Bài 2: Bệnh án điện tử - Lợi ích đa chiều
Khoảng 97% bệnh nhân nội trú được thanh toán viện phí online, 100% các phim chụp X-quang không còn phải in phim, thời gian khám bệnh trung bình giảm xuống 50%, chỉ mất 30-40 giây để đăng ký khám lần đầu, từ lần thứ hai chỉ mất 5-8 giây với hệ thống mạng ổn định, tra cứu đơn thuốc, lịch sử khám dễ dàng… Đây là bức tranh toàn cảnh về những bệnh viện (BV) đi đầu trong chuyển đổi số của Hà Nội.
Đặc biệt, ngành Y tế Thủ đô cũng là địa phương tiên phong trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, đi đầu trong cả nước thí điểm hồ sơ sức khỏe, sổ sức khỏe điện tử. Đến nay, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm thành công sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Năm 2024, Hà Nội đã có 26 triệu tài khoản sổ sức khỏe điện tử, dự kiến tăng lên 40 triệu tài khoản vào năm 2025. Đó là những lợi ích đa chiều khi BV chuyển đổi số.
Tiết kiệm thời gian, giảm chi phí
Tới Khoa Khám bệnh, BV Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) vào những ngày cuối tháng 4, chúng tôi đã thấy sự chuyển mình mạnh mẽ trong công tác khám chữa bệnh. Nếu như trước kia, ở khu vực làm thủ tục đăng ký khám bệnh luôn chen chúc người bệnh, kẻ gian cũng lợi dụng sự đông đúc này để hoạt động trộm cắp, thì nay tình trạng này không còn nữa. BV đã triển khai các Kiosk tự động, người dân chỉ cần CCCD để nhập dữ liệu, lấy số khám bệnh tự động. Ông Phạm Tuấn Quang (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Thủ tục khám chữa bệnh hiện nay nhanh chóng, chỉ cần mang CCCD, không phải cầm loại giấy tờ gì, rất nhẹ nhàng. Măc dù bệnh nhân vẫn đông như trước, thậm chí còn đông hơn nhưng không ách tắc, quá tải, người bệnh có được kết quả khám và ra về sớm hơn”.

Triển khai Đề án 06 tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, người dân đăng ký khám bệnh bằng CCCD gắn chip.
Chia sẻ về những đổi thay này, TS.BS Nguyễn Đức Long, Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn cho biết, BV xác định chiến lược "Tiên phong công nghệ" là mục tiêu cấp thiết trong phát triển BV. Chuyển đổi số không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân mà còn mang lại lợi ích đa chiều. Chuyển đổi số còn là cơ sở dữ liệu chính xác và lớn để phát triển nghiên cứu khoa học, làm nền tảng cho AI có thể cá thể hóa điều trị. Vì vậy, khi được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Y tế; sự hỗ trợ quyết liệt, tích cực của Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Dữ liệu Dân cư và Căn cước công dân (Trung tâm RAR) thuộc Cục C06, Bộ Công an, BV đã tiên phong quyết liệt triển khai thần tốc, khoa học, sáng tạo nhiều nội dung trong Đề án 06 Chính phủ và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tháng 10/2023, BV là một trong 5 đơn vị y tế đầu tiên trên toàn quốc triển khai hệ thống Kiosk thông minh tự phục vụ kết nối dữ liệu trên VNeID của Cục C06, giúp giảm bớt thủ tục hành chính và thời gian chờ đợi cho người bệnh. Với hệ thống mạng ổn định, thời gian đăng ký khám lần đầu chỉ mất 30-40 giây, từ lần thứ hai chỉ mất 5 - 8 giây. Hiện tại, trung bình mỗi ngày, BV có khoảng 1.500 lượt bệnh nhân sử dụng Kiosk để đăng ký khám bệnh (chiếm 70% tổng số lượt khám chữa bệnh tại BV).
Từ tháng 1/2024, BV Đa khoa Xanh Pôn đã thực hiện liên thông dữ liệu khám chữa bệnh lên sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID và sổ sức khỏe điện tử thành phố (iHanoi) qua đường truyền Viettel. Trong năm 2024 là 429.767 lượt hồ sơ liên thông dữ liệu khám chữa bệnh lên sổ sức khỏe điện tử; năm 2025 (tính đến ngày 4/4) là 101.533 lượt hồ sơ; số liệu các năm cũ đã đẩy thành công (từ 2021 - 2023) là 909.472 lượt hồ sơ. “Việc này giúp người bệnh dễ dàng tra cứu lịch sử khám chữa bệnh, đơn thuốc, kết quả xét nghiệm mà không cần mang theo hồ sơ giấy, tiết kiệm thời gian làm thủ tục và giảm thiểu tình trạng mất giấy tờ y tế. Đặc biệt đối với ngành Y tế, hệ thống dữ liệu đồng bộ giúp cơ quan quản lý theo dõi tình trạng sức khỏe cộng đồng, từ đó đưa ra chính sách phù hợp, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh kịp thời và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”, TS.BS Nguyễn Đức Long nói.
Một trong những “tiên phong” nữa của BV Đa khoa Xanh Pôn chính là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc chính thức triển khai chữ ký số người bệnh trên bảng kê chi phí điều trị với kết nối dữ liệu chữ ký số trên môi trường và nền tảng VNeID. Ngoài ra, BV đã triển khai thành công các giải pháp như số hóa, ký số trong các thủ tục hành chính liên quan đến khám chữa bệnh. Năm 2025, BV xây dựng chiến lược tiên phong trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động khám chữa bệnh. BV đã và đang hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước để triển khai các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhằm đi đầu trong chuyển đổi số y tế của Thủ đô và cả nước.
Bỏ bệnh án giấy, cuộc cách mạng chuyển đổi số
Một BV khác cũng đang khắc phục mọi khó khăn để ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong khám chữa bệnh là BV Đa khoa Hà Đông. Tại Khoa Khám bệnh, bệnh nhân Nguyễn Thị Bảy (trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội) đi khám vì bị tụt bạch cầu, bà cho biết, nhờ có Kiosk, bà không phải chờ đợi lâu. Khi bà cho CCCD vào Kiosk là trên phòng khám có số, có tên bà, rút ngắn được thời gian chờ đợi khoảng 30 – 45 phút/bệnh nhân. Giờ cao điểm đông bệnh nhân, việc đăng ký khám qua Kiosk đã tạo ra lợi ích đáng kể khi giảm bớt sự quá tải cho cả bác sĩ và người bệnh (1 tiếng, Kiosk giúp đăng ký cho khoảng 60-70 bệnh nhân). Bệnh nhân Lê Thị Lữ, huyện Yên Khánh, Ninh Bình, bị ho dai dẳng, chia sẻ, bà rất hài lòng khi kết quả xét nghiệm của bà còn được hiển thị ngay trên điện thoại “smartphone”.

Các bác sĩ đang hướng dẫn người dân đăng ký khám bệnh qua Kiosk tự động tại BV Đa khoa Hà Đông.
Còn BS Nguyễn Thị Ngân khám tại Phòng khám chất lượng cao của Khoa Khám bệnh chia sẻ với chúng tôi: “Khi bệnh nhân đi khám ở đây thì trên hệ thống phần mềm của em sẽ báo lịch sử khám bệnh của bệnh nhân. Ngày trước, chúng em sẽ phải in phim để trả cho người bệnh, bệnh nhân bị mất phim thì kết quả so sánh sẽ bị ảnh hưởng, nhưng bây giờ, trả kết quả trên mạng, bệnh nhân dễ dàng lưu lại kết quả của mình, lần sau đi khám, nếu bệnh nhân muốn tìm lại kết quả cũ, thì chỉ cần quét lại mã QR, sẽ ra kết quả xét nghiệm cũ. Có ngày em khám 50 bệnh nhân, việc rút ngắn thời gian khám chữa bệnh tạo điều kiện cho cả bác sĩ và bệnh nhân”.
Ông Đinh Công Dũng, Phó trưởng Phòng Công nghệ thông tin của BV Đa khoa Hà Đông thông tin, một ngày BV tiếp nhận trung bình khoảng 1.000 bệnh nhân ngoại trú, còn với điều trị nội trú, hiện tại BV được phê duyệt hơn 830 giường, tuy nhiên số lượng bệnh nhân cũng diễn biến tùy theo đặc thù của từng khoa. Chuyển đổi số giúp quy trình khám chữa bệnh của BV được nhanh gọn hơn nhiều.
Hiện BV cũng đã triển khai được 3 phần hệ chính để cấu thành bệnh án điện tử bao gồm: HIT (Hệ thống thông tin BV), LIS (Laboratory Information System) – Hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm và PACS (Hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh). Với hệ thống HIT, LIS, PACS của BV, hiện tại các bác sĩ có thể không cần sử dụng phim nữa. Thay vào đó, họ sử dụng đọc các hình ảnh từ khoa chẩn đoán máy chụp trên bằng hệ thống PACS, người bệnh và cả bác sĩ có thể đọc được phim, xem được phim trên trên hệ thống điện tử thông minh. Trường hợp người bệnh đến khám, nếu thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh thì kết quả sẽ tự động được đẩy lên hệ thống và bác sĩ phòng khám có thể chẩn đoán được luôn. Và khi người bệnh về nhà, thông qua các QR code của phiếu kết quả chuẩn đoán, người bệnh có thể nhập mã truy cập vào đường link của BV là sẽ có thể biết được kết quả xét nghiệm và kết quả chẩn đoán của bác sĩ dành cho mình. Lộ trình đến cuối tháng 6/2025, BV Đa khoa Hà Đông sẽ hoàn thành xong thẩm định bệnh án điện tử, đáp ứng tiến độ yêu cầu Chính phủ đề ra. Về thực hiện Đề án 06/CP, BV cũng đã triển khai tiếp đón người bệnh bằng rất nhiều hình thức từ thẻ bảo hiểm, CCCD, VssID, VneID. Đặc biệt, 2 máy Kiosk của BV đã tiếp đón người dân bằng hình thức CCCD gắn chip mức độ 2 như chúng tôi đã đề cập ở trên.
“Trong quá trình triển khai, vướng mắc chính là nguồn kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin, bởi đầu tư cho công nghệ thông tin đòi hỏi đầu tư đồng bộ hạ tầng để đảm bảo an toàn thông tin, nên nguồn vốn rất lớn. Cho nên, BV đầu tư theo các phân đoạn, giai đoạn. Hiện tại về phần hạ tầng công nghệ thông tin, BV cũng đang tổ chức đấu thầu mua sắm để đáp ứng kịp tiến độ đến tháng 6/2025 sẽ thẩm định bệnh án điện tử. Đặc biệt, BV Đa khoa Hà Đông đã số hóa các hồ sơ, biểu mẫu cơ bản các mẫu theo Thông tư 32. BV đã đầu tư 450 máy tính cho các khoa, phòng để đáp ứng sử dụng cơ bản. Ngoài ra, BV đang áp dụng thực hiện chữ ký số, chữ ký điện tử để cho các bác sĩ làm quen dần, đến khi chuyển thẩm định bệnh án điện tử thì hy vọng mọi việc sẽ trơn tru”, ông Đinh Công Dũng cho biết.
Bỏ in phim, bảo vệ môi trường
Theo TS.BS Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), khi chuyển đổi số thì việc các BV triển khai bệnh án điện tử là xu hướng phát triển tất yếu của ngành Y tế, rất có lợi cho người dân, có ích cho ngành Y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án điện tử từ bất kỳ nơi nào trên thế giới nếu có Internet. Đến tháng 4/2025, Hà Nội có 11/42 BV triển khai bệnh án điện tử, các BV khác đang cố gắng đến 30/9 năm nay hoàn thành. Nhiều bệnh viện đã bỏ in phim, tiết kiệm chi phí không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn mang lại lợi ích rất lớn về bảo vệ môi trường.

Hệ thống đăng ký khám tự động tích hợp nhiều chức năng tiện dụng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
TS Nguyễn Đức Long cho biết, BV Đa khoa Xanh Pôn là đơn vị đầu tiên tại Hà Nội triển khai bệnh án điện tử. Gần 1 năm qua, BV đã ngừng in hồ sơ, để xây dựng kho lưu trữ điện tử độc lập, nâng cao hiệu quả quản lý. Sau hơn 9 tháng triển khai, BV đã lưu trữ hơn 31.000 hồ sơ bệnh án điện tử, tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng chi phí in ấn, đồng thời giảm thiểu chi phí nhân lực và tối ưu hóa công tác quản lý hồ sơ. Từ ngày 15/3 năm nay, BV dừng in phim chụp X-quang, dừng in kết quả cắt lớp vi tính và MRI, ước tính tiết kiệm gần 20 tỷ đồng/năm. Hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ 70% doanh thu của BV.
“Bệnh án điện tử giúp người bệnh không cần lưu trữ giấy tờ, dễ dàng truy cập thông tin qua sổ sức khỏe điện tử, tiết kiệm thời gian khám chữa bệnh và chủ động theo dõi sức khỏe lâu dài. Nhân viên y tế có thể tra cứu thông tin nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả, giảm sai sót y khoa. Bác sĩ không cần viết tay, ký số trực tuyến giúp tối ưu hóa thời gian thăm khám, đồng thời dễ dàng hội chẩn từ xa và chia sẻ thông tin với các chuyên gia. Đối với BV, bệnh án điện tử giúp tối ưu hóa quy trình quản lý, giảm chi phí vận hành, tăng cường bảo mật dữ liệu và nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại. Đặc biệt, hệ thống bệnh án điện tử giúp ngành y tế có cái nhìn tổng thể về tình trạng sức khỏe người dân, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh kịp thời, thúc đẩy y tế thông minh và hướng đến bệnh viện không giấy tờ”, TS Nguyễn Đức Long chia sẻ thêm.
TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang cũng cho chúng tôi biết, hàng nghìn bệnh nhân của BV Đa khoa Đức Giang được hưởng lợi, hàng nghìn tờ giấy được tiết kiệm từ in phiếu chỉ định, kết quả, in phim. Đến nay, tất cả hồ sơ bệnh án giấy đều đã ngừng sử dụng. Từ hơn 3 năm qua, BV Đa khoa Đức Giang đã không in phim X-quang, mọi dữ liệu cận lâm sàng như xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm, nội soi… của bệnh nhân đều được cập nhật lên phần mềm quản lý BV. Giờ đây, chỉ cần có mã số bệnh nhân là có thể truy cập lấy ngay thông tin trên phần mềm quản lý bệnh nhân mà không cần lần giở từng trang bệnh án. “App đi buồng” là công cụ đắc lực để bác sĩ không phải ôm từng chồng bệnh án, lật giở từng trang lịch sử các y lệnh trước đó.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/bai-2-benh-an-dien-tu-loi-ich-da-chieu-i767944/