Bài 1: Văn hóa tâm linh miền sông nước

Sông Hồng là dòng sông lớn nhất miền Bắc, được coi là dòng sông mẹ, bồi đắp phù sa cho các khu vườn ven sông trải dài từ nơi chảy vào đất Việt là Lào Cai đến hạ lưu là cửa biển Ba Lạt (tỉnh Thái Bình). Từ những bãi bồi phì nhiêu, cư dân khắp nơi đã cùng tụ họp về đây từ buổi dựng nước Văn Lang (theo các dấu tích khảo cổ, nhiều hiện vật được tìm thấy là minh chứng người Việt cổ đã cư trú ở đây từ thời kỳ dựng nước Văn Lang), tạo nên những ngôi làng cổ hàng nghìn năm.

Ăn đời, ở kiếp bên dòng nước mát lành, người Việt từ đời này qua đời khác đã hình thành nên những thói quen sinh hoạt, phong tục tập quán mang dấu ấn của hình sông, dáng nước. Bên cạnh hệ thống văn hóa vật thể phong phú còn là kho tàng văn hóa phi vật thể nhiều màu sắc, là những nhịp điệu, thanh âm phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của cư dân dọc sông Hồng hàng ngàn năm qua.

Lưu giữ dấu tích huyền thoại

Theo dòng chảy của sông Hồng huyền thoại, từ Lào Cai chúng tôi đến với các vùng đất cổ trong những ngày Giêng hai, khi đất trời thấm đẫm hơi xuân, náo nức trong không gian lễ hội.

Điểm đầu dừng chân của cuộc hành trình là vùng đất châu thổ Hưng Yên. Nằm ở tả ngạn sông Hồng, Hưng Yên là trung tâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ (trước đây, người Pháp từng cắm mốc bia đá ghi điểm trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ tại làng Dung, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ). Với vị trí địa lý thuận lợi, địa hình bằng phẳng lại được phù sa màu mỡ bồi đắp bởi hai con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc, lại thêm khí hậu ôn hòa nên Hưng Yên trở thành nơi dân cư đến quần cư sớm và đông đúc, tạo nên những làng quê trù mật.

Trải qua quá trình lịch sử, các thế hệ tiền nhân đã để lại trên đất Hưng Yên hàng nghìn di tích có giá trị, đó là những công trình kiến trúc đình, đền, chùa mang dấu ấn thời gian. Với hệ thống di tích dày đặc và giàu giá trị, Hưng Yên được mệnh danh là “ra ngõ gặp di tích”.

Trong hành trình đến với vùng đất “địa linh nhân kiệt”, chúng tôi may mắn được nhà báo Lê Hiếu, phóng viên Báo Hưng Yên, là người con của mảnh đất văn hiến và cũng là người rất am hiểu về văn hóa nơi đây đưa đường. Anh Hiếu bảo, cùng với hệ thống di tích văn hóa vật thể phong phú, Hưng Yên cũng là địa phương có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng. Đến nay, tỉnh có 7 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một trong số đó là Lễ hội Đa Hòa ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu - lễ hội ở ngôi đền thờ Chử Đồng Tử, một trong “tứ bất tử” của Việt Nam (Đức thánh Chử Đồng Tử cùng với Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thánh, Liễu Hạnh Tiên chúa là 4 vị thần trong "tứ bất tử" của tín ngưỡng văn hóa truyền thống của người Việt).

Theo lời giới thiệu của anh Hiếu, từ thành phố Hưng Yên, chúng tôi ngược sông Hồng đến Khoái Châu trong ngày đầu xuân. Đền Đa Hòa (xã Bình Minh) nằm ngay bên bến sông Hồng nên mở cửa ra là một không gian mênh mang, khoáng đạt. Hằng năm, các đền đều tổ chức lễ hội để thể hiện lòng ơn nhớ đến các vị tiền nhân. Ở đền Đa Hòa, lễ hội được tổ chức vào giữa tháng 2, được coi là lễ hội cầu tình duyên, may mắn, tốt lành trong tình yêu đôi lứa.

Lễ hội Chử Ðồng Tử - Tiên Dung được tổ chức từ ngày 10 - 12/2 âm lịch hằng năm tại đền Ða Hòa, xã Bình Minh và đền Hóa Dạ Trạch, xã Phạm Hồng Thái (huyện Khoái Châu). Trong không gian lễ hội tưng bừng, náo nhiệt, nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như rước nước, tế lễ, hát chèo, múa rồng, múa bồng… diễn ra. Các hoạt động của lễ hội không chỉ lưu truyền, lan tỏa câu chuyện huyền thoại về một tình yêu đẹp của chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, con gái Vua Hùng thứ 18, mà còn giáo dục truyền thống hiếu thảo, tình cảm nhân văn và lòng nhân ái cho các thế hệ sau. Lễ hội cũng thể hiện khát vọng của Nhân dân cầu mong mưa thuận, gió hòa để cấy cày thuận lợi, xóm làng yên vui, ấm no và hạnh phúc.

Đứng bên bờ sông hun hút gió, ông Hoàng Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh (huyện Khoái Châu) chỉ tay về phía giữa sông bảo: Nghe các cụ xưa kể lại, đó là bãi Tự Nhiên của đầm Dạ Trạch, nơi vào khoảng thế kỷ thứ IV - III TCN (khoảng năm 300 TCN, thời Hùng Duệ Vương), Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung để rồi sau đó kết tóc se duyên. Sau hàng nghìn năm, sông đổi dòng, xâm lấn nên bãi Tự Nhiên và đầm đã nằm lại giữa lòng sông. Chuyện tình duyên giữa hai con người ở hai hoàn cảnh đối lập nhưng vượt lên tất cả không phân biệt ranh giới giàu - nghèo, đẳng cấp đã mãi trở thành tình yêu đích thực. Đặc biệt, sau khi nên vợ, nên chồng, họ còn cùng nhau chu du khắp nơi để cùng cứu giúp dân lành. Cảm động trước mối tình bất tử, ghi nhớ công lao cặp đôi trai tài, gái sắc, dân làng đã lập đền thờ ngay bên đầm Dạ Trạch là đền Đa Hòa ngày nay.

Đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa cũng được Nhân dân thờ phụng ở nhiều nơi trên địa bàn đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, chủ yếu là các làng ven sông Hồng. Tại Khoái Châu cũng có một số đền làng thờ như: Đền Hóa Dạ Trạch, xã Phạm Hồng Thái; đình Phương Trù, thôn Phương Trù, xã Tứ Dân; đền Ngự Dội Làng Màn Trầu (nay là thôn Toàn Thắng, xã Tứ Dân); đền làng Quan Xuyên, xã Thành Công... Hằng năm, các đền đều tổ chức lễ hội để thể hiện lòng ơn nhớ đến các vị tiền nhân.

Linh thiêng Đức Thánh Trần

Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt nói chung, người dân sinh sống dọc sông Hồng nói riêng. Đây là hình thức tín ngưỡng dân gian được hình thành qua quá trình thánh hóa, thần hóa nhân vật lịch sử có thật - Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Sử sách vẫn còn ghi chép lại, Trần Quốc Tuấn tên chữ Nho là Trần Hưng Đạo (1228 - 1300), tước hiệu Hưng Đạo Đại Vương, là một nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Trong lịch sử, Trần Hưng Đạo là một vị anh hùng có công với nước. Ông có tài cầm quân đánh giặc, giữ yên bờ cõi với 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông vào năm 1258, 1285 và 1287. Bước vào huyền thoại, ông là vị thánh phù hộ cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước và giúp dân. Ông được gọi là Đức Ông Trần Triều hay Đức Thánh Trần, Cửu Thiên Vũ Đế.

Trong tâm thức dân gian, với tấm gương trung hiếu, tài năng và công lao to lớn đối với đất nước nên khi ông mất, Nhân dân đã suy tôn ông là Đức Thánh, lập đền ở khắp nơi để thờ phụng, tri ân công đức Đức Thánh Trần và xưng tụng ông làm đức Thánh “Cha”. Đặc biệt, ở những tỉnh nằm dọc sông Hồng nơi mà dấu chân đoàn ngựa năm xưa của ông đã từng ngược xuôi chinh chiến, những ngôi đền được lập nên thờ Hưng Đạo Đại Vương và các tướng sĩ - người đã cùng ông vào sinh ra tử như: Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão...

Theo dòng chảy lịch sử, chúng tôi về thăm đền Trần Thái Bình - nơi phát tích của nhà Trần, hiện thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình). Đền nằm ngay bên bờ hữu ngạn sông Hồng. Từ đây nhìn qua sông Hồng bên bờ tả là đền Trần Nam Định. Nếu quần thể đền Trần tại Nam Định là nơi vị họ tổ nhà Trần định cư ban đầu thì vùng đất Hưng Hà (Thái Bình) được xác định là quê hương, nơi khởi nghiệp của gia tộc họ Trần cách đây hơn 700 năm. Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình còn gọi là Thái Đường Lăng - một tổng thể kiến trúc rộng lớn, là nơi thờ tự các vua Trần. Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp vương triều Trần, nơi chứa đựng những dấu ấn lịch sử gắn chặt với triều đại nhà Trần, các vua khai sáng nhà Trần đều được sinh ra tại đây, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp, chính nơi này cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái Tổ Trần Thừa và 3 vị vua đầu triều Trần (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và một phần ngọc cốt của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông). Quần thể di tích đền Trần Thái Bình gồm các đền thờ, lăng mộ thờ các vị vua, quan nhà Trần. Với những giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng, hệ thống các di tích lịch sử nơi đây gồm khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đều đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội Đền Trần tại Thái Bình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như lễ rước nước, thi cỗ cá thời Trần, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ…

Từ khu vực cuối sông Hồng là Thái Bình, Nam Định ngược lên với miền biên ải Lào Cai, nơi ngàn năm trước Trần Hưng Đạo đã đem quân diệt giặc Nguyên - Mông, có thể thấy đền thờ Đức Thánh Trần và các quan binh nhà Trần tạo thành hệ thống các quần thể, là những di tích lịch sử văn hóa mang những giá trị riêng, góp phần tạo nên dòng chảy văn hóa tâm linh dọc sông Hồng. Như ở tỉnh Lào Cai, ngay gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nằm sát cạnh ngã ba sông Hồng và sông Nậm Thi là Đền Thượng (thành phố Lào Cai) thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Từ đây xuôi theo sông Hồng, vẫn trên địa phận thành phố Lào Cai còn có Đền Cấm, Đền Quan được Nhân dân lập nên thờ các quan binh nhà Trần có công dẹp giặc phương Bắc, bảo vệ biên cương; đền Vạn Hòa thờ Đức Thánh Trần. Về đến xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng) có Đền Đồng Ân thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; đến xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên) có đền Bảo Hà thờ ông Hoàng Bảy là vị tướng có công dẹp giặc phương Bắc.

Lý giải vì sao hệ thống các đền lại được người dân lập nhiều bên bờ sông, Tiến sĩ Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho rằng: Xưa kia, khi đường bộ khó khăn, chia cắt bởi địa hình phức tạp, giao thông, giao thương đường thủy rất hữu dụng và phát triển. Những điểm lập đền thường gần những bến nghỉ trên hành trình đường thủy, phù hợp với tín ngưỡng của người Việt đi đến đâu lập đền thờ đến đó để mong cầu sự chở che, bảo vệ từ các vị thánh, thần. Chính tấm lòng thành kính, đức tin và những điều tốt đẹp đã khiến cộng đồng các dân cư tạo nên dòng chảy văn hóa quan trọng, làm nên nền văn minh sông nước rực rỡ.

Bài 2: Linh thiêng tín ngưỡng thờ Mẫu

Tô Dung - Đức Toàn - Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-1-van-hoa-tam-linh-mien-song-nuoc-post399516.html