Bài 1: Vượt qua thách thức đấu tranh chống chặt phá rừng tự nhiên

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Gia Lai đã vượt qua được những khó khăn, thách thức trong việc đấu tranh chống chặt phá rừng tự nhiên, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, khai thác rừng trái pháp luật và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tình hình vi phạm lâm luật năm 2023 giảm 206 vụ, tương đương 47,13% so với cùng kỳ năm 2021. Một số dự án triển khai bước đầu của các doanh nghiệp được thuê đất trồng rừng đã hình thành nên vùng nguyên liệu tập trung như các Dự án đầu tư trồng rừng của Công ty TNHH TM DV Minh Phước…

Đó là những kết quả đáng ghi nhận trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được báo cáo tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại của Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn vừa được tổ chức.

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng

Tây Nguyên là một vùng cao nguyên xanh, nói đến Tây Nguyên, nói đến Gia Lai không thể không nói đến rừng. Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh xác định đến năm 2030, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. Do đó, bảo vệ, phát triển rừng vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Trên thực tế, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay hơn 649.000ha, tỷ lệ che phủ rừng là 40,95%; tỷ lệ che phủ chung là 47,33%. Tỷ lệ này chưa đạt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

 Tổ nhận khoán bảo vệ rừng và lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Păh) phát dọn đường ranh cản lửa phòng chống cháy rừng. Ảnh: L. Nam

Tổ nhận khoán bảo vệ rừng và lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Păh) phát dọn đường ranh cản lửa phòng chống cháy rừng. Ảnh: L. Nam

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: từ hiệu quả và tín hiệu tích cực qua các hội nghị tiếp xúc và đối thoại theo chuyên đề, theo từng lĩnh vực Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai đã tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay (tiếp xúc và đối thoại với trẻ em; với doanh nghiệp và hợp tác xã; với viên chức, người lao động ngành y tế; với cán bộ lãnh đạo, quản lý và viên chức ngành giáo dục), Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc và đối thoại với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn.

Hội nghị nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của công tác quản lý bảo vệ rừng; nghe tâm tư, nguyện vọng của lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền rà soát, thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ, kịp thời chủ trương của Đảng về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững; đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về lâm nghiệp bảo đảm đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy được tiềm năng, lợi thế của rừng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh.

Giảm 47,13 % số vụ vi phạm lâm luật

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên việc triển khai thực hiện, tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng; công tác thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng được thường xuyên.

Đáng chú ý, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã vượt qua được những khó khăn, thách thức trong việc đấu tranh chống chặt phá rừng tự nhiên, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, khai thác rừng trái pháp luật và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác lâm nghiệp được nâng lên rõ rệt. Ở cấp huyện, hoạt động của các Đoàn Liên ngành được duy trì, kịp thời ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến rừng; việc đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại tài nguyên rừng ngày càng hiệu quả. Việc ngăn ngừa, triệt phá các tụ điểm về phá rừng, khai thác rừng đã được chủ động tăng cường lực lượng để truy quét. Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh, hạn chế các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Tình hình vi phạm lâm luật năm 2023 giảm 206 vụ, tương đương 47,13% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, dịch vụ môi trường rừng góp phần tăng thêm thu nhập, tạo việc làm, giảm nghèo cho người dân. Công tác trồng rừng đã được chính quyền các cấp, chủ rừng, người dân quan tâm hơn, chất lượng rừng, năng suất rừng trồng ngày được nâng cao. Các doanh nghiệp được thuê đất trồng rừng nỗ lực, khắc phục khó khăn để đầu tư vốn triển khai công tác trồng rừng trên diện tích được cho thuê; đã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ việc trồng, chăm sóc, phòng cháy chữa cháy. Một số dự án triển khai bước đầu cho thấy hiệu quả của công tác trồng rừng, đã hình thành nên vùng nguyên liệu tập trung như các Dự án đầu tư trồng rừng của Công ty TNHH TM DV Minh Phước.

Cùng với những kết quả đáng ghi nhận còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhất là việc lực lượng bảo vệ rừng thời gian qua liên tục nghỉ việc; việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động của các đơn vị gặp nhiều khó khăn.

BẢO PHƯƠNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-vuot-qua-thach-thuc-dau-tranh-chong-chat-pha-rung-tu-nhien-post395213.html