Bài 10: Làng mỏ, nơi khai sinh nhà ở xã hội
Gần đây, nơi nơi đô thị hóa, những ngôi làng cổ bị lu mờ. Quảng Ninh phố phường có thay đổi, nhưng vẫn lắng đọng hình ảnh những ngôi làng thợ mỏ vùng than, một vùng đất với tự hào là nơi khai sinh ra dạng nhà ở xã hội và đang lan tỏa mô hình nhà ở cho công nhân, người lao động ở Việt Nam.
Sự manh nha ra làng mỏ ở vùng than (Quảng Ninh) sơ bộ được tính từ ngày 26/7/1884, khi Đại thần nhà Nguyễn, Phạm Thận Duật thay mặt triều đình Huế ký nhượng bán mỏ than vùng Đông Bắc bộ cho đại diện tư bản Pháp là Bavie Chauffour. Người Pháp mộ phu khai mở, đã xây dựng cư xá cho người làm thuê ở. Thành phố Hạ Long vẫn còn dấu tích phố Thư Ký, Lán Thị…cho bộ máy cai trị mỏ ở. Lán Nghệ, Lán Phục, Lán Kẽm… cho công nhân gọi là lán “Cu ly”. Lán Cu ly nhà cửa chật hẹp, nhấch nhác ví như ổ chuột.
Ngày 25/4/1955, ta tiếp quản khu Mỏ, các mỏ than tổ chức lại sản xuất, những năm đầu cơ bản vẫn lưu dung những căn nhà thời thuộc Pháp. Đầu thập kỷ 60, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), vùng mỏ được các nước trong phe XHCN viện trợ xây nhà cấp 4 và một số lô nhà 5 tầng cho công nhân ở. Nhiều căn nhà chưa ấm hơi người đã bị quân Mỹ 2 lần không kích; lần thứ nhất (5/8/1964 - 1/11/1968), lần thứ hai (10/5/1972 - 30/12/1972)…khu mỏ Quảng Ninh không một nóc nhà nguyên vẹn. Công nhân tản cư vào rừng làm nhà nửa chìm nửa nổi ẩn nấp, tránh bom đạn Mỹ.
Hết chiến tranh, cơ bản nhà ở còn bao cấp. Ông Hà Văn Hồng - Anh hùng Lao động, nguyên là công nhân Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương, nhà ở tổ 3, khu 12 phường Mông Dương kể, đầu thập kỷ 80, thợ mỏ thiếu nhà ở. Khu tập thể cả lô nhà hoặc một tầng chỉ có một nhà tắm-tolet công cộng, không có bếp núc riêng… sinh hoạt rất bất tiện. Nhiều cảnh éo le, một căn nhà 24m2 phải bố trí cho 2 cặp vợ chồng trẻ ở chung.
Vùng Than tưởng đất rộng, nhưng trên là núi cao, dưới là bãi triều ngập mặn và đất của HTX nông nghiệp, không có quĩ đất ở. Cán bộ - đảng viên ai làm nhà riêng rẽ bị quy chụp thành phần phục hồi tư sản. Công nhân lại thu nhập thấp, không có tiền, có đất để tự làm nhà riêng. Cơ chế quản lý thì theo nền kinh tế chỉ huy, đất đai vật liệu xây dựng không tự do mua bán trên thị trường. Nhà cửa tập thể, có đâu dùng đó.
Một hôm, thợ mỏ tạc dạ khi ông Nguyễn Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh về thăm xí nghiệp, thực mục cảnh ăn ở tạm bợ của người lao động. Nghe thợ mỏ trình bày tâm tư “an cư-lạc nghiệp” và đề xuất cho tập thể một hòn đảo nhỏ ở hạ lưu sông Mông Dương, gần công xưởng làm nhà cho công nhân ở, theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Giám đốc xí nghiệp khi ấy là ông Đoàn Văn Kiển (sau là Tổng giám đốc TKV) báo cáo cụ thể về cách thức huy động nguồn lực đầu tư, về quy hoạch, kiến trúc nhà cửa...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đông đồng cảm với thợ mỏ và phải nói rằng ông là người sớm có tư duy đổi mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đã đồng ý với đề xuất xã hội hóa làm nhà riêng cho thợ mỏ ở nhưng không thành văn được; bởi trong bối cảnh vị cán bộ vị trí công tác còn cao hơn mình chỉ vì khoán trồng sắn ngoài vụ lúa mà bị mất chức.
Biến đảo hoang thành đất ở, việc đầu tiên là bắc một cây cầu vượt sông nối đảo với đất liền không bằng công quĩ, nay gọi là nguồn lực ngoài ngân sách. Xí nghiệp có cho “vụng” mỗi hộ một xe than cám nhiệt lượng thấp, một xe đá xanh…vị chi khoảng 5 tấn than và 5m3 đá hộc, để công nhân tự nung vôi đóng gạch xây nhà ở. Đồng thời xí nghiệp tạo nguồn vật liệu xây dựng ngoài kế hoạch bán lại cho mỗi hộ 1.500 viên ngói, 1.000 viên gạch nung, 4 bao xi măng Hải Phòng, 1 tạ sắt 6,… loại vật liệu xây dựng công nhân không tự làm được.
Ông Đoàn Văn Kiển - nguyên Giám đốc xí nghiệp (từng làm Tổng giám đốc TKV) nay 75 tuổi cư trú ở số 114, ngách 50, phố Yên Lãng (Hà Nội), tâm sự, có được ngần ấy sắt thép, xi măng, gạch ngói cho công nhân xây nhà ở, xí nghiệp phải nhờ xe của một đơn vị bộ đội “kết nghĩa”, vượt hàng rào “ngăn sông cấm chợ” chở than tận thu đến huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đổi lấy gạch ngói. Sắt thép cũng làm theo cách “đối lưu” ấy, với đơn vị bạn ở Thái Nguyên đưa về mỏ cho công nhân làm nhà. Khi mùa khô xây dựng cấp tập, xí nghiệp còn mở kho cho công nhân vay nóng 30 tấn xi măng để làm nhà riêng…
Khi tan ca, hòn đảo hoang này như một công trường xây dựng. Nơi san nền, nơi xuống móng, kẻ gồng người gánh, lửa hồng rừng rực canh thâu, nhà nhà đốt lò nung vôi, đóng gạch xỉ, cát sỏi thì vớt từ sông Mông Dương lên. Làng mỏ Mông Dương với trên 50 nóc nhà dần dần hình thành. Mỗi công nhân còn góp 30 viên gạch xỉ xây dựng rạp chiếu bóng 750 chỗ ngồi, đồng thời là nhà văn hóa cộng đồng, nơi văn nghệ tập thể làm cho làng mỏ thêm vui tươi-ấm áp. Anh hùng lao động Hà Văn Hồng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc Đoàn Văn Phên bảo, ông Đoàn Văn Kiển là người khởi sự vì người lao động, không trục lợi, khi làm Tổng Giám đốc TKV còn dùng tiền lương của mình mua xi măng hỗ trợ cho ngôi làng này xây dựng một con đường liên thôn kiên cố.
Ngôi làng mỏ thứ hai ở Quảng Ninh kể đến là làng mỏ Cao Sơn, ở phường Cẩm Sơn cùng Cẩm Phả. Mỏ Cao Sơn ra mẻ than đầu vào ngày 19.5.1980, do nước bạn Liên Xô giúp đỡ, nhưng chỉ viện trợ thiết bị khai mỏ. Khi ấy, văn phòng và khu tập thể công nhân chỉ có mấy dãy nhà tranh vách đất trên chính thổ đất văn phòng mỏ bây giờ. Ngày ấy, theo quy hoạch thì nhà ở tập thể của mỏ Cao Sơn ở thung lũng Bằng Tẩy tít trong cánh rừng già Quang Hanh, cách khai trường mỏ khoảng trên 20km.
Giám đốc Công ty than Cao Sơn ngày ấy là ông Nguyễn Duyệt, mong muốn người thợ an cư phải gần nơi lạc nghiệp đã đưa ra phương án làm kinh tế "ba" (cụm từ này nay ít dùng, tức là: Lợi ích nhà nước, tập thể và người lao động) để có nguồn tài chính vận chuyển đất thải mỏ làm vật liệu san nền trên vùng đất sình lầy, hoang vu thành mặt bằng, để chia cho công nhân tự xây dựng nhà ở.
Năm đầu mở đường công vụ, năm sau đổ đất vượt thổ; và mỗi năm cạp ra một ít, tiền có đến đâu làm đến đấy, không đổ ồ ạt; đất nền lại được lu lèn chắc chắn, còn bớt ảnh hưởng xấu đến môi trường. Năm 1989, mỏ Cao Sơn đã làm được con đường dài trên 1km nối Hòn Hai (hòn đảo nhỏ trên bãi triều ngập mặt) với đất liền. Mặt tiền hai bên đường là các lô đất mới vượt thổ, đường ngang ngõ dọc kiểu ô bàn cờ, kéo theo là dịch vụ điện nước, những nhu cầu thiết yếu dân sinh.
San nền đến đâu, cấp cho công nhân làm nhà ở đến đó. Chẳng mấy chốc, vùng đất sình lầy hoang vu mọc lên khu dân cư mới của gia đình thợ mỏ. Làng mỏ Cao Sơn dân cư ngày một đông đúc, ngoài người lao động ở mỏ còn có công nhân các mỏ than lân cận như: Mỏ Cọc 6, Dương Huy, Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông. Sự đan xen ngẫu nhiên là chồng làm mỏ này vợ làm mỏ kia, nay làng mỏ Cao Sơn không thuần là người ở mỏ Cao Sơn, dân số lên đến trên 850 hộ, 3.140 nhân khẩu. Từ một làng nay mở rộng thành 3 khu phố, chiếm tỷ lệ 1/5 dân số của phường Cẩm Sơn, khu phố đông đúc nhưng dân vẫn quen gọi là làng mỏ Cao Sơn.
Ngày nay trong cơ chế mới, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, các Công ty than (mỏ than) ở vùng than Quảng Ninh trong Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) phát triển lớn mạnh. TKV là Tập đoàn kinh tế nhà nước có quĩ nhà ở cho người lao động lớn nhất Việt Nam với 35 khu chung cư, gồm các tòa nhà cao từ 5 đến 11 tầng, với gần 4.000 phòng ở, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 25.000 công nhân.
Tiêu biểu nhất là khu chung cư mỏ than Nam Mẫu ở khu Phú Thanh Tây, phường Yên Thanh (Uông Bí). Khu chung cư này xây dựng năm 2010, trên diện tích 14.738,15m2; đất công trình 4.199,76m2; đất cây xanh 2.269,7m2; đất giao thông, sân đường nội bộ 8.268,96m2. Công trình xây dựng gồm 4 lô nhà cao 9 tầng với 224 căn hộ khép kín rộng từ 65m2 đến 80m2. Công trình có nét khác biệt, khi ấy giám đốc mỏ là ông Bùi Quốc Tuấn đã khéo đưa công trình vào danh mục dự án đầu tư khai mỏ, không ảnh hưởng đến quỹ phúc lợi của người lao động.
Công trình đi trước đón đầu tiến trình xây dựng đô thị văn minh - hiện đại. Nhà xây ở trung tâm thành phố tối thiểu phải cao 9 tầng, để tận dụng quĩ đất đô thị; có thang máy, các tiện nghi đi kèm, hệ thống phòng chống cháy nổ tiên tiến, bếp núc công trình vệ sinh khép kín tiện cho hình thức ăn ở gia đình. Chung cư Nam Mẫu có 48 căn nhà dành cho hộ gia đình, hiện có 32 cặp vợ chồng thợ mỏ ở, tính chất nhà ở xã hội cao.
Ngày 27/12/2019, mỏ than Nam Mẫu tổ chức lễ khánh thành nâng cấp công trình “Chung cư thợ mỏ kiểu mẫu”, mục tiêu chung cư không thuần là chỗ ở còn là công trình văn hóa, với các nội dung: cải tạo, nâng cấp và xây dựng các hạng mục phúc lợi phục vụ người lao động. Cụ thể, đầu tư 18 tỷ đồng trang sắm đồ gia dụng cho các phòng ở gồm: ti vi, máy giặt, tủ lạnh, ấm đun nước; ngoại thất, thì tân trang vôi ve các tòa nhà, sửa chữa thay thế thiết bị điện nước, xây dựng Trung tâm thể thao-văn hóa thợ mỏ, tôn tạo cảnh quan môi trường.
Khu nhà ở tập thể cán bộ công nhân viên của mỏ Mạo Khê tại khu Vĩnh Xuân, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều cùng đạt Chung cư thợ mỏ kiểu mẫu. Quần thể công trình xây dựng sử dụng 45.666m2 đất gồm 3 lô nhà cao 5 tầng, với 245 căn hộ, nhà ăn 300 chỗ ngồi, nhà để xe đạp-xe máy, khu cây xanh lâm viên, sân thể thao vui chơi tập thể ngoài trời, hồ điều hòa, hệ thống sân đường đi bộ thoáng rộng cảnh quan.
Khu chung cư kiểu mẫu 314 của mỏ than Vàng Danh xây dựng năm 2012 với 2 lô nhà 5 tầng gồm 132 căn phòng ở, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 500 công nhân và có 3 “phòng hạnh phúc”, tiện nghi sang trọng như khách sạn 4 sao phục vụ vợ con thợ mỏ thăm thân. Các tầng nhà có thang máy, nơi ở thiết bị sinh hoạt tiện nghi; hạ tầng văn hóa gồm phòng trưng bày bảo tàng truyền thống mỏ, thư viện, căng tin, siêu thị Winmart, phòng hát karaoke, bể bơi 4 mùa, sân thể thao ngoài trời, công viên tiểu cảnh đẹp mắt...
100% các mỏ than hầm lò ở Quảng Ninh có khu chung cư tiện nghi níu chân thợ mỏ, tạo cho người lao động “an cư lạc nghiệp”. Chung cư hòa nhập xu thế địa phương xây dựng đô thị thông minh-hiện đại; chung cư kiểu mẫu có không gian văn hóa. Quảng Ninh, người làm việc ở các cơ ở sản xuất ngành than-TKV khoảng trên 80.000 người, đã có tài liệu xã hội học nêu 1 người làm than có 7 người ăn theo (các dịch vụ sau hòn than).
Quảng Ninh, vựa than Antraxit lớn nhất Việt Nam trữ lượng còn trên 3 tỷ tấn, sản lượng khai thác trên dưới 40 triệu tấn/năm. TKV thu hẹp tiến tới bỏ công nghệ khai thác than lộ thiên, chuyển xuống khai thác than hầm lò, nhiều mỏ đã hạ lòng giếng xuống đáy vỉa ở độ sâu 350-500m so với mực nước biển. Nhu cầu tuyển dụng lao động ở mọi miền đất nước về địa phương là rất lớn, quĩ nhà ở cho người lao động là rất lớn.
Ngày 8/8/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định số 2279/QĐ - UBND phê duyệt “Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh”. Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ giải quyết cơ bản nhu cầu thuê, thuê mua, mua nhà ở phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của lao động vùng Than với quĩ đất xây dựng nhà ở 1.500 ha. Trong đó, dự kiến đến năm 2025 khởi công, xây dựng khoảng 1.240.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người lao động.
Làng mỏ, nơi khai sinh ra mô hình nhà ở xã hội đã và đang lan tỏa hình mẫu nhà ở cho công nhân, người lao động… một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xây dựng nhà ở xã hội Việt Nam.
Một số hình ảnh mỏ than nơi khởi thủy nhà ở xã hội:
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bai-10-lang-mo-noi-khai-sinh-nha-o-xa-hoi-357855.html