Bài 2: 'Cào bằng' mức giảm trừ gia cảnh là bất cập lớn

'Chi phí sinh hoạt ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh rõ ràng cao hơn những nơi khác, thậm chí tiền lương tối thiểu vùng cũng cao hơn, nhưng mức giảm trừ gia cảnh ở các vùng lại giống nhau. Đó là bất cập cần nhanh chóng thay đổi', Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Tài chính kế toán thuế Centax BÙI THỊ LỆ PHƯƠNG nêu ý kiến.

Không khuyến khích người lao động thu nhập thấp

- Thưa bà, nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay không còn phù hợp. Quan điểm của bà thế nào?

- Từ tháng 7.2020 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Đây là mức không còn phù hợp, vì từ đó tới nay giá cả tăng liên tục. Thậm chí, với những gia đình có con nhỏ thì chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi phí học tập đều tăng cao, nhất là với những gia đình có con cái học trong hệ ngoài công lập khi nhiều trường phải tự chủ về kinh phí điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với quy định. Minh chứng là, theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 7 tháng năm 2023 tăng 7,61% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9.2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021 - 2022.

Bên cạnh đó, trong tháng 7.2023, giá điện sinh hoạt tăng 3,87% so với tháng trước, giá nước sinh hoạt tăng 0,47% do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 4.5.2023…

Cùng với giá cả tăng thì mức sống của người dân cũng ngày một tăng lên. Trong bối cảnh đó, việc duy trì theo mức giảm trừ gia cảnh từ tháng 7.2020 rõ ràng đã không còn phù hợp và cần phải điều chỉnh.

- Một vấn đề nữa rất được quan tâm là biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế với 7 bậc được cho là quá nhiều và quá dày?

- Đây đúng là vấn đề rất đáng quan ngại. Khoảng cách ở những bậc lũy tiến ban đầu quá thấp, trong khi người lao động còn ở mức thu nhập thấp thì lại không được khuyến khích. Ví dụ, khoảng cách giữa 3 bậc đầu chỉ có 5 triệu đồng - 5 triệu đồng và 8 triệu đồng (tương ứng bậc 1 là đến 5 triệu đồng, bậc 2 từ trên 5 - 10 triệu đồng và bậc 3 trên 10 - 18 triệu đồng), trái lại, ở những bậc thuế cao khoảng cách lên tới 20 - 28 triệu đồng.

Xem xét khấu trừ chi phí học tập, khám bệnh… khi tính thuế

- Với những bất cập trên, bà có gợi ý gì về phương án điều chỉnh?

- Trước hết, về mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người lao động và đặc biệt với người phụ thuộc cần được điều chỉnh tăng lên, bởi mức 4,4 triệu/người/tháng đối với người phụ thuộc không thể đủ để trang trải chi phí cho một em nhỏ đang học tập. Hoặc, nếu chúng ta không tăng được mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc thì có thể cho giảm trừ các khoản chi phí có hóa đơn chứng từ, chứng minh chi phí cho người phụ thuộc hợp lý, hợp lệ như chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi phí học tập… với mức phù hợp.

Nếu các chi phí hợp lý được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần hạn chế việc trốn thuế, đồng thời tạo thói quen cho người dân lấy hóa đơn chứng từ khi mua bán hàng hóa, từ đó tạo thói quen không dùng tiền mặt.

Cần lưu ý là hiện quy định mức giảm trừ gia cảnh đang mang tính cào bằng. Trong khi chi phí sinh hoạt ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh rõ ràng cao hơn những nơi khác, thậm chí tiền lương tối thiểu vùng cũng cao hơn, nhưng mức giảm trừ gia cảnh ở các vùng lại giống nhau; đó là bất cập cần nhanh chóng thay đổi.

Tại sao chúng ta không phân chia mức giảm trừ gia cảnh như phân chia lương tối thiểu vùng, để những vùng nào có mức lương cao hơn thì được giảm trừ gia cảnh cao hơn, vùng nào có mức lương thấp hơn thì được giảm trừ gia cảnh thấp hơn?

Về các bậc thuế cũng cần xem xét lại. Với những bậc đầu nên để khoảng cách xa hơn như 10 - 15 triệu, như thế sẽ khuyến khích người lao động thực hiện nghĩa vụ thuế và khai báo các khoản thu nhập. Mức tăng 20% với những khu vực lương cơ bản thấp thì phù hợp, nhưng với mức lương cơ bản ở khu vực 1 thì tăng 20% vẫn chưa phù hợp. Bởi lẽ, với những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mức lương của người lao động bình thường bình quân đạt khoảng 15 triệu đồng/tháng, giá cả và các khoản chi ở những thành phố này cũng cao hơn và nhiều hơn những khu vực có mức lương tối thiểu vùng thấp.

- Theo quy định hiện hành, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chỉ thực hiện khi lạm phát lũy kế tăng 20%, như vậy phải đến năm 2025 mới thực hiện điều chỉnh, thưa bà?

- Việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng giống như sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, tác động rất lớn đến nền kinh tế. Bản thân các doanh nghiệp, người lao động cũng sẽ nhận thức rõ ràng hơn, minh bạch hơn về việc đóng thuế thu nhập cá nhân cho người lao động, thay vì tìm cách lách thuế, tránh thuế, từ đó thúc đẩy tiêu dùng, minh bạch về dòng tiền, tiến tới quản lý thu nhập ngày càng rõ ràng, minh bạch. Do đó, theo tôi, chúng ta không nên đợi đến năm 2025, tức chờ khi lạm phát lũy kế tăng trên 20%, mà cần nhanh chóng sửa đổi để bảo đảm khuyến khích người lao động.

- Xin cảm ơn bà!

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-2-cao-bang-muc-giam-tru-gia-canh-la-bat-cap-lon-i339058/