Bài 1: Thành trì vững chắc từ thế trận chiến tranh nhân dân

Chiến tranh nhân dân là một di sản quý báu của dân tộc ta trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, thế trận chiến tranh được Hà Tĩnh triển khai linh hoạt, hiệu quả, giúp địa phương thực hiện tốt vai trò là hậu phương của tiền tuyến miền Nam và tiền tuyến của hậu phương miền Bắc.

Chiến tranh nhân dân là một di sản quý báu của dân tộc ta trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, thế trận chiến tranh nhân dân được Hà Tĩnh triển khai linh hoạt, hiệu quả, giúp địa phương thực hiện tốt vai trò là hậu phương của tiền tuyến miền Nam và tiền tuyến của hậu phương miền Bắc.

XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG 3 THỨ QUÂN

Ngay từ những ngày đầu Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, tỉnh Hà Tĩnh đã quán triệt sâu sắc tư tưởng chiến lược của Đảng về chiến tranh nhân dân - toàn dân đánh giặc, xây dựng thế trận toàn dân vững chắc. Thế trận chiến tranh nhân dân của Đảng đã được tỉnh triển khai rất sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của ta lúc bấy giờ. Tùy theo từng giai đoạn cụ thể, tỉnh có những chủ trương chiến lược khác nhau về xây dựng lực lượng, nhờ đó, thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng vững mạnh, tạo nên thế trận toàn diện, toàn tuyến, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

 Trên điểm trực chiến (Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương - đơn vị anh hùng). Ảnh tư liệu của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Từ Tiện.

Trên điểm trực chiến (Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương - đơn vị anh hùng). Ảnh tư liệu của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Từ Tiện.

Là địa bàn đặc biệt về quân sự, thế trận chiến tranh nhân dân của Hà Tĩnh tập trung vào xây dựng lực lượng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ (DQTV). Hai thứ quân này chính là nòng cốt cho các cuộc chiến đấu tại chỗ. Đầu năm 1965, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hà Tĩnh đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng phục vụ cho công tác phòng không nhân dân. Nếu như trước ngày 5/8/1964, Hà Tĩnh không có một đơn vị bộ đội tập trung nào thì cuối năm 1964, với sự hỗ trợ của Quân khu 4, tỉnh đã khôi phục được Tiểu đoàn 44 (bộ binh) và đến năm 1965, tỉnh đã thành lập được Đại đội pháo cao xạ 37 ly (Đại đội 27 hay còn gọi là Đại đội Bình Định). Đại đội 27 cũng chính là lực lượng nòng cốt để xây dựng các đơn vị bộ đội phòng không của tỉnh sau này.

 Quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 12 máy bay Mỹ trong 45 phút ở trận địa ra-đa rú Nài (Ảnh tư liệu)

Quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 12 máy bay Mỹ trong 45 phút ở trận địa ra-đa rú Nài (Ảnh tư liệu)

Sau trận đầu thắng Mỹ (26/3/1965), tuy quân và dân ta đã bắn rơi 12 máy bay địch nhưng về chiến thuật, kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Để khắc phục, tỉnh ta thành lập Tiểu đoàn Pháo cao xạ 37 ly. Thời gian này, Mỹ không chỉ dùng máy bay không kích mà còn dùng tàu chiến để đánh phá. Chính vì thế, Tỉnh đội còn quan tâm đến xây dựng các đơn vị bộ binh, pháo binh, chuyên môn kỹ thuật và các bộ phận phục vụ chiến đấu đánh máy bay, tàu chiến địch.

Trung tá Nguyễn Huy Tiu - nguyên C trưởng C 442 - pháo mặt đất nhớ lại: “Do yêu cầu của cuộc kháng chiến, tháng 12/1965, đơn vị chúng tôi được thành lập với nhiệm vụ đánh tàu biệt kích của địch ngoài bờ biển các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Sau đó, ngoài nhiệm vụ huấn luyện tại chỗ, chúng tôi còn hợp đồng tác chiến bắn rơi nhiều máy bay địch”.

Từ tháng 5/1965 trở đi, Đảng bộ tỉnh xác định: “Đảm bảo GTVT là nhiệm vụ trung tâm số 1 của Đảng bộ và quân dân Hà Tĩnh” và LLVT là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân làm công tác đảm bảo GTVT. Theo đó, lực lượng bộ đội địa phương ở Hà Tĩnh phát triển rất nhanh. Đến năm 1966, tổng quân số lực lượng bộ đội địa phương trong toàn tỉnh là gần 5.000 cán bộ, chiến sỹ gồm: 6 tiểu đoàn, 5 đại đội pháo mặt đất, 6 đại đội bộ đội địa phương huyện, 1 đại đội thông tin, 1 trung đội vận tải, 1 đại đội trinh sát, 1 đội điện ảnh, 1 đội tuyên truyền văn hóa, 5 kho trạm, 1 bệnh xá.

 Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ bộ đội địa phương Hà Tĩnh chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh tư liệu).

Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ bộ đội địa phương Hà Tĩnh chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh tư liệu).

Giai đoạn này, lực lượng DQTV cũng được chú trọng xây dựng và củng cố về mọi mặt. Các địa phương trong tỉnh đều tiến hành thành lập các trung đội DQTV với các đội trực chiến bắn máy bay Mỹ dưới 3 hình thức: trực thường xuyên; trực không thường xuyên; tay cày tay súng, tay búa tay súng. Lực lượng DQTV trên toàn tỉnh đã được trang bị súng trường, súng trung liên, một số địa bàn xung yếu còn được trang bị súng máy cao xạ 12ly7.

Bà Trần Thị Lan - Tiểu đội phó Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi được trang bị súng trung liên. Trong lần bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ tại khu vực Đèo Ngang (ngày 23/3/1965), chúng tôi phối hợp tác chiến với các lực lượng khác. Mấy tháng sau, Tiểu đội chúng tôi được trang bị thêm súng đại liên và được huấn luyện thêm về kỹ thuật bắn máy bay. Tháng 8/1965, chỉ trong vòng 27 ngày, Tiểu đội đã độc lập bắn rơi 3 máy bay, trong đó có 1 cái rơi tại chỗ. Năm 1970, chúng tôi được trang bị thêm 2 khẩu 12ly7 và được tăng cường huấn luyện, đến năm 1972, chúng tôi vinh dự bắn rơi chiếc máy bay thứ 250 của tỉnh, được Bác Hồ tặng huy hiệu và Hội LHPN Việt Nam tặng lụa”.

 Tiểu đội nữ Kỳ Phương - đơn vị anh hùng, bắn rơi 3 máy bay Mỹ và phối hợp với các lực lượng tiêu diệt thêm 12 chiếc, bảo vệ an toàn các mục tiêu giao thông và trận địa pháo (năm 1968 - 1972). Ảnh tư liệu của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Từ Tiện.

Tiểu đội nữ Kỳ Phương - đơn vị anh hùng, bắn rơi 3 máy bay Mỹ và phối hợp với các lực lượng tiêu diệt thêm 12 chiếc, bảo vệ an toàn các mục tiêu giao thông và trận địa pháo (năm 1968 - 1972). Ảnh tư liệu của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Từ Tiện.

3 thành viên Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương hát cho nhau nghe trong một cuộc gặp mặt tháng 4.

Trong giai đoạn Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại lần thứ 2 bằng không quân, ta đã nhanh chóng kích hoạt thế trận chiến tranh nhân dân để đánh trả. Đến đầu tháng 4/1972, toàn tỉnh có 160 đội trực chiến phòng không của DQTV và 10 đội trực chiến của bộ đội địa phương, 3 tiểu đoàn pháo cao xạ dự nhiệm được trang bị bổ sung 52 khẩu pháo từ 37 đến 57 ly. Các đơn vị này có nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn 283 của Quân khu 4 tạo thành cụm hỏa lực phòng không với quy mô lớn. Các đơn vị dân quân cũng tổ chức cụm phòng không 2-3 xã để hợp đồng tác chiến. Lực lượng pháo binh lúc này có 4 đại đội được trang bị pháo 85 đến 100 ly và một số đội trực chiến của pháo binh dân quân. Toàn tỉnh lúc này còn có 150 đội rà phá bom mìn, các đội cứu sập, cứu thương được kiện toàn lại, toàn bộ DQTV chuyển sang hoạt động thời chiến.

CHIẾN CÔNG LẪY LỪNG TỪ THẾ TRẬN PHÒNG THỦ LIÊN HOÀN

Cùng với xây dựng lực lượng vững mạnh, trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Hà Tĩnh còn xây dựng nên một hệ thống phòng thủ liên hoàn, kiên cố và linh hoạt với nòng cốt là lực lượng DQTV, bộ đội địa phương, kết hợp với các đơn vị chủ lực đóng quân trên địa bàn. Tuyến phòng không nhân dân được tổ chức chặt chẽ từ tỉnh xuống xã, thôn. Các trận địa pháo, súng được bố trí khoa học, tạo nên mạng lưới hỏa lực nhiều tầng, nhiều lớp. Cùng đó, hệ thống hầm hào trú ẩn, giao thông hào được đào dày đặc, nối liền từ nhà dân đến các công sở, trường học, trạm y tế. Nhiều làng xã trở thành “pháo đài” với thế trận phòng ngự 3 chiều: trên mặt đất, trong lòng đất và trên không. Các trận địa nghi binh, trận địa giả cũng được triển khai nhằm đánh lừa máy bay địch, bảo vệ các mục tiêu thật và hạn chế thương vong cho dân thường. Mạng lưới giao thông chiến lược như các tuyến đường tránh, đường nổi, cầu phao, bến vượt sông… được khẩn trương xây dựng và bảo vệ nghiêm ngặt.

 Trận địa dưới chân núi Nài. Ảnh tư liệu

Trận địa dưới chân núi Nài. Ảnh tư liệu

Nhờ xây dựng được thế trận đó mà trong suốt 2 đợt chiến tranh phá hoại của Mỹ, quân và dân Hà Tĩnh đã lập nhiều chiến công vang dậy trời quê, đi vào lịch sử đất nước như những huyền thoại của chiến tranh. Có thể kể đến trước tiên là trận đầu thắng Mỹ 26/3/1965 với thành tích bắn rơi 12 máy bay địch. Thắng lợi đầu tiên này được đánh giá là chiến công của sức mạnh chiến tranh nhân dân, của tinh thần đoàn kết, hợp đồng chiến đấu giữa 3 thứ quân, giữa quân và dân, là thắng lợi của công tác xây dựng ý chí, quyết tâm, tổ chức lực lượng và thế trận chiến đấu, giữa đánh địch và phòng tránh của lãnh đạo chỉ huy địa phương. Đây cũng là chiến công của phương thức tác chiến phòng không, nghi binh nhử địch vào một thế trận đã bày sẵn để tiêu diệt địch.

Trên hành trình tìm lại ký ức, chúng tôi rưng rưng khi nghe lại câu chuyện chiến đấu anh dũng của Anh hùng Dương Chí Uyển từ người con dâu Lê Hoài Thu. Chị Hoài Thu chia sẻ: “Tuy cha tôi đã mất từ lâu nhưng câu chuyện chiến đấu oai hùng, tấm gương quả cảm của ông vẫn luôn là niềm tự hào của con cháu. Tự hào hơn khi chiến thắng đầu tiên này của cha tôi và đồng đội đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần, ý chí đấu tranh của quân và dân ta. Tôi nhớ, cha từng kể rằng, 5 ngày sau, cũng tại khu vực núi Nài và Đèo Ngang, có thêm 4 máy bay phản lực bị bắn rơi, trong đó, quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay thứ 100 của giặc Mỹ trên miền Bắc”.

 Đoàn xe vận tải vượt "túi bom" - Ngã ba Đồng Lộc chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)

Đoàn xe vận tải vượt "túi bom" - Ngã ba Đồng Lộc chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)

Từ tháng 4/1965 đến những năm 1966, 1967, 1968, giặc Mỹ mở rộng đánh phá với quy mô lớn hơn và đánh mạnh vào GTVT. Quân và dân ta cũng đã kịp thời chuyển hướng tổ chức đánh địch. Lực lượng pháo cao xạ địa phương và bộ đội chủ lực bố trí trận địa, vừa chốt điểm, vừa cơ động phục kích đánh địch. DQTV ở các địa phương tổ chức trực chiến, hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội, tạo thành một mạng lưới hỏa lực phòng không ngày càng hoàn chỉnh. Trong giai đoạn này, quân và dân ta trên toàn tỉnh liên tục bắn rơi máy bay địch, những chiến công này đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng tự vệ địa phương; đánh dấu những thành tích vẻ vang của LLVT tỉnh. Trong đó, nổi bật như: chiến công lần đầu tiên bắn rơi máy bay tại chỗ của Đại đội 27 khi chúng bổ nhào đánh phá cầu Cày ngày 19/4/1965; chiến công lần đầu tiên độc lập bắn rơi máy bay địch bằng súng bộ binh của đội trực chiến dân quân xã Sơn Bằng (Hương Sơn); chiến công bắn rơi máy bay và lần đầu tiên bắt sống giặc lái Mỹ của dân quân xã Xuân Viên (Nghi Xuân); chiến công lần đầu tiên bắn rơi máy bay trực thăng H43 trên toàn miền Bắc và bắt sống nhiều giặc lái nhất của quân và dân Hương Khê; ngày 18/8/1966, đội trực chiến quân dân xã Đức Ninh (Đức Thọ) độc lập bắn rơi máy bay Mỹ với 30 viên đạn súng trường, đánh dấu chiếc máy bay thứ 100 bị bắn rơi tại Hà Tĩnh…

 Bức ảnh của nhà báo Phan Thoan chụp o Lai - “o du kích nhỏ” - đang giải giặc lái của máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hương Khê năm 1965. Ảnh tư liệu

Bức ảnh của nhà báo Phan Thoan chụp o Lai - “o du kích nhỏ” - đang giải giặc lái của máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hương Khê năm 1965. Ảnh tư liệu

Năm 1967, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh đánh phá ta trên biển. Để đối phó với chúng, ta đã xây dựng trận địa liên hoàn giữa pháo binh dân quân, pháo binh bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực đánh trả tàu chiến địch, bảo vệ tuyến vận tải biển, đồng thời sẵn sàng đánh bộ binh địch đổ bộ vào đường biển. Cũng trong thời kỳ này, bộ đội pháo cao xạ và các đội trực chiến DQTV ở Hà Tĩnh đã phối hợp chiến đấu chặt chẽ, lập công giòn giã, bắn rơi 16 máy bay địch, bắt sống 2 giặc lái. Đây được coi là thời kỳ 3 thứ quân ở Hà Tĩnh chiến đấu, lập công cao nhất trong chống chiến tranh phá hoại.

Năm 1968, Mỹ quyết tâm đánh phá triệt để mạng lưới GTVT, khống chế toàn tuyến nhằm cắt đứt tuyến giao thông chiến lược Bắc - Nam trên địa bàn Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc trở thành trọng điểm bị bắn phá trên tuyến vận tải Bắc - Nam. Trước tình hình đó, ta tiếp tục phát huy thế trận phòng không nhân dân; triển khai làm hầm hào phòng tránh, triển khai làm trận địa, mục tiêu nghi binh địch; tổ chức các cụm trực chiến bắn máy bay liên xã, trang bị thêm súng 12 ly 7 cho các đơn vị bộ đội địa phương cơ động đón đánh địch; phát triển vận tải Nhân dân, tập trung lực lượng phá bom và thủy lôi… Những chiến công trên trận địa Đồng Lộc và một số địa phương trong tỉnh cùng chiến công của quân dân Quân khu IV đã đánh bại chiến dịch ném bom hạn chế của đế quốc Mỹ, đảm bảo tuyến giao thông chiến lược Bắc - Nam.

 Thông đường cho xe ra tiền tuyến ở Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh tư liệu

Thông đường cho xe ra tiền tuyến ở Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh tư liệu

Bước sang năm 1972, khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại lần II, thế trận liên hoàn lại được ta tiếp tục củng cố. Cùng với triển khai sớm công tác phòng không nhân dân, phát động toàn dân đào hầm hào, hầm trú ẩn ở các vùng trọng điểm, công tác sơ tán được ta tiến hành khẩn trương, kiên quyết. Các trạm quan sát, báo động, công tác ngụy trang nghi binh được chú ý. Dân quân Hà Tĩnh cũng chủ động khẩn trương chuyển nhanh mọi hoạt động sang thời chiến. Nhờ đó, ta đã anh dũng đánh trả các đợt tiến công của địch, các phong trào “tìm địch mà đánh”, “nhử địch vào trận địa”, “mượn chiến trường để lập công”… diễn ra sôi nổi trong các LLVT địa phương. Những chiến công tại địa bàn Hà Tĩnh góp phần cùng quân dân cả nước đánh bại âm mưu chiến tranh phá hoại lần II của đế quốc Mỹ.

Thế trận chiến tranh nhân dân ở Hà Tĩnh thời kỳ chống Mỹ là mô hình mẫu mực về tổ chức, huy động và phát huy sức mạnh toàn dân. Chính từ thế trận ấy, Hà Tĩnh không những trụ vững giữa tâm điểm đánh phá mà còn trở thành hậu phương vững chắc, góp phần quyết định vào thắng lợi của dân tộc vào mùa xuân năm 1975.

Nhóm P.V.

(Còn nữa)

Nhóm P.V

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ky-uc-vang-son-cua-mot-thoi-dan-lua-bai-1-thanh-tri-vung-chac-tu-the-tran-chien-tranh-nhan-dan-post286558.html