quả các dự án, tiểu dự án

Theo lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, ngành lao động, thương binh và xã hội đã nỗ lực triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, nhất là chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn… Trong năm 2023, toàn tỉnh đã có 14.527 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với kinh phí hơn 9,9 tỷ đồng; 486.463 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ mua thẻ BHYT, với tổng kinh phí hơn 221 tỷ đồng.

Tỉnh cũng đã huy động hỗ trợ xây dựng 25 nhà văn hóa cộng đồng, hỗ trợ xây dựng mới hơn 2.533 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ thu nhập cho hơn 26.000 lượt thành viên hộ nghèo, người có công với cách mạng, hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị quyết số 72/2022/HĐND ngày 15.7.2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng.

Cùng với đó, từ nguồn kinh phí hơn 100 tỷ đồng của Trung ương và tỉnh, các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Các dự án, tiểu dự án phát huy hiệu quả, tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương… “Kết quả cuối năm 2023, toàn tỉnh có 11.572 hộ nghèo (giảm 2.955 hộ), chiếm tỷ lệ 3,01% (giảm 0,78%); có 12.947 hộ cận nghèo (giảm 2.539 hộ), chiếm tỷ lệ 3,37% (giảm 0,67%) so với cuối năm 2022”, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/bai-1-tao-dieu-kien-de-ho-ngheo-tiep-can-thu-huong-chinh-sach-i375147/