Đây là thứ mà AI không thể thay thế

Dù từng dẫn dắt phòng nghiên cứu AI của Nvidia, Giáo sư Anima Anandkumar khẳng định rằng sự tò mò là thứ khiến con người khác biệt và không thể bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo.

 Anima Anandkumar cho rằng học sinh nên sử dụng AI như một công cụ, không nên sợ nó. Ảnh: Reuters.

Anima Anandkumar cho rằng học sinh nên sử dụng AI như một công cụ, không nên sợ nó. Ảnh: Reuters.

Trong thời đại ChatGPT hay các công cụ lập trình tự động đang khiến giới trẻ lo lắng về tương lai nghề nghiệp, lời khuyên của một nhà khoa học AI tầm cỡ có phần gây ngạc nhiên. Thay vì học thêm kỹ năng kỹ thuật để “đi trước” AI, bà Anima lại nhấn mạnh vào năng lực tưởng chừng mơ hồ: sự tò mò.

“Đừng sợ AI, cũng đừng quá bận tâm về những kỹ năng có thể bị thay thế. Điều quan trọng là giữ được con đường học hỏi suốt đời - để trí tò mò dẫn dắt bạn đến những điều mới, đến những câu hỏi chưa ai trả lời”, bà nói.

Sự khẳng định của bà đi ngược với nỗi lo ngày càng rõ nét trong giới trẻ. Theo khảo sát năm 2025 của nền tảng nghề nghiệp Handshake với hơn 3.000 sinh viên Mỹ, có tới 62% sinh viên quen thuộc với AI cho biết họ lo ngại công cụ này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp. Tỷ lệ này cao hơn gần 20 điểm phần trăm so với năm 2024. Trong nhóm sinh viên ngành công nghệ thông tin, 28% mô tả bản thân là “rất bi quan”.

Giáo sư Anandkumar không phủ nhận sức mạnh của AI. Chính bà từng xây dựng mô hình dự báo thời tiết bằng AI và tham gia phát triển nhiều hệ thống học sâu tại các tập đoàn công nghệ lớn. Tuy nhiên, bà cho rằng AI chưa thể thay thế vai trò của nhà khoa học - những người “đặt ra câu hỏi”, không chỉ “tìm câu trả lời”.

“Kể cả khi có AI nhà khoa học, vấn đề không phải là thiếu ý tưởng, mà là việc kiểm nghiệm chúng. Những bước thử nghiệm thực tế vẫn rất tốn kém và chậm chạp”, bà nhận định.

Theo bà, công việc của nhà khoa học là đi tìm lời giải cho các bài toán chưa có đáp án, từ vật chất hạ nguyên tử cho tới cấu trúc vũ trụ. “Danh sách những điều chưa biết là vô tận, và đó là điều khiến khoa học không thể bị thay thế”.

Với ngành công nghệ - đặc biệt là lập trình, nơi AI đang “xâm nhập” mạnh mẽ - bà Anandkumar thừa nhận sự thay đổi lớn đang diễn ra. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị đe dọa.

“Những lập trình viên yếu hơn AI sẽ bị thay thế. Nhưng những người biết kiểm tra, điều chỉnh, hiểu sâu chương trình và có khả năng sáng tạo, họ sẽ càng được săn đón”, bà nói.

Quan điểm này trùng khớp với lời khuyên mà CEO OpenAI, Sam Altman, đưa ra hồi tháng 3. Ông cho rằng sinh viên nên tập trung vào việc “thành thạo công cụ AI”, thay vì tìm cách cạnh tranh với nó trong các tác vụ cơ bản.

Giữa lúc các lãnh đạo công nghệ như Victor Lazarte (Benchmark) cảnh báo rằng AI đang thay thế dần nhân sự trong các ngành như pháp lý hay tuyển dụng, Giáo sư Anandkumar lại có cách nhìn tích cực hơn. Theo bà, AI chỉ thực sự hữu ích khi có con người định hướng.

“Chúng ta - với tư cách con người - vẫn là người quyết định AI sẽ làm gì, đặt ra tiêu chí đánh giá kết quả, và chịu trách nhiệm cuối cùng. Đó là quyền năng không thể thay thế”, bà nói.

“AI chỉ là công cụ. Hãy dùng nó để học nhanh hơn, khám phá tốt hơn, và nuôi dưỡng trí tò mò của mình -thứ sẽ dẫn bạn đến những điều mà AI không bao giờ tự nghĩ ra được”, bà khép lại.

Hoài An

Nguồn Znews: https://znews.vn/day-la-thu-ma-ai-khong-the-thay-the-post1551939.html